Phát biểu tại Quốc hội sáng nay (27/10), Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Trưởng đoàn Quảng Trị) xâu chuỗi các sự kiện kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự liên quan đến Mỹ - Trung Quốc và cho rằng, cuộc chiến giữa Mỹ - Trung đã bộc lộ bản chất là cuộc đối đầu chiến lược, không phải thuần tuý về thương mại. Vì vậy cần xác định đây là cuộc chiến tổng lực, lâu dài, đối với cả hai bên cả về kinh tế thương mại, an ninh, quân sự và đối ngoại.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Trưởng đoàn Quảng Trị). Ảnh Internet |
Trong khi đó, Việt Nam với vị trí địa lý đặc biệt và phụ thuộc nhiều vào hai thị trường này. Cả Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất/nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên Việt Nam chịu tác động rất lớn từ cuộc đối đầu trên, "dễ thấy nhất là chịu sự rủi ro cao về thương mại, tiền tệ và dòng vốn", ông Đồng khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, không chỉ có tác động tiêu cực, cuộc chiến này cũng đang mang lại những cơ hội nhất định cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là, có thể nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế - tức là có thể trở thành "vịnh tránh bão" trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực.
"Đây là thời điểm nhạy cảm đòi hỏi chính sách ngoại giao của Việt Nam phải hoá giải được tình thế lưỡng nan cũng như chớp được cơ hội, đồng thời tránh hoặc giảm được những rủi ro mối nguy tiền ẩn này", ông Đồng nói.
Theo Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, trong bối cảnh như vậy, những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 và các năm tiếp theo cần phải được chú ý làm rõ.
Ông phân tích, gói chính sách kinh tế vĩ mô, tài khoá, tiền tệ đều còn rất ít dư địa. Cụ thể, chính sách tài khoá phải tiếp tục khắc phục, siết chặt, chỉ còn trông vào vốn giải ngân đầu tư công đã dự toán phải đạt tiến độ và hiệu quả.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ chạy theo mục tiêu ưu tiên là giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát nên rất khó nới lỏng, rất khó làm công cụ kích thích kinh tế Việt Nam khi phải chịu đựng các cú sốc từ bên ngoài.
Ông Đồng cho rằng động lực cho tăng trưởng kinh tế tới đây chủ yếu phải trông vào các chính sách, giải pháp tác động từ phía tổng cung là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cần ưu tiên chính sách đầu tư mới để thu hút đầu tư nước ngoài; cân đối nguồn lực để hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong nước đầu tư mới sản xuất kinh doanh; quyết liệt tái cơ cấu kinh tế như: mở dư địa, khơi thông nguồn lực tư nhân...
"Cần thực hiện đa dạng hoá thị trường, đa phương hoá đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, cần giảm dần sự bao cấp của ngân sách nhà nước có thêm dư địa để đầu tư phát triển công…”, ông Đồng nêu.
Cũng trong sáng nay, giải trình trước Quốc hội, đề cập tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự đồng tình với đại biểu Hà Sỹ Đồng. Lãnh đạo Bộ Công Thương nói: "Đây không đơn thuần là tranh chấp thương mại, còn là câu chuyện địa chính trị và sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ".
Vì thế, chiến lược sắp tới đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là khai thác tốt cơ hội và hạn chế nguy cơ. Bộ trưởng Công Thương hứa sẽ có báo cáo đầy đủ gửi tới Quốc hội vấn đề này.
Ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng sự cách biệt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã "dần thu hẹp", từng bước có sự liên kết, nhất là hình thành được nhóm chuỗi khu vực công nghiệp phụ trợ.
Huyền Anh