Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Trước đó, quy hoạch năng lượng chỉ rải rác được đề cập trong các chiến lược ngành.
Nguồn cung năng lượng trong nước đang giảm sút
Nhắc lại thời điểm năm 2015 là bước ngoặt Việt Nam chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết quy hoạch năng lượng cần phải tính tới câu chuyện hạ tầng nhập khẩu, cũng như nguồn nhập khẩu. Ví dụ như khí, thời gian tới, chúng ta cần xây dựng được hệ thống trữ khí, phân phối khí như các nước phát triển. Hay nhập khẩu khí dầu hóa lỏng (LNG), rõ ràng từ trước tới nay chưa có cảng khí LNG có quy mô lớn, đây là vấn đề chúng ta phải đánh giá trong quy hoạch.
Khai thác than ngày càng khó khăn. |
Ông Đỗ Hồng Nguyên, Đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), chia sẻ hiện nay chúng ta đặt ra mục tiêu tổng sản lượng khai thác than mỗi năm đạt từ 50-56 triệu tấn mỗi năm, nhưng với điều kiện hiện nay, TKV chỉ có thể thực hiện được 45 triệu tấn. "Nếu không có cơ chế khuyến khích rõ ràng trong việc đầu tư mỏ than thì rủi ro rất lớn, doanh nghiệp không dám làm", ông Nguyên chia sẻ.
Cũng về vấn đề lo ngại thiếu hụt nguồn năng lượng, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết hiện sản lượng khí khai thác mỗi năm trên dưới 9-10 tỷ m3 khí, tuy nhiên sau năm 2023 sản lượng dự báo sẽ ngày càng đi xuống. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp khí cho thị trường trong nước cần phải phát triển, tháo gỡ khó khăn cho các dự án khí. Trong quy hoạch cần phải tính toán về vấn đề nhập khẩu khí để hài hoà lợi ích, phát triển cho nguồn sản xuất trong nước.
Về vấn đề khí, ông Nguyễn Anh Đức, Viện Dầu khí Việt Nam, cho biết phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu trong quy hoạch dầu khí 2020 đều đạt và vượt. Tuy nhiên, ở ngành công nghiệp khí còn nhiều điểm chưa đạt như sản xuất khí LPG mới đạt gần 50%, lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu gần 25%.
Đại diện Viện Dầu khí cho rằng còn khó khăn, tồn tại như chính sách giá năng lượng thường chú trọng việc thỏa mãn phía cầu và giải quyêt tác động xã hội hơn là khuyến khích phát triển nguồn cung, chưa được vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ và hiện đại. Hầu hết các mỏ dầu khí đang khai thác bước sang giai đoạn suy giảm sản lượng nhập khó dự báo. Một số dự án chế biến dầu khí quy hoạch đơn lẻ, quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh toàn cầu thấp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và lợi nhuận biên lọc dầu trong khu vực thấp và dài hạn.
Quy hoạch mới ra đời đã lỗi thời
Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia gồm 14 chương và sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay. Hiện 5 chương đầu của bản quy hoạch đã hoàn thành, gồm đánh giá hiện trạng, tình hình thực hiện các phân ngành năng lượng trong giai đoạn vừa qua; dự báo phát triển năng lượng theo các kịch bản; hiện trạng sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam... Dự kiến, 5 chương tiếp theo sẽ được Bộ Công Thương hoàn thành trong tháng 9 và 3 chương cuối hoàn thành vào tháng 10.
Trong khi đó, nhắc tới những bất cập tại Quy hoạch điện VII, PGS.TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng việc truyền tải không theo kịp sự tăng trưởng của loại hình năng lượng tái tạo là lỗi của những người phê duyệt quy hoạch, đáng lẽ trước khi đặt bút ký cho phép xây dựng ở đâu thì anh phải nhìn xem xét sau khi xây dựng rồi thì điện sẽ đi đâu và có đường đi một cách thoải mái không hay bị nghẽn tắc ở đâu đó và những nhà phê duyệt quy hoạch phải chịu trách nhiệm.
"Xây dựng một lưới điện, ví dụ 220kV đã mất đến 3-4 năm từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, dựng cốt, kéo dây… trong khi điện mặt trời chỉ cần 4-5 tháng làm xong nhà máy rất lớn", ông Long nói.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng Quy hoạch điện VII đã không phù hợp với thực tế, trong quy hoạch của mình còn những nhược điểm cố hữu là đánh giá nhu cầu không chính xác. Dẫn đến, cứ quy hoạch được một thời ngắn là đã phải điều chỉnh do công tác dự báo, đánh giá chưa chính xác, đây là vấn đề mà quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia cần phải lưu ý.
Ông Trần Xuân Hoà, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, đặt vấn đề tại sao Việt Nam đang phát triển theo xu hướng bảo vệ môi trường nhưng chúng ta vẫn còn phải phát triển nhiệt điện than, điện dầu, điều này cần phải giải thích cho người dân hiểu. Quan trọng hơn cần sự liên kết các phân ngành năng lượng, gắn với trách nhiệm của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, theo ông Hòa là chưa có cơ chế thị trường, khi nhiều ngành năng lượng giá vẫn do Bộ Tài chính phê duyệt.
"Thị trường thì thị trường hẳn, còn Nhà nước khống chế thì quy định rõ. Khi than đắt thì hùa vào yêu cầu TKV cung cấp, than rẻ thì để ứ thừa. Đầu tư mỏ than hàng chục năm, nên cần phải xác định cơ chế thế nào cho các tập đoàn", ông Hòa phân tích.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, việc xây dựng quy hoạch năng lượng được diễn ra trong bối cảnh rất đặt biệt, đó là chúng ta đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng ròng sang nước nhập khẩu năng lượng ròng với quy mô lớn (nhập chủ yếu là ngoài khu vực Đông Nam Á).
Thứ trưởng Công Thương nhìn nhận, khi chúng ta nhập khẩu từ xa, thì câu chuyện hạ tầng cần phải được tính đến. Hạ tầng không đáp ứng được là mắc. Cũng như tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, nhưng vấn đề vẫn là làm sao có cơ chế để phát triển loại hình năng lượng này thay vì chỉ đưa ra mức giá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, sử dụng tiết kiệm năng lượng là phương án tốt nhất để đảm bảo an ninh năng lượng, chứ còn tăng nguồn cung mãi không phải là giải pháp hay. Đặc biệt, "làm sao ngành năng lượng trước giờ luôn bị xem là ảnh hưởng không tốt tới môi trường thì phải ít tác động tới môi trường nhất, phải đánh giá cả chuỗi chứ không phải một khâu nhất định", ông An nhấn mạnh rằng, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia sẽ phải giải quyết được những bất cập trên.
Lê Thúy