Khảo sát giá phân bón ngày 1/3/2021 cho thấy, giá phân DAP dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Urea Đục Cà Mau: 9.000 đồng/kg, Urea Đục Malaysia là 9.000 đồng/kg, Urea Ninh Bình: 8.000 đồng/kg, Urea Phú Mỹ: 8.000 đồng/kg. Kali dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg.
Đội chi phí sản xuất
Ông Nguyễn Văn Thâu, ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ), cho biết các chi phí sản xuất lúa vụ Đông Xuân này đã tăng cao so với vụ trước. Nguyên nhân là không chỉ có giá phân bón tăng mà nhiều chi phí khác phục vụ sản xuất cũng tăng như giá lúa giống, chi phí nhân công...
Giá phân bón liên tục tăng trong những tháng gần đây. |
Theo phản ánh của nhiều nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các vụ lúa trước, giá phân bón khá rẻ nhưng bước vào vụ Đông Xuân này, giá nhiều loại phân bón tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/bao tuỳ kích cỡ.
Trong tình hình giá phân bón và các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất tăng, muốn đảm bảo được hiệu quả sản xuất, nông dân phải nỗ lực đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, đặc biệt là áp dụng các giải pháp "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" và các biện pháp thủ công phòng tránh sâu bệnh.
Về lâu dài, nông dân mong ngành chức năng có biện pháp hiệu quả bình ổn giá phân bón và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được tiếp cận các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng và có giá cả hợp lý.
Trong khi đó, ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc công ty CP Vinacam đưa ra cảnh báo về hiện tượng khan hiếm phân DAP. Cụ thể, ông cho biết hiện tồn kho hàng DAP nhập khẩu gần như bằng không, giá DAP bán tại Việt Nam tăng chóng mặt. So với tháng 11/2020, DAP (Trung Quốc) xanh hiện đã tăng 5,1 triệu đồng/tấn lên mức 15,5 triệu đồng/tấn, DAP Trung Quốc (nâu) đã hết hàng, DAP Hàn Quốc tăng 2,7 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn.
Giá phân DAP nội địa cũng tăng nhanh trong thời gian qua, giá bán tại nhà máy của DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai đã tăng 900.000 đồng/tấn lên mức 9,528 triệu đồng/tấn. Theo đó, giá DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai bán ngoài ngoài thị trường tăng gần 2 triệu đồng/tấn lên 10,4 triệu đồng/tấn.
Ông Hải cho biết, với kinh nghiệm của mình và qua khảo sát hệ thống đại lý, Vinacam nhận định rằng tình hình hụt DAP ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng. "Chúng tôi đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ để nắm tình hình và có hướng giải quyết", ông Hải nói.
Nhu cầu phân bón sẽ tăng cao
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong tháng 1/2021 giảm 8,65% về lượng và giảm 11,64% về kim ngạch so với tháng cuối cùng của năm 2020, đạt 322,15 nghìn tấn với trị giá 84,55 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam. Trong tháng 1/2021, thị trường này chiếm 36,89% trong tổng lượng phân bón nhập khẩu của cả nước và chiếm 38,27% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 118,85 nghìn tấn với trị giá 30,66%, giảm 11,74% về lượng và giảm 5,92% về trị giá so với tháng trước đó.
Báo cáo cập nhật ngành phân bón của công ty CP chứng khoán FPT phân tích, năm 2020, thị trường phân bón Việt Nam chứng kiến sự biến động mạnh trong giá các loại phân bón, đặc biệt là phân đơn như Urea, DAP, Kali. Hầu hết các loại phân bón đều giảm về mức đáy vào giữa năm và hồi phục trở lại vào những tháng cuối năm 2020. Trong khi đó, giá phân NPK ổn định trong suốt năm 2020, tạo điều kiện cho các DN sản xuất phân NPK từ phân đơn được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá này.
Trong khi đó, theo dự báo từ AgroMonitor, với những yếu tố thuận lợi, cùng với tác động của dịch COVID-19 dần giảm bớt, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 dự báo hồi phục trở lại, dự kiến đạt 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng đáng kể, đặc biệt là phân DAP, phân lân, phân NPK. Tiêu thụ phân Ure dự báo ổn định, phân Kali tăng 2,4%, phân bón khác tăng 10,3%.
Năm 2021, dự kiến tổng nhu cầu phân bón tại Đồng bằng Sông Cửu Long (khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước) sẽ tăng trưởng từ 4-6% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu tăng tiêu thụ phân DAP, NPK và các chủng loại khác như phân lân, phân bón hữu cơ...
Giá phân bón trong nước tăng mạnh thời gian qua là do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới đã tăng mạnh trở lại từ giữa năm 2020 sau thời gian suy thoái. Cùng với đó, cước tàu và container tăng chóng mặt nên nửa cuối năm 2020 cũng làm tình hình vận chuyển và giá cả tăng lên.
Đại diện Vinacam đề xuất Chính phủ có biện pháp khẩn cấp là tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với phân DAP, MAP nhập khẩu để các doanh nghiệp mua hàng, tăng nguồn cung trong nước.
Thy Lê