Ở tỉnh Đồng Nai, vào cuối tháng 2 vừa qua Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Trường Vân (đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã khánh thành khu nhà xưởng sấy trái cây với công nghệ hiện đại nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm trái cây trong tỉnh.
Gắn chặt chế biến với vùng nguyên liệu
Theo đó, doanh nghiệp (DN) này đã đầu tư 23 máy sấy chân không loại công suất lớn, mỗi ngày cho ra khoảng 17 tấn hoa quả sấy các loại phục vụ cho thị trường các nước: Trung Quốc, Campuchia, Nga, Mỹ và Trung Đông…
Đầu tư chế biến nông thuỷ sản được kỳ vọng có nhiều khởi sắc trong năm nay. |
Hoạt động đầu tư vào khâu chế biến nông sản từ DN trên được đánh giá cao khi gắn chặt với vùng nguyên liệu ở huyện Xuân Lộc với hàng chục ngàn hecta các loại cây ăn quả như: Sầu riêng, chôm chôm, mít, bưởi, thanh long, xoài, chuối.
Việc kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến rau quả đang được tỉnh Đồng Nai đặc biệt chú trọng. Nhất là khi diện tích trồng cây ăn trái ở tỉnh này tăng “nóng”, từ cách đây 2 năm đã đạt gần 54 ngàn ha.
Do đó, để nâng giá trị và ổn định đầu ra cho ngành hàng trái cây thì việc tỉnh này thu hút DN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào chế biến nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đạt yêu cầu về chất lượng để xuất khẩu (XK) là rất cần thiết.
Hoặc ở ngoài Bắc có tỉnh Sơn La, được xem là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với khoảng 80.000ha, hoạt động đầu tư nhà máy chế biến rau quả với quy mô cũng đang được triển khai mạnh.
Điển hình như dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La khởi công hồi năm ngoái tại huyện Mai Sơn (Sơn La), dự kiến sẽ hoàn thành trong cuối năm 2021 này, với tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay.
Trong đó, nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, có công suất thiết kế 20.000 tấn/năm. Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm. Nhà máy chế biến rau quả rau đồ hộp, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm.
Một DN khác là tập đoàn TH, năm ngoái cũng đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy chế biến với công suất đạt 300 tấn hoa quả/ngày tại Sơn La (có giá trị đầu tư 1.200 tỷ đồng), giúp giải quyết được 15.000 hecta vùng nguyên liệu. Và dự tính vào giai đoạn 2 (sau năm 2025), tăng mức đầu tư cho nhà máy lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000 hecta nguyên liệu.
Trong hoạt động đầu tư chế biến rau quả hiện nay, bên cạnh việc gắn chặt vùng nguyên liệu, theo giới chuyên gia, đây là một trong những điều kiện cần để các sản phẩm rau quả Việt thâm nhập sâu các thị trường XK lớn và thu về giá trị kim ngạch tốt hơn so với XK thô.
Báo hiệu một giai đoạn mới lạc quan
Việc đầu tư vào các nhà máy chế biến như trên được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mới để nâng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu rau quả vốn còn thấp, nhất là khi tỷ lệ XK rau quả chế biến của cả nước chỉ chiếm chưa tới 19% mặt hàng rau quả.
Hay như ở mảng chế biến thuỷ sản, theo thông tin mới đây từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), một loạt nhà máy chế biến tôm vừa được khánh thành hoặc đang triển khai thi công, được xem như khởi đầu giai đoạn mới cho ngành tôm Việt trong năm 2021 này.
Điển hình như CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước vừa khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, có diện tích gần 3 hecta, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày, kho lạnh công suất 3.000 tấn.
Còn CTCP thực phẩm Sao Ta cũng đang gấp rút thi công 2 nhà máy chế biến tôm trong Khu công nghiệp An Nghiệp Sóc Trăng với công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Nha Trang Seafood –F17 (NTSF) đang hoàn thiện những khâu cuối cùng cho nhà máy chế biến tôm ở Hộ Phòng, Bạc Liêu, công suất 10.000 tấn/năm.
Ngoài ra, có thể kể đến CTCP thủy sản Minh Hải đang nâng công suất chế biến cho cả 3 nhà máy của mình tại Bạc Liêu. Hoặc như Công ty Chế biến và dịch vụ Thủy sản Cà Mau vừa làm mới nhà máy chế biến sâu cho con tôm và nâng công suất kho thêm 3.000 tấn.
Riêng Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã có kế hoạch cuối quý I/2021 sẽ khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại Hậu Giang và Cà Mau, công suất chung gần 50.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đồng thời Minh Phú còn có kế hoạch xây thêm nhà máy chế biến ở Kiên Giang.
Với một loạt hoạt động đầu tư chế biến như trên, đặc biệt các dự án đều gắn với vùng nguyên liệu, phía Vasep nhận định đây như “báo hiệu một giai đoạn mới lạc quan cho ngành tôm Việt”, cũng như “thể hiện phần nào sự đồng bộ các mắt xích chuỗi giá trị con tôm”.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), những mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam hiện đang thực hiện các đề án trình Chính phủ như chế biến rau củ quả, chế biến gỗ, chế biến thủy sản. Từ đó, nâng giá trị thông qua chế biến, đưa con số kim ngạch XK vượt 41 tỷ USD.
Ông Toản cũng lưu ý trong lĩnh vực chế biến nông thuỷ sản thì lực lượng nhân công được đào tạo lành nghề vẫn còn thiếu. Cho nên về lâu dài rất cần phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chế biến quan trọng này.
Thế Vinh