Hiện nay, một số địa phương trên cả nước đang thí điểm thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo ông Lợi, đây là yêu cầu theo Nghị quyết của Đảng.
Đại biểu Quốc hội: Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hoá) Ảnh: Internet |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Mỗi lần trình đề án cải cách tiền lương thì vấn đề quan trọng là nguồn để cải cách tiền lương. Vì vậy, phải sắp xếp tinh giản bộ máy, giảm biên chế thì mới cải cách được chính sách tiền lương”.
Xét về mặt phân cấp quản lý nhà nước thì dường như văn phòng cấp uỷ, Văn phòng UBND và Văn phòng HĐND không có sự “ăn nhập” với nhau. Một bên cơ quan ban hành chính sách, một bên là cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan thực thi chính sách.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, việc sáp nhập ban đầu sẽ có những khó khăn nhất định. Vì thế, mới áp dụng thí điểm để phát hiện ra những vướng mắc và điều chỉnh trước khi thực hiện mô hình hợp nhất lại.
Tuy vậy, vị đại biểu này cũng cho rằng nhiệm vụ thực chất của các văn phòng là cơ quan phục vụ, không phải là cơ quan hoạch định chính sách. Các văn phòng là cơ quan phục vụ chuyên môn của chính quyền và hội đồng, nên việc thí điểm để xem xét khi nhập lại hoàn toàn yên tâm để thực hiện cho đạt yêu cầu. Mục tiêu là tinh gọn tổ chức bộ máy.
“Khi sáp nhập vào một cơ quan, mỗi một vị trí đó cũng sẽ phụ trách công việc theo đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, giống như một tổ, bộ máy giúp việc cho lãnh đạo. Do đó cũng không nên quá băn khoăn về việc sáp nhập này”, ông Lợi nói.
Theo dự kiến, năm 2019, sẽ có 10 địa phương trên cả nước tiếp tục thí điểm ghép 3 văn phòng cấp tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có những băn khoăn về tình trạng có nơi chưa hợp nhất chức danh Bí thư và Chủ tịch.
Ông Lợi cho rằng nếu nơi nào đã hợp nhất rồi thì sẽ thuận lợi hơn, còn nơi nào chưa hợp nhất sẽ có những khó khăn nhất định. Nhưng vẫn là chức năng độc lập của văn phòng này nên chúng ta cũng không phải băn khoăn. Nếu nhập được sẽ thuận lợi hơn, đầu mối sẽ thông suốt hơn.
Về tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy thời gian qua, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) đánh giá đạt nhiều kết quả, nhưng còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh; đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Cho rằng tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, nhưng theo vị đại biểu này, đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều.
Đồng tình quan điểm này, ông Lợi cho rằng: "Chúng ta nên có tiến hành sớm để có những đánh giá, điều chỉnh và rút kinh nghiệm, bởi tinh giản bộ máy biên chế là vẫn đề quan trọng của đất nước, liên quan đến việc cải cách chính sách tiền lương. Việc tổ chức, tinh gọn, biến chế bộ máy chính là cơ sở để cải cách tiền lương”.
Hoàng Hà