Hơn ai hết, doanh nghiệp là người thực hiện và cảm nhận rõ nhất lợi ích của việc chuyển đổi số. Ông Bùi Lê Hải Nguyên, Giám đốc điều hành công nghệ thông tin của Tập đoàn Đồng Tâm, chia sẻ khách hàng ngày càng khó tính và có nhiều sự lựa chọn hơn. Do vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu mới của khách hàng, sự thay đổi của thị trường, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.
57% doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để bán hàng
Trong một tương lai bất định với những diễn biến khó lường từ dịch bệnh, giá cả leo thang... ông Nguyên cho biết mọi số liệu, báo cáo của doanh nghiệp đều được thể hiện qua các con số thống nhất, minh bạch nhờ ứng dụng công nghệ. Điều này giúp cho ban lãnh đạo doanh nghiệp nhìn được chính xác tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp để ra quyết định đúng đắn.
Doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để bán hàng giai đoạn 2018-2021. |
Bên cạnh đó, sau quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số, khoảng cách địa lý của các phòng ban, công ty thành viên, đại lý phân phối của Tập đoàn Đồng Tâm được thu hẹp. Tất cả các nhân viên làm việc với nhau thông qua môi trường số, ở bất kỳ nơi nào. Hiện, Tập đoàn có hơn 14 công ty thành viên, 70 cửa hàng, 3.000 đại lý trên cả nước, tham gia xuất khẩu trên 29 quốc gia.
Có thể thấy, hơn hai năm qua là thời gian mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để thích ứng với những khó khăn do dịch COVID-19. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) năm 2021 tiếp tục bùng nổ, cụ thể có tới 57% doanh nghiệp cho biết có sử dụng các hình thức kinh doanh này. Điều này là rõ ràng khi trước bối cảnh tác động của dịch bệnh, việc chuyển dịch lên kinh doanh trực tuyến là cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều nền tảng kinh doanh online thì kinh doanh thông qua mạng xã hội được đánh giá là nền tảng dễ triển khai nhất với mọi doanh nghiệp.
Cũng theo báo cáo của VECOM, xu hướng kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử ngày càng nổi bật. Năm 2021, 22% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có sử dụng sàn thương mại điện tử để bán hàng (trong khi đó năm 2018, chỉ có 12% số doanh nghiệp bán hàng trên sàn thương mại điện tử).
Thêm vào đó, 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử có vai trò quan trọng với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 14% đánh giá vai trò của việc đầu tư này ở mức rất quan trọng. Chỉ có 5% doanh nghiệp là không coi trọng việc đầu tư vào công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
Tại Hội thảo "Quản trị sự thay đổi hiệu quả - Yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số" ngày 27/5, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh sự thay đổi lớn nhất và nhanh nhất ngày nay là sự thay đổi về công nghệ. Việt kết nối ngày càng thuận tiện giữa con người với vạn vật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi nhu cầu của thị trường.
Tư duy đúng, giải pháp phù hợp và thực hiện quyết liệt
Theo Phó Chủ tịch VCCI, để theo kịp và duy trì tính cạnh tranh, doanh nghiệp phải điều chỉnh theo những nhu cầu mới bằng cách số hóa các quy trình, mô hình sản xuất kinh doanh và bắt buộc phải tham gia vào cuộc chơi tất yếu mang tên "chuyển đổi số". Do vậy, quản trị sự thay đổi hiệu quả là tiền đề quan trọng nhằm nâng cao tỷ lệ thành công trong công cuộc chuyển đổi số của mỗi tổ chức. Cùng với đó, doanh nghiệp cần kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong khi đó, đánh giá về kinh tế số - một động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam, GS.TS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra các kịch bản dự báo tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong giai đoạn 2020 - 2025 tại Việt Nam. Theo đó, kinh tế số có thể đóng góp từ 6,88% - 16,50%, trong đó 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế trong thập niên này.
Đồng thời, GS. Trần Thọ Đạt cũng cho rằng, đóng góp của kinh tế số là động lực rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động. Tổng giá trị giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Cũng liên quan tới kinh tế số, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định internet tăng nhanh tại Philippines, Indonesia, Malaysia trong 2 năm qua, nhưng sẽ tăng nhanh hơn tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Kinh tế số chính là một trong 3 động lực rõ nét, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang sống trong những "cơn bão" dồn dập đổ bộ. Những cơn bão kể đến đó là dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá xăng dầu tăng cao, áp lực lạm phát... Đây là chất xúc tác khiến doanh nghiệp phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công trong thực hiện chuyển đổi số cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong khi tỷ lệ thành công trong chuyển đổi số của doanh nghiệp còn khiêm tốn, thì tới 70% dự án chuyển đổi số thất bại do không quản lý sự thay đổi hiệu quả.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng số hóa không còn là lựa chọn mà là nhu cầu cấp thiết nhưng doanh nghiệp phải ứng dụng với "tư duy đúng, giải pháp phù hợp, thực hiện quyết liệt.". Trên thị trường hiện nay có nhiều nhà cung cấp dịch vụ về chuyển đổi số, mỗi doanh nghiệp cần giải pháp khác nhau nên việc lựa chọn giải pháp phù hợp là rất quan trọng. Đồng thời, chính mỗi doanh nghiệp cũng cần quyết liệt thay đổi, có sai, có sửa trong quá trình chuyển đổi số.
Thy Lê