Tốc độ tái đàn lợn của các địa phương đang rất nhanh, giúp giá lợn hơi giảm xuống mức 75.000 - 80.000 đồng/kg. Trong khi chăn nuôi lợn đang hồi phục, thì ở lĩnh vực thủy sản, trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng bị thiệt hại hơn 38.736 ha, gấp trên 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tốc độ tái đàn lợn nhanh và hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, tổng hợp báo cáo từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho thấy, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn tại 63 tỉnh, thành phố cơ cấu lại thời gian trả nợ với dư nợ 606 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi vay dư nợ trên 163 tỷ đồng và cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh dư nợ trên 479 tỷ đồng. Nhờ nguồn tín dụng và cơ cấu lại nợ, nông dân đã có nguồn lực tái đàn chăn nuôi lợn.
Ngành chăn nuôi đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp các hộ chăn nuôi vượt khó trong bối cảnh dịch COVID - 19. |
Điểm sáng trong những tháng qua là tốc độ tái đàn lợn khá nhanh và hiệu quả đã giúp kéo giá lợn hơi xuống mức hợp lý, giúp bình ổn chỉ số giá tiêu dùng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Từ cuối tháng 7 đến nay, sau khi sản phẩm tái đàn lợn bắt đầu được tung ra thị trường, giá lợn hơi bắt đầu hạ nhiệt. Theo ông Trọng, hiện tại, giá lợn hơi ở nhiều địa phương miền Bắc ổn định trong khoảng 74.000 - 80.000 đồng/kg. Giá lợn hơi ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam dao động trong khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, chăn nuôi lợn từ đầu năm đến nay do thiếu con giống trầm trọng, người chăn nuôi phải mua con giống với giá quá cao, đã đẩy giá thành thịt lợn hơi trong chăn nuôi lên rất cao so với mọi năm trước.
Hiện, đàn lợn cả nước đạt khoảng 31,34 triệu con. Nhiều địa phương tốc độ tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Đứng đầu là Bình Phước đạt 164,7%; tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Ninh Thuận; Yên Bái; Hòa Bình; Tây Ninh; Sơn La; Lâm Đồng; Khánh Hòa. Nhóm 2 tỷ lệ tái đàn từ 90- dưới 100%, trung bình tái đàn 94,3% so với 31/12/2018, gồm 9 tỉnh: Bình Thuận; Gia Lai; Quảng Bình; Thanh Hóa; Phú Yên; Bình Dương; Đắk Lắk; Hà Giang; Cần Thơ.
Từ cuối tháng 7 đến nay, sau khi sản phẩm tái đàn lợn bắt đầu được tung ra thị trường, giá lợn hơi bắt đầu hạ nhiệt. |
Nhóm 3 với tỷ lệ tái đàn tử 70- dưới 90%, trung bình tái đàn 81,0% so với 31/12/2018, gồm 20 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang; Nghệ An; Hưng Yên; Nam Định; Đồng Nai; Bắc Giang; Thái Nguyên; Lào Cai; Hà Tĩnh; Cà Mau... Nhóm 4 gồm 22 tỉnh, thành phố với tỷ lệ tái đàn dưới 70%, trung bình tái đàn chỉ đạt 55,5% so với 31/12/2018
Ông Trọng cũng dẫn theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn thịt đến tháng 7/2020 đạt trên 4,88 triệu con, tăng so với 1/1/2019 (trước khi xảy ra DTLCP) là 52,8%, tăng so với 1/1/2020 là 46,8%. Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết Quý III đạt 5,17 triệu con và Quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020). Với tốc độ tái đàn như hiện nay, đến cuối quý III, đầu quý IV sẽ cân đối cung - cầu, đến lúc đó giá cơ bản sẽ ổn định", ông Trọng nhấn mạnh.
Trong năm 2020, tính đến ngày 31/7, Bộ Tài chính đã cấp trên 1.260 tỷ đồng bổ sung kinh phí cho các địa phương. Lũy kế, tổng kinh phí Trung ương đã xuất cấp hỗ trợ 58 tỉnh, thành phố từ khi dịch bệnh này xảy ra từ tháng 2/2029 đến nay là 6.232 tỷ đồng. Với số ngân sách Trung ương còn lại (khoảng 850 tỷ đồng), sau khi địa phương báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cấp cho các địa phương theo quy định.
Tôm nuôi bị thiệt hại nặng
Đề cập tình hình dịch bệnh diễn biến trầm trọng trên thủy sản nuôi trồng, ông Phạm Văn Đông cho hay, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 36.605 ha, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 94,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và chiếm gần 6% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước.
Tuy nhiên, diện tích tôm nuôi thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân là gần 29.857 ha, chiếm 81,56% trong diện tích tôm bị thiệt hại. Còn lại là diện tích tôm bị thiệt hại do biến đổi môi trường, thời tiết. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh 4.490 ha, chiếm gần 12,27% tổng diện tích tôm bị thiệt hại, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại là hơn 766 ha, tăng 11,87 lần so với cùng kỳ năm 2019, chiếm trên 19% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước (diện tích thả nuôi cá tra là 4.016 ha).
Một số bệnh chủ yếu thường gặp trên cá tra là bệnh gan thận mủ, bệnh do ký sinh trùng, bệnh xuất huyết… Thiệt hại trên các loài thủy sản khác gần 1.365 ha, chủ yếu là diện tích nuôi ngao, tôm càng xanh và một số loài thủy sản nước ngọt khác.
Cục Thú y dự báo diện tích nuôi thủy sản tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh trong thời gian tới do các điều kiện bất lợi của thời tiết như: nắng nóng kéo dài, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn... Do đó cần có giải pháp khắc phục như quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, tổ chức lấy mẫu đối với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh.
Chu Khôi