Đại biểu Trần Văn Tiến (Phó Trưởng Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng cần làm rõ việc cứ 100 doanh nghiệp (DN) lập mới thì 77 phá sản, số DN phát triển chững lại, số giải thể tăng cao trong khi môi trường kinh doanh được báo cáo là đang đẩy mạnh cải thiện.
Vị đại biểu này băn khoăn: "Với đà này, liệu mục tiêu đạt 1 triệu DN có đạt được?"
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ và Uỷ ban Kinh tế cũng đánh giá mục tiêu đưa 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 còn nhiều thách thức.
“Nhiều năm trước, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu phải có 500 nghìn DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2010, nhưng mục tiêu này cũng phải trễ hẹn tới 6 năm mới hoàn thành”, ông Lộc cho hay và nêu vấn đề: Câu hỏi đặt ra là lần này chúng ta có đạt được mục tiêu không? Theo mục tiêu này thì mỗi năm Việt Nam phải có ít nhất 200 nghìn DN mới ra đời, nhưng thời điểm hiện nay nhiệm vụ sẽ khó vì số lượng DN thành lập mới đang giảm dần. Cùng với đó, trên 5 triệu hộ kinh doanh không muốn lớn.
Giải trình trước Quốc hội liên quan đến mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, gần đây DN tăng trưởng nhanh, năm 2018 dự kiến tăng 25%. Tuy nhiên 9 tháng đầu năm số DN chờ giải thể tăng cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng |
Vị tư lệnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 4 nguyên nhân của tình trạng này. Thứ nhất, quy luật đào thải, cạnh tranh thì những doanh nghiệp yếu sẽ bị đào thải. Thứ hai, tiếp cận các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, lao động, logistic của doanh nghiệp là rất khó khăn. Thứ ba, từ tháng 4, chúng ta bước vào rà soát số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, kể cả con số từ vài năm trước. Nên có thể con số đã cao hơn năm trước. Thứ tư, có doanh nghiệp lập nên để trục lợi chính sách, buôn bán hóa đơn.
Ông Dũng cho hay, đến nay có 702 nghìn DN đang hoạt động. Vì thế, trong 2 năm tới phải có thêm 300 nghìn DN thành lập mới. Để đạt được con số này, Bộ trưởng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp để phát triển DN.
Cụ thể, tiếp tục cải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa như hỗ trợ vốn, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích các DN lớn phát triển mạnh mẽ để làm đầu tàu...
Ngoài ra, có những chính sách khuyến khích 5,2 triệu hộ kinh doanh chuyển sang DN. Thực tế, hiện nay Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ như xây dựng đại lý thuế, tư vấn kế toán cho các hộ kinh doanh, hoá đơn điện tử,...
Vì vậy có thể phấn đấu đạt được 1 triệu DN trong năm 2020, Bộ trưởng cam kết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiếp cận đất đai, các yếu tố đầu vào của sản xuất".
Hoàng Hà