Cụ thể, đề xuất của Bộ Tài chính đang được các đầu mối bàn bạc, theo đó, đối tượng hỗ trợ sẽ tập trung ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm.
Về nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết dự kiến sẽ phát hành công trái hoặc trái phiếu bằng ngoại tệ (USD) trong nước.
Bộ Tài chính đang xem xét gói cấp bù lãi suất từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid -19. Ảnh: INT |
Trước đó, tại các diễn đàn của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi ý xây dựng gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, tương tự gói cấp bù lãi suất giải ngân qua hệ thống ngân hàng giai đoạn 2009 - 2010.
Ngay sau đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin, sẽ có gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ tín dụng hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng triển khai ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19 trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh thời gian tới.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với các doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện nay các bộ, ngành đang xây dựng gói hỗ trợ lãi suất được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước. "Có thể lúc đầu Quốc hội đề xuất 3.000 tỷ, nhưng bây giờ Bộ Tài chính có thể đưa ra mức cao hơn. Tuy nhiên, cụ thể thế nào hiện nay Chính phủ và các bộ ngành đang nghiên cứu về quy mô gói hỗ trợ, phương thức triển khai ra sao để hỗ trợ đúng đối tượng và sẽ được đưa ra sớm nhất có thể”.
Trước đó, VnBusiness cũng có bài viết đề cập đến những gợi mở của các chuyên gia về nguồn lực để triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia kiến nghị, Bộ Tài chính phát hành bán trái phiếu, nếu ngân hàng thương mại không mua hết thì Ngân hàng Nhà nước mua hết, ít nhất khoảng 3 - 5 tỷ USD, để tài trợ nền kinh tế phục hồi nhanh.
Liên quan đến gói kích thích, phục hồi kinh tế sau đại dịch, các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp được coi là đến ngưỡng, thì sự vào cuộc của chính sách tài khóa là rất cần thiết, sẽ tạo thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội hôm khai mạc (20/10) cũng đề nghị, Chính phủ cần chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích này để tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, gói kích thích kinh tế cần được xây dựng trên cơ sở đồng bộ chính sách tài khóa, tiền tệ, kết hợp với nghiên cứu lựa chọn đối tượng phù hợp để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất và có chính sách thu phù hợp, tính đến miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí.
Thanh Hoa