Ở khu vực KTTT, HTX nói chung và khu vực KTTT, HTX khu vực miền Trung Tây Nguyên nói riêng, chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các hợp tác xã phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường. Bởi vậy mà khu vực kinh tế này đang được đánh giá là có những bước đi nhanh và bền vững.
Nhiều mô hình hay, cách làm mới
Thực tế thì trong những năm gần đây, các HTX ở khu vực miền Trung Tây Nguyên đã nhận thức rõ vai trò của câu chuyện chuyển đối số đối với sự phát triển. Bởi vậy, họ đang nỗ lực dần chuyển đổi hoạt động sản xuất sang mô hình công nghệ để thích ứng với thời đại nghiệp 4.0.
HTX Nông Nghiệp Ái Nghĩa được Sở NN&PTNT Quảng Nam chọn khảo sát, lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình nông nghiệp chuyển đổi số. |
Tuy nhiên, số đơn vị hiểu sâu về HTX để có thể thiết kế những phần mềm chuyên biệt cho khu vực HTX lại không nhiều. Bởi vậy, năm 2010 tại Huế, HTX Công Nghệ Thông Tin Huế (HueTechCo.op) đã được thành lập với mục tiêu kinh doanh là chuyên phát triển các phần mềm hỗ trợ cho các HTX. Vốn là một HTX nên HueTechCo.op hiểu rõ về thực tại các HTX để có thể hỗ trợ các HTX được tốt hơn.
“Chúng tôi luôn luôn hướng sản phẩm đến người sử dụng là những người ít được tiếp xúc với công nghệ thông tin, thậm chí là những người chưa tiếp xúc với công nghệ thông tin vẫn có thể dễ dàng tiếp cận. Chúng tôi luôn hướng sản phẩm theo hướng người sử dụng một cách đơn giản và hiệu quả nhất, hỗ trợ các HTX ứng dụng CNTT vào công việc quản lý, sản xuất cùng đất nước phát triển nền kinh tế 4.0”, Đại diện HTX nói.
Hiện nay, HueTechCo.op đang triển khai trên 50 sản phẩm, dịch vụ ở hơn 20 tỉnh, thành phố. Một số sản phẩm tiêu biểu của HTX này, là: sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác, hệ thống tổng hợp báo cáo, cổng thông tin, hệ thống quản lý hội nhóm, truy xuất nguồn gốc gỗ... đang được các HTX trong khu vực đánh giá cao về khả năng xử lý thông tin và dễ dàng áp dụng cho các doanh nghiệp, HTX.
Còn với HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc), chuyển đổi số đơn giản là không ngừng tìm tòi, áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Để nâng cao giá trị lúa gạo hàng hóa, HTX đầu tư dây chuyền máy chế biến gạo, bánh tráng và từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị “Gạo an toàn Ái Nghĩa” (sản phẩm OCOP hạng 3 sao), “Bánh tráng Đại Lộc (sản phẩm OCOP hạng 4 sao) và được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh nằm trong tốp sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. HTX còn cung ứng các dịch vụ đầu vào cho thành viên như thủy lợi, làm đất, thu hoạch, vận chuyển, sấy, giết mổ gia súc gia cầm, vật tư nông nghiệp… Mỗi năm, HTX thu về bình quân 20 tỷ đồng, lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng.
Nhờ khẳng định được vai trò hỗ trợ kinh tế hộ cho thành viên; tập trung sản xuất lúa giống theo chuỗi liên kết trên hơn 200ha, liên kết tiêu thụ với nhiều công ty giống tầm cỡ. Lợi nhuận từ canh tác lúa giống cao 2,5 - 3 lần so với lúa thương phẩm, tính ra một sào lãi khoảng 4 triệu đồng, đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống thành viên.
Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa Trương Cẩm, chính nhờ sớm chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng nông nghiệp thông minh đã giúp hợp tác xã vượt qua những tác động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giúp tăng doanh thu cho hợp tác xã và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên.
Với HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, dù thành lập trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát, bằng nguồn vốn của HTX, ban giám đốc đã chủ động thực hiện không giảm lương hay tăng giờ làm việc, không ép giá thu mua nông sản của bà con tiểu thương, để bảo đảm đầu ra cho hàng hóa và thu nhập cho mọi người. Đặc biệt, HTX đã có những sáng kiến trong cung cấp dịch vụ, từ đó mở ra hướng tháo gỡ khó khăn như cung cấp dịch vụ tại nhà, bán hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội, bán hàng online, liên kết với khách hàng mới…
Nhân rộng thế nào?
Thực tế, công nghệ số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bằng chứng là ở miền Trung Tây Nguyên, nhiều HTX đã bắt đầu phòng chống cháy rừng bằng thiết bị viễn thám; thực hiện kế toán qua các phần mềm; chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng camera; chào bán sản phẩm qua điện thoại thông minh nhằm bắt nhịp công nghệ số trong mọi quy trình sản xuất.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số..., Liên minh HTX Việt Nam sẽ xây dựng Đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hợp tác xã theo từng bước cụ thể.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, số lượng những HTX ứng dụng công nghệ hiện chưa nhiều, thậm chí nhiều HTX còn chưa quan tâm tới câu chuyện này. Bằng chứng là trong 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%; trong đó, các hợp tác xã này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng.
Trong bối cảnh đó, ngoài những chính sách của Nhà nước, mỗi địa phương lại có những cách làm khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất cho các HTX trong việc ứng dụng chuyển đổi số.
Như ở Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Nam, thời gian tới đơn vị này sẽ tăng cường định hướng, tư vấn và tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên hợp tác xã. Cùng với đó, lựa chọn hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nắm bắt nhanh về công nghệ thông tin và cán bộ có năng lực, tâm huyết nhằm xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ số gắn với sản phẩm chủ lực để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
Còn tại TP. Đà Nẵng, để kinh tế HTX tiếp cận và phát triển công nghệ số, cuối năm ngoái, Sở KHĐT thành phố đã đề nghị Bộ KHĐT có ý kiến đối với Bộ Tài chính để nghiên cứu, rà soát các vướng mắc trong điều kiện cho các HTX vay vốn tại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để có hướng dẫn, xử lý cụ thể nhằm tạo điều kiện tiếp cận vốn vay. Đồng thời, thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý HTX về nội dung chuyển đổi số và các lớp học tập kinh nghiệm thực tế của các HTX đã thực hiện chuyển đổi số thành công.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ thông qua chuyển đổi số để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong khi, đại diện HTX HueTechCo.op khuyên, các công việc đầu tiên mà các HTX nên nên thực hiện trong quá trình chuyển đổi số là: Số hóa thông tin khách hàng, số hóa thông tin sản phẩm - dịch vụ. Song song với đó là tham gia các sự kiện truyền thông, tích cực quảng bá trên Internet và các mạng xã hội, tham gia các sàn thương mại điện tử như Kinh tế hợp tác (miễn phí), Shopee, Tiki, Lazada, Alibaba, Amazon,…
Trở lại với sự kiện Diễn đàn Kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung – Tây Nguyên có thể thấy, Diễn đàn có ý nghĩa tác động tích cực về hiệu quả phát triển kinh tế tập thể, HTX tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trước, trong và sau sự kiện, các tỉnh và ban tổ chức Diễn đàn sẽ tập trung tuyên truyền những mô hình HTX, tổ hợp tác làm ăn hiệu quả nhằm nhân rộng ở khu vực.
Trong đó, việc tuyên truyền sẽ được tập trung vào các mô hình áp dụng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng miền, địa phương.
Trà My