Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: Ngày xuân, nhấn mạnh những thành công, kết quả làm được giúp chúng ta thêm tin tưởng, thêm động lực phấn đấu. Nhưng những khó khăn, thách thức vẫn còn phía trước đòi hỏi ngành Tài chính phải vượt qua.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Thưa Bộ trưởng, với cương vị người đứng đầu ngành tài chính giữ “tay hòm chìa khóa” ngân khố quốc gia, Bộ trưởng có thể cho biết những điểm nhấn của ngành trong năm qua?
Nhiệm vụ NSNN năm qua được triển khai thực hiện trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 với biến thể Delta nguy hiểm, khó kiểm soát hơn và lan nhanh ở nhiều địa phương, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất... Tác động nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thu, chi NSNN với mục tiêu vừa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: miễn, giảm, giãn thuế… cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, để đảm bảo mục tiêu NSNN, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm...
Bằng các biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt nêu trên, kết quả năm 2021 tổng thu NSNN đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Chi NSNN hoàn thành mục tiêu đề ra, đảm bảo đủ nguồn cho đầu tư phát triển và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước…
So với GDP ước thực hiện, dư nợ công khoảng 43,7%, dư nợ Chính phủ khoảng 39,5%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 39%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dưới 23% tổng thu NSNN.
Tài chính là một Bộ lớn, đa ngành, với nhiều lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai các giải pháp thu chi NSNN, Bộ có nhận được phản hồi từ người dân, doanh nghiệp và có những giải pháp gì để giải quyết những vấn đề phát sinh?
Ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trước tác động của dịch Covid-19. Thậm chí có những chính sách hỗ trợ được triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ như: giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất của năm 2021 đã đạt khoảng 144 nghìn tỷ đồng…
Trong quá trình xây dựng các giải pháp hỗ trợ, Bộ Tài chính đã tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xã hội nhằm đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ. Cùng với đó, triển khai áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.
"Cân đối ngân sách là nhiệm vụ tối quan trọng, với yêu cầu không chỉ hoàn thành dự toán thu mà đồng thời phải đảm bảo tiết kiệm chi trong quản lý, điều hành".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.
Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 và tạo lập nền tảng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, Chính phủ xây dựng đề án phục hồi kinh tế. Vậy Bộ tham mưu Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể như thế nào?
Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn để có thể khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho ngân sách và góp phần vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh.
Để phục hồi và phát triển kinh tế còn phụ thuộc rất lớn vào công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như các chính sách ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế. Tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với số tiền 291.000 tỷ đồng, trong đó 240.000 tỷ từ chính sách tài khóa.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Năm 2022, dự kiến dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể kéo dài, Bộ Tài chính đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực phòng, chống Covid-19 như thế nào?
Theo các chuyên gia dự báo, trong năm 2022, dịch Covid-19 có thể tiếp tục kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn; vắc-xin và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội bố trí 10 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế từ nguồn NSTW năm 2022 cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Bố trí 20,5 nghìn tỷ đồng dự phòng NSTW (khoảng 2,5% tổng chi NSTW), tăng 3.000 tỷ đồng (17,14%) so với dự toán năm 2021 và 1,7 nghìn tỷ đồng chi dự trữ quốc gia, tăng 500 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 để chủ động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng yếu khác.
Ngoài ra, trong năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm, cắt giảm chi của NSTW năm 2021 cho dự phòng NSTW để chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Trường hợp chưa sử dụng hết, số kinh phí còn lại được chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục sử dụng, tiếp tục duy trì quỹ vắc-xin để mua vắc-xin phòng chống dịch.
Trong quá trình điều hành ngân sách, tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh phát sinh, Bộ Tài chính sẽ sử dụng các nguồn lực NSTW nêu trên, kết hợp với các nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương để đảm bảo các nhu cầu phát sinh. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ trình cấp thẩm quyền rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chậm phân bổ, chậm thực hiện trong năm, lùi, giãn, hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết... của các cấp ngân sách để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.
Xin Bộ trưởng cho biết đâu là những khó khăn, thách thức đối với ngành tài chính trong thời gian tới và giải pháp của ngành là gì?
Khó khăn, thách thức đặt ra với ngành tài chính trong thời gian tới chính là quyết liệt thực hiện thành công các mục tiêu cân đối nguồn lực ngân sách cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo mức bội chi ngân sách hợp lý. Giữ vững an toàn nợ công, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Để vượt qua khó khăn, thách thức nêu trên, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Ngành tài chính xác định 7 nhóm ưu tiên cần tập trung triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, bao gồm:
Thứ nhất, bám sát diễn biến và tác động của dịch Covid-19 nhằm đề xuất các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách phù hợp; tổ chức thực hiện thành công các giải pháp tài khóa và phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả với chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo phê duyệt của cấp thẩm quyền. Đây là ưu tiên trước mắt của nền kinh tế cũng như của ngành tài chính.
Thứ hai, tập trung thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế; tăng cường quản lý thu, nhất là thu hoạt động thương mại điện tử, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp...
Thứ ba, quản lý chi NSNN hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách đã được giao trong dự toán đầu năm, nhưng chưa thực hiện phân bổ theo quy định.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách… đảm bảo thống nhất, minh bạch; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các luật thuế và các quy định liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số; áp dụng thuế suất hợp lý, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai và phát triển kết cấu hạ tầng...
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của pháp luật; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công; an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Thứ sáu, quản lý các thị trường tài chính, chứng khoán phát triển ổn định, an toàn phát huy hiệu quả vai trò huy động vốn cho NSNN và cho nền kinh tế; tiếp tục mở cửa theo lộ trình cam kết...
Cuối cùng là nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý tài chính; tổ chức sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số ở các hệ thống cơ quan quản lý tài chính công trọng yếu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Thanh Hoa