Sau khi tiếp thu ý kiến từ dư luận, Bộ Công Thương mới đây cho biết sẽ đề xuất rút phương án tính tiền điện một giá. Theo đó, Bộ tiếp tục giữ đề xuất biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc thang.
Dùng nhiều điện chưa chắc đã giàu
Việc nhanh chóng bỏ phương án điện một giá của Bộ Công Thương khiến nhiều chuyên gia trong ngành năng lượng bày tỏ sự tiếc nuối.
PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu quan điểm: "Phương án một giá là hợp lý, dễ dàng và công bằng nhất. Còn chuyện hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, Chính phủ có thể có những cách khác mà không nhất thiết phải hỗ trợ qua giá điện, ví dụ như tiền mặt, an sinh xã hội, công ăn việc làm".
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc thang cần phải tiếp tục lấy ý kiến. |
Ông Duệ cho biết, khi xây dựng biểu giá điện bậc thang, ngành điện hướng đến nguyên lý khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp vốn được mặc định là những hộ dùng ít điện. Theo đó, càng sử dụng nhiều càng phải chịu giá cao.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì không hẳn như vậy. Có những gia đình rất đông nhân khẩu, sử dụng nhiều điện nhưng thuộc diện thu nhập thấp, không có điều kiện tách khẩu nên buộc phải sống chung với nhau. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chỉ có 1 - 2 nhân khẩu, đi làm cả ngày nên sử dụng ít điện và được hưởng giá thấp, song họ lại thu nhập cao. Như vậy, quan điểm về điện bậc thang để đảm bảo công bằng, hỗ trợ người có thu nhập thấp đã không còn nhiều ý nghĩa nếu xét trên góc độ thực tế.
Góp ý trực tiếp vào biểu giá 5 bậc thang, chuyên gia Nguyễn Minh Duệ cho rằng, mức tăng giá qua các bậc quá lớn, các hộ dùng điện từ 200 kWh trở lên phải chịu giá điện quá cao, lớn hơn giá bình quân đang áp dụng. Chính vì vậy, hộ có nhu cầu dùng điện nhiều (hộ đông nhân khẩu, trời nắng nóng, cho dù đã rất tiết kiệm) gặp khó khăn thanh toán tiền điện, trong khi mức tiêu thụ này khá phổ biến.
Vì vậy, nếu muốn chuyển sang biểu giá điện 5 bậc, ông Duệ đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu mức tăng vừa phải để vừa có lợi cho doanh nghiệp điện và người tiêu dùng.
"Đừng nói rằng người tiêu thụ điện nhiều là giàu, cũng không phải người tiêu thụ điện ít là người nghèo. Tiết kiệm điện cho người giàu, hỗ trợ người nghèo là phải rất rõ ràng. Trước khi công bố cần có sự góp ý của cơ quan, nhà khoa học, quản lý và có thẩm định của cơ quan có trách nhiệm về giá", ông Duệ nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Thiện Dụ, nguyên Giảng viên Khoa Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội, phân tích: "Phương án một giá thì ngành điện yêu cầu cộng thêm 45-50% giá điện bình quân, một khoản thêm quá lớn, chỉ 2 năm là thu thêm bằng tổng thu giá điện một năm. Về cơ sở để đưa ra con số này, ngành điện chưa giải thích thuyết phục. Có ý kiến cho rằng đẩy giá điện một giá cao như vậy để "dồn" người tiêu dùng tiêu thụ vào giá bậc thang - một biểu giá còn khó minh bạch hơn. Rồi lại tính là nhóm nhỏ người dùng rất nhiều điện có lợi, có lẽ cũng là muốn nhấn mạnh thêm ý nghĩa nhân văn của bậc thang đầy tranh cãi".
Quan trọng hơn, ông Dụ nhắn nhủ hãy để ngành điện thao tác và kinh doanh như một doanh nghiệp. Việc hỗ trợ các hộ nghèo hãy để Nhà nước đứng ra, đây không phải là trách nhiệm của một ngành sản xuất kinh doanh nào cả. Chưa nói, nếu ngành điện chỉ hỗ trợ cho các hộ dùng ít điện (vì tự xếp họ vào hộ nghèo mà không xét hoàn cảnh cụ thể) thì sao không hỗ trợ cho các hộ không được dùng điện?
Phải khắc phục được việc "nhảy" tiền điện
Còn theo TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tổng doanh thu điện sinh hoạt của từng bậc trong các bậc thang từ khách hàng phải cân bằng với tổng doanh thu được tính theo giá điện bình quân.
Tuy nhiên, ông Lâm bình luận, 5 bậc mà Bộ Công Thương đưa ra vẫn chưa chứng minh được nguyên tắc cơ bản trên, do đó rất nhiều khả năng là có lạm thu. Tính theo nhiều bậc chứa đựng nhiều yếu tố để dẫn đến bất hợp lý, khó kiểm soát các bậc, lập lờ, thiếu minh bạch.
Việc áp dụng giá 5 bậc có cải tiến hơn luỹ tiến 6 bậc, song chưa chứng minh được sự cốt lõi là phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi.
Theo đó, ông Lâm đề xuất, phương án luỹ tiến nên có 3 bậc gồm: Bậc bằng giá điện bình quân khoảng 100 - 400 kWh, bậc thấp hơn giá điện bình quân từ 0 - 100 kWh, bậc cao hơn giá điện bình quân từ 101 kWh trở lên.
TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho biết việc đưa ra 5 bậc thang cũng có lý, chỉ có điều dường như nó phá vỡ nguyên tắc giá bình quân. Ông Thỏa đề nghị Bộ Công Thương phải bảo đảm giá bình quân đã được Thủ tướng duyệt trong đợt điều chỉnh giá điện tháng 3/2019.
Đồng thời, cơ quan xây dựng biểu giá cần phải xử lý chênh lệch giữa các bậc. Vẫn biết đã chấp nhận biểu giá điện bậc thang, thì phải chấp nhận "nhảy" tiền điện nhưng nếu xây dựng được khoảng cách hợp lý giữa các bậc, chắc chắn sẽ hạn chế được bất cập trên, từ đó đáp ứng được quyền lợi của số đông người dùng điện.
Về lâu dài, ông Thỏa đề nghị sửa Luật Giá. Hiện, thẩm quyền quyết định giá điện do Thủ tướng Chính phủ quy định, tuy nhiên sắp tới Nhà nước chỉ cần xây dựng cơ chế để giám sát thực hiện là đủ. Đồng thời sửa Luật Điện lực, Nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội có thể bằng cách khác thay vì đưa vào giá điện làm méo mó và không phản ánh được giá điện.
Lê Thúy