Sáng ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiều vấn đề nóng, trong đó có những vấn đề liên quan tới cung ứng, điều hành xăng dầu trong thời gian qua. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều chất vấn, tranh luận của các Đại biểu Quốc hội.
Nguồn cung xăng dầu không lúc nào thiếu
Cụ thể, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) chất vấn, tình hình dịch COVID-19 khó dự báo, xung đột Nga - Ukraine căng thẳng dẫn đến tăng giá xăng dầu, kéo theo giá đầu vào tăng, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Vậy với vai trò tư lệnh ngành Công Thương, Bộ có giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình hình này?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. |
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) chất vấn nguồn cung thiếu hụt, phụ phí mỗi thùng dầu nhập khẩu tăng 2-3 lần, giảm chiết khấu với đại lý bán lẻ, dẫn tới tình trạng một số cửa hàng treo biển hết xăng, om hàng chờ tăng giá, giá xăng dầu tăng cao nhất 8 năm qua. Bộ Công Thương có giải pháp gì để đảm bảo hài hòa lợi ích?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương cho biết vừa qua giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, do đứt gãy nguồn cung ở một số nước có sản lượng lớn, tác động từ xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu thế giới tăng biên độ 40,01% - 60,02%. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bình thường cung ứng 35-40%, tuy nhiên do gặp vấn đề về tài chính nên giảm công suất đột ngột. Điều này ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu.
Bộ trưởng Diên cho hay, ngay từ tháng 1/2021 đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải phải nhập khẩu đủ sản lượng để bù đắp sự thiếu hụt của nhà máy Nghi Sơn. Đến nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đủ đáp ứng đến hết tháng 3.
Đồng thời, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong tháng 3 vượt sản lượng vượt bình thường khoảng trên 1 triệu khối trở lên. "Nguồn cung xăng dầu sẽ không lúc nào thiếu", ông Diên chia sẻ.
Trong khi đó, Đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn Bộ Công Thương trả lời rằng giá bình quân một số mặt hàng xăng dầu thế giới tăng cao hơn giá xăng dầu trong nước. Vậy quá trình điều hành giá xăng dầu có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu?
Bộ trưởng Diên cho rằng, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu thế giới tăng 40,01-60,02%, trong khi giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 24,91-39,56%. Ông Diên cho rằng sở dĩ giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới là do chúng ta có Quỹ Bình ổn để điều hành linh hoạt. Nếu không chi 500-1.000 đồng/lít trên mỗi kỳ điều hành thì giá xăng dầu Việt Nam không thể thấp hơn giá thế giới.
Tuy nhiên, ông Diên cho biết Quỹ bình ổn xăng dầu cũng có hạn, chỉ còn trên dưới 600 tỷ đồng, một số doanh nghiệp đầu mối bị âm quỹ vì vậy Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường.
"Nếu giá thế giới tăng cao thì cần tiếp tục nghiên cứu các loại thuế phí khác. Hết công cụ thuế phí, thì cần tính tới việc trợ giá xăng dầu thông qua quỹ an sinh để hỗ trợ các đối tượng khó khăn", ông Diên nhấn mạnh.
Lọc dầu Nghi Sơn là 'ẩn số'
Trước phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) tranh luận khi Bộ trưởng Công Thương nói rằng nguồn cung không thiếu, sẽ tăng cường nhập khẩu để bù đắp. Như vậy là nguồn cung dựa vào thị trường bên ngoài, vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước ở đâu?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết không chỉ các đại lý bán lẻ xăng dầu găm hàng, mà có dấu hiệu doanh nghiệp phân phối găm hàng hay không?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Diên cho rằng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giống với ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung xăng dầu trong nước. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng có những lúc, chúng ta không có nhà máy lọc dầu, vẫn không thiếu xăng dầu. Hay các nước không có nhà máy lọc dầu họ cũng không thiếu, nếu có thì giá cũng không rẻ hơn nhiều so với thế giới nếu không có chính sách bình ổn.
Ông Diên cho biết, vấn đề nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang gặp phải là khó khăn về tài chính. PVN với tư cách là một bên tham gia liên doanh này cũng đang đấu tranh, yêu cầu 2 liên doanh của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cố gắng cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào nhà máy Nghi Sơn là nhập dầu thô, trong bối cảnh giá khan hiếm nguồn cung rõ ràng cũng ảnh hưởng.
"Khi nào Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, PVN cam kết với Bộ Công Thương về sản lượng cung ứng ra thị trường đảm bảo kế hoạch cam kết, Bộ Công Thương mới cho dừng kế hoạch nhập thêm xăng dầu", ông Diên cho biết.
Còn về vấn đề Đại biểu Hòa phản ánh về tình trạng có hay không doanh nghiệp đầu mối găm hàng, Bộ trưởng Công Thương khẳng định chỉ có 211 cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hiện tượng đóng cửa, do phần lớn gặp trục trặc kỹ thuật. Một số cửa hàng còn lại do nhập xăng dầu trực tiếp từ nhà máy Nghi Sơn nên khi nhà máy này dừng hoạt động đã đứt nguồn cung tạm thời. Bộ Công Thương đã trực tiếp chỉ đạo kịp thời để các cửa hàng này nhập từ nguồn khác thay thế.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng thanh tra 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Đến giờ có kết bước đầu nhưng do chưa có dữ liệu đầy đủ nên Bộ chưa báo cáo cụ thể. "Tinh thần nếu có doanh nghiệp đầu mối nào vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật và đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép", ông Diên khẳng định.
Lê Thúy