Không thất thu thuế với xe biếu, tặng
Một trong những vấn đề mang tính thời sự hiện nay đó là việc xe biếu tặng là cách lách luật, trốn thuế làm thất thu ngân sách. Đại biểu, Nguyễn Hồng Nguyên (Bình Thuận) đặt câu hỏi: “xe biếu tặng có trốn thuế không?”
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định đối với các hạng xe phải đặt đại lý tại Việt Nam để chuyển xe mua qua đại lý. Tuy nhiên có nhiều loại xe vì bán được ít nên không có đại lý, gọi là xe hơi đặc thù. Vì vậy cho nên lợi dụng lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng. Mà theo biếu tặng thì theo quy định không được giảm loại thuế nào, không được miễn thuế nào từ nhập khẩu tới tiêu thụ đặc biệt.
“Thời gian qua, báo chí có nêu và chúng tôi cũng đã tổ chức kiểm tra. Đúng là khi doanh nghiệp kê khai có kê khai theo giá thấp nhưng cơ quan hải quan căn cứ vào quy định của hải quan với bảng thuế, xác định tăng lên, xác định lại để truy thu thuế”, ông Phớc nói.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an kiểm tra. “Chúng tôi giao cho tổng cục hải quan làm việc với C03 tổ chức họp nhiều lần, kiểm tra, đến hôm nay vẫn chưa có kết quả”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Phớc cho hay, Bộ cũng chỉ đạo tổng cục thuế, hải quan chỉ đạo hải quan địa phương rà soát xem có thất thu thuế và định giá xe có chính xác không. Theo báo cáo của cơ quan hải quan thì không phát hiện thất thu thuế trong nhập xe biếu tặng.
Thất thoát sau CPH chủ yếu vì đất
Trong sáng nay nhiều đại biểu cũng nói tới vấn đề cổ phần hoá (CPH). Đại biểu Nguyễn Thành Công (tỉnh Ninh Bình) nhìn nhận tình hình CPH, thoái vốn thời gian qua cho thấy công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, trong đó có việc xác định thẩm quyền và phương án phê duyệt sử dụng đất, sắp xếp lại xử lý nhà đất.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo giải trình tính hợp lý của việc gắn phương án xử lý, sắp xếp nhà đất vào quy trình CPH, thoái vốn. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính gây vướng mắc trong quá trình CPH, thoái vốn hay không? Giải pháp cho vấn đề này là gì?
Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021 chỉ bán vốn được 18 doanh nghiệp (DN), cổ phần hoá (CPH) được 4 DN. Tổng thu ngân sách là 4.402 tỷ đồng. Đây là một vấn đề về mặt luật pháp cần được hoàn thiện. Việc sắp xếp nhà đất với CPH, theo Nghị định của Chính phủ, tài sản của DN nếu thuê đất hàng năm thì không tính vào giá trị DN, còn nếu nộp 1 lần thì tính vào giá trị DN.
“Vừa qua chúng ta thất thoát nhiều qua CPH doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chủ yếu vì đất. Đây cũng là lỗ hổng cần phải được kiến tạo, để làm sao CPH nhưng đất đai không bị thất thoát”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Chúng tôi cho rằng việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong quá trình CPH. Vừa rồi CPH chậm là từ khâu này. Khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND tỉnh được giao toàn quyền phê duyệt, nhưng việc phê duyệt rất chậm". Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm.
Liên quan đến đất đai, cốt lõi vẫn là việc chuyển mục đích sử dụng đất. Khi UBND tỉnh phê duyệt đất là đất thuê, doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất 1 lần là 50 năm, nhưng chuyển qua doanh nghiệp cổ phần thì doanh nghiệp đó lại xin UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Khi chuyển đổi như vậy theo Bộ trưởng, dễ dẫn đến tình trạng không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát khi tài sản nhà nước chuyển qua tài sản tư nhân. Đây cũng là vấn đề, nút thắt lớn.
DNNN cũng như DN cổ phần đều sử dụng đất là đất đai sở hữu toàn dân, khi DNNN có đất thuê với mục đích thuê là sản xuất kinh doanh thì khi chuyển qua DNCP sẽ thực hiện đúng mục đích đó, đúng mục tiêu. Còn nếu doanh nghiệp cổ phần không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất lại cho DN và sau đó tổ chức đấu giá, thu về ngân sách. Làm như vậy, Bộ trưởng cho rằng, chênh lệch địa tô sẽ không chảy vào túi DN, cái này sẽ do Nhà nước điều tiết.
Cũng theo Bộ trưởng, đề xuất này nếu thực hiện sẽ có lợi là thúc đẩy nền kinh tế. Vì cổ phần hoá DNNN để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Không phải sau CPH để giải tán doanh nghiệp, sa thải công nhân, để bán máy móc, lấy địa tô chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu chúng ta làm được điều đó thì chắc chắn năng lực nền kinh tế, đặc biệt sức mạnh DN sẽ nâng lên. Đồng thời không khuyến khích DN nhìn khu đất có lợi thế thương mại sau đó tổ chức CPH.
Đã nỗ lực ngăn chặn rủi ro của thị trường chứng khoán
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về tình trạng “bong bóng” thị trường chứng khoán. Bộ trưởng Tài chính cho biết, thị trường chứng khoán của Việt Nam tăng trưởng rất tốt, là kênh huy động vốn trung và dài hạn, cùng với tín dụng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển.
Đến cuối năm 2021 đạt 92% GDP, thị trường TPDN khoảng 15% GDP, tương đương khoảng 1.370 nghìn tỷ.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua xảy ra hiện tượng thao túng cổ phiếu, đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng… Cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp như: cảnh báo người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và sửa nghị định 153, tăng cường các biện pháp thực hiện minh bạch đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt TPDN.
“Hiện nay chúng tôi có giải pháp tăng cường kiểm tra đưa trí tuệ nhân tạo vào kiểm soát các cổ phiếu lên xuống đột ngột; Đối với trái phiếu riêng lẻ sẽ thiết lập 1 sàn riêng để theo dõi. Đồng thời, sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán, trong đó quy định cụ thể điều kiện doanh nghiệp phát hành… Đặc biệt tăng cường thanh kiểm tra xử lý nghiêm những giao dịch bất thường sẽ được xử lý”, Bộ trưởng Tài chính khẳng định.
Về chất vấn của đại biểu liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính khi để xảy ra những vi phạm trên thị trường chứng khoán. Ông Phớc cho rằng cơ quan này đã nỗ lực ngăn chặn, xử lý một số sai phạm, làm cho thị trường minh bạch hơn. Ông kể ra, từ tháng 4 đến tháng 9/2021, Bộ ra 5 thông cáo báo chí về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bộ cũng cảnh báo nhà đầu tư chứng khoán; ra công điện yêu cầu Ủy ban chứng khoán và các cơ quan thanh tra.
Đầu tháng 4, cơ quan này thanh tra các công ty kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán, từ đó phát hiện nhiều sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ, với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Ông Phớc cho rằng đây cũng là bước làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.
"Tuy nhiên, cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ, kiểm điểm nhiều người khác, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, Tổng giám đốc HOSE bị cách chức...", ông Phớc nói.
Cân nhắc giảm thuế để hạ giá xăng dầu
Liên quan đến kiến nghị giảm thuế để giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, hiện nay giá xăng, dầu trong nước tăng cao, nhưng so với các nước xung quanh như Lào giá xăng dầu của nước này vẫn cao hơn Việt Nam là 11.000 đồng/lít còn Thái Lan cao hơn 2.000 – 3.000 đồng/lít.
Hiện nay, giá xăng dầu Việt Nam lên cao có giảm thuế hay không? Theo Bộ trưởng điều này phụ thuộc vào Quốc hội.
Thực tế, vừa qua, việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu đã giảm thu ngân sách 24 nghìn tỷ đồng. Hiện nay thuế bảo vệ môi trường còn 2.000 đồng, theo quy định Thường vụ Quốc hội chỉ được giảm thêm 1.000 đồng nữa, còn nếu giảm thêm là thẩm quyền Quốc hội. Còn các loại thuế khác như thuế nhập khẩu là còn 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%. Vì vậy, theo Bộ trưởng có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay không, Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để đánh giá tác động và sẽ báo cáo với Chính phủ, báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Tuy nhiên, muốn giảm giá xăng dầu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Bên cạnh giải pháp giảm thuế, ông Hồ Đức Phớc kiến nghị thắt chặt hơn việc chống buôn lậu xăng dầu, nếu không tình xăng dầu của Việt Nam sẽ "chạy" sang Lào…
Một vấn đề nữa, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính là phải thúc đẩy nguồn cung, mua thêm xăng dầu ở đâu "Chúng tôi sẽ bàn với Bộ Công Thương, đồng thời tăng sản lượng nguồn cung trong nước, phải có giải pháp để nâng công suất của 2 nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất", ông Phớc cho biết.
Thanh Hoa