Sáng nay (23/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị về Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng nói: "Không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu. Những quốc gia thành công, doanh nghiệp thành công đều coi toàn thế giới là thị trường. Họ tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Chiếm lĩnh thị trường là con đường giúp nền kinh tế Việt Nam cất cánh".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. |
Theo Thủ tướng, tăng trưởng, phát triển bền vững phải nhìn vào thị trường toàn cầu. Không cân bằng xuất nhập khẩu, nhập siêu cao sẽ là cội nguồn của lạm phát cao.
Điểm lại một số thành tích của xuất khẩu thời gian qua như kim ngạch vượt con số 200 tỷ USD, nhiều ngành hàng tỷ USD..., tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh: Hội nghị hôm nay không phải bàn thành tích, thắng lợi, mà phải nhìn những điểm hạn chế, tháo gỡ. Độ mở nền kinh tế gần 200%, gấp đôi GDP, nếu xuất khẩu có biến động ảnh hưởng tới nền cả nền kinh tế.
Trong đó, nhiều khó khăn khách quan như chiến tranh thương mại toàn cầu luôn hiện hữu, xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy, các nước đưa ra nhiều quy chuẩn, rào cản... Đi kèm các khó khăn chủ quan như một bộ phận của người dân sản xuất chưa gắn với thị trường, chất lượng chưa đồng đều. Một số sản phẩm trước tốt sau xấu. Cần lên án mạnh mẽ cơ sở sản xuất, người dân làm bừa làm ẩu vì lợi trước mắt.
Nói lên sự kìm chế không xuất khẩu được với một số ngành hàng, Thủ tướng cho rằng có một số ngành hàng phát triển nhanh nhưng có một số ngành hàng lúng túng, lúc trồi lúc sụt.
"Chúng ta phải nhìn vào quản lý xuất nhập khẩu, trước khi sản xuất phải tính tới tiêu thụ đến đâu, sản xuất cái mà xã hội cần. Tránh để tình trạng dư thừa, không phát huy được lợi thế so sánh của đất nước", Thủ tướng nói.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách hành chính phải đi kèm. Xuất khẩu nhanh, bền vững nhưng sản phẩm phải có chất lượng, bao bì, thương hiệu tốt...
Theo đó, Thủ tướng nêu 5 câu hỏi lớn: Làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu Việt Nam? Làm sao để doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu? Làm sao để doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin thị trường? Làm sao để tiếp tục phát triển thị trường, cũng như đề xuất những chiến lược tổng quan để đẩy mạnh xuất khẩu?
"Tăng trưởng xuất khẩu là chỉ số góp phần cho tăng trưởng Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lê Thúy