Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.
Kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch
Việc áp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai. Nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất.
Đơn cử trong khu vực KTTT, HTX việc ứng dụng công nghệ trong các HTX du lịch hiện vẫn còn ít và chưa thực sự “số hóa”. Mặc dù, tại các điểm du lịch cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Thực tế thì nhiều doanh nghiệp, HTX đã hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
Mô hình du lịch cộng đồng được nhiều HTX, doanh nghiệp lựa chọn để phát triển. Tuy nhiên, mức độ số hóa ở lĩnh vực này vẫn chưa được như kỳ vọng. |
Tại Sơn La, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu) đã xây dựng mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hợp tác xã có cơ sở chế biến quả với diện tích 4.000 m2 được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, các sản phẩm chế biến của hợp tác xã gồm: Rượu vang, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo... Tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên hợp tác xã bao gồm cả thành viên liên kết: 800-1000 tấn các loại nông sản mỗi năm.
Ngoài ra hợp tác xã có một quần thể nhà hàng, nhà nghỉ nối liền với khu sản xuất, chế biến để phục vụ khách tham quan, du lịch từ đó tạo ra một hệ sinh thái khép kín. Hợp tác xã phát triển nhiều loại hình du lịch Mộc Châu phong phú, đặc trưng của một vùng cao nguyên, như: Du lịch cộng đồng, thăm các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa; thăm các khu công nghệ cao trồng rau, hoa xuất khẩu…
Tuy nhiên, HTX mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức giản đơn, chưa có nhiều kỹ năng hướng dẫn du lịch, tổ chức du lịch cộng đồng chuyên nghiệp cũng như áp dụng số hóa trong kinh doanh du lịch.
Hay như, HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, TP. Sông Công, Thái Nguyên có 21 thành viên và hơn 10 hộ dân liên kết. Hiện hoạt động của HTX chủ yếu tập trung ở các nhóm dịch vụ: Điều hành tour du lịch, dịch vụ đặt chỗ và các dịch vụ hỗ trợ quảng bá, tổ chức tour du lịch; cơ sở lưu trú, bán một số đồ dùng gia đình…
Anh Lê Văn Hiệp, Giám đốc HTX, cho biết: Tận dụng lợi thế 80ha diện tích mặt nước và không khí trong lành, mát mẻ của hồ Ghềnh Chè, HTX đã liên kết với các hộ dân trong khu vực nuôi 30 lồng cá với tổng diện tích 10.000m2, vừa để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách vừa để mọi người chiêm ngưỡng khi đến tham quan.
HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè cũng liên kết với HTX trà Cao Sơn (xóm Khe Lim, xã Bình Sơn) tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động thăm trải nghiệm thực tế thu hái, chế biến, thưởng thức chè… Trong thời gian gần đây, khi du lịch trong nước và Thái Nguyên “mở cửa" hoàn toàn, trung bình mỗi ngày, HTX đón 30-40 lượt khách và cuối tuần có thể lên đến 100-200 lượt khách trong và ngoài tỉnh. Đây là khởi đầu đầy tốt đẹp giúp HTX tái khởi động sau 1 thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cũng có những HTX mà ngay từ đầu khi thành lập đã hướng tới việc tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vừa phát triển nông nghiệp, vừa phát triển du lịch sinh thái.
Như trường hợp HTX dịch vụ du lịch cộng đồng Quảng Lợi vừa mới thành lập giữa tháng 12/2021 với kỳ vọng khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang.
Quảng Điền có đầm phá Tam Giang với diện tích 3.500ha mặt nước; diện tích rừng ngập mặn tập trung rộng gần 47ha. Vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên thơ mộng, hữu tình và nguồn lợi thủy sản đem lại từ đầm phá Tam Giang tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế, đặc biệt là hoạt động du lịch. Riêng Quảng Lợi - một trong những địa phương đã tận dụng lợi thế có được từ vùng đất ven phá Tam Giang để phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều tour, tuyến du lịch được kết nối với địa phương. Kết cấu hạ tầng được huyện, xã quan tâm đầu tư đồng bộ phục vụ phát triển du lịch như mở đường đến đầm phá, bến đò, nhà hàng, dịch vụ lưu trú…
Nhìn chung, ứng dụng số hóa trong ngành du lịch vẫn còn chưa được áp dụng rộng và mới chỉ ở những doanh nghiệp lớn. Nhìn ở khu vực kinh tế tập thể, HTX điểm chung là việc ứng dụng số hóa còn sơ khai, vẫn phát triển tự phát và chưa thành một xu hướng.
Thời điểm đồng bộ số hóa du lịch
Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) có thể xem năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo ông Đường, Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch, chỉ rõ: Mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; Tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch; Phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch.
Ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước. |
Nền tảng dữ liệu số du lịch, trong đó: Nhà nước dẫn dắt, doanh nghiệp du lịch làm nòng cốt và khách du lịch tham gia; Thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở; Phân loại và số hoá tài nguyên du lịch.
Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trong đó: Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch; Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; Hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch.
Nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, du lịch số, trong đó: Xây dựng mạng lưới hệ thống bảo tàng số; Kết nối, chia sẻ tài nguyên tri thức bảo tang số, du lịch số; Xây dựng các bản đồ số du lịch gắn với địa chỉ số.
Đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành du lịch.
Trao đổi tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông, để chuyển đổi số thành công, có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa. Dịch COVID-19 tuy gây thiệt hại nhưng cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp và ngành du lịch chuyển đổi, bắt kịp xu hướng không thể đảo ngược của thế giới – chuyển đổi số.
“Tôi tin rằng đó là thông điệp về sự cấp thiết phải chuyển đổi số trong ngành du lịch”, ông Phòng nói.
Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi số ngành du lịch nói chung, và ở khu vực HTX du lịch nói riêng, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể: thứ nhất, nâng cao nhân thức tư duy cán bộ Nhà nước, chủ doanh nghiệp, HTX về chuyển đổi số. Thứ hai, cơ sở dữ liệu hoà chung và kết nối với các địa phương. Thứ ba, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ. Thứ tư, cần có hướng dẫn cụ thể ở các địa phương, tránh tình trạng việc mỗi địa phương thực hiện mỗi khác gây khó khăn cho khách du lịch tiếp cận. Thứ năm, đào tạo nhân lực – đây là khâu đột phá để giải quyết vấn đề đang đặt ra.
Đức Anh