Theo đó, 3 dự án gồm: dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi; đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây; điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV đều không đạt yêu cầu để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Cụ thể, về dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Bộ NN&PTNT cho biết theo tờ trình số 131/TTr-UBND ngày 30/10/2020, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi.
Nhiều địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thành dự án. |
Tuy nhiên, điểm b khoản 3 Điều 41a bổ sung (khoản 2 Điều 1) Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định rõ: “Không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản...”. Do vậy, Dự án không đúng với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.
Tiếp đó, đối với dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, Bộ NN&PTNT cho biết, Điều 41a bổ sung (khoản 2 Điều 1) Nghị định số 83/2020/NĐ-CP quy định tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác: “Không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng...”.
Tuy nhiên, tại Tờ trình số 6283/TTr-UBND ngày 26/10/2020 và hồ sơ Dự án kèm theo, UBND Quảng Nam chưa làm rõ diện tích rừng tự nhiên đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng của Dự án thuộc phân khu nào của Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, nên chưa có cơ sở để xác định Dự án thuộc tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo quy định.
Chưa kể, theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường thì: “Dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; dự án có sử dụng từ 1 ha đất trở lên của khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia; từ 5ha của khu di sản thế giới hoặc khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia; từ 10 ha đất trở lên của khu dự trữ sinh quyển... Dự án có lấn biển từ 20 ha trở lên; dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên, đất rừng tự nhiên từ 100 ha trở lên; dự án có sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên” thuộc Danh mục các dự án thuộc tránh nhiệm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như vậy, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 3379/QĐ- UBND ngày 19/9/2017 phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án là không phù hợp về thẩm quyền.
Tiếp đó với dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV của tỉnh Bình Thuận, Bộ NN&PTNT dẫn lại tại các Văn bản số 1645/TTg-CN ngày 31/10/2017, số 1791/TTg-CN ngày 22/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, số 2444/ĐL-NLTT ngày 28/12/2018 của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, số 2531/TCMT-TĐ ngày 11/6/2019 của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 1034/QĐ-UBND ngày 17/4/2017, số 3656/QĐ-UBND ngày 27/12/2018, số 170/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận, xác định tên dự án là Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2.
Tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 30/5/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020) tỉnh Bình Thuận, trong đó, phân bổ chỉ tiêu cho dự án Điện gió Hòa Thắng 1.2 với diện tích 60 ha tại huyện Bắc Bình.
Như vậy, tên gọi “Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV” ghi trong Tờ trình số 4141/TTr-UBND ngày 23/10/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận là không thống nhất với tên gọi “Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2” tại các văn bản nêu trên.
Hơn nữa, tại Tờ trình số 4141/TTr-UBND ngày 23/10/2020, UBND tỉnh Bình Thuận xác định dự án được thực hiện trên quy mô 45,41 ha; tuy nhiên, mới nêu thông tin về 28,52 ha rừng tự nhiên (gồm: 23,61 ha quy hoạch rừng phòng hộ, 4,91 ha quy hoạch rừng sản xuất); phần diện tích còn lại chưa có thông tin cụ thể và chưa thống nhất với diện tích nêu trong Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng nằm trong dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV.
Nghị định số 83/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020, tuy nhiên, Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng nằm trong dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV, gửi kèm hồ sơ dự án được thực hiện tháng 3/2019, do đó, Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng gửi kèm Hồ sơ dự án chưa đáp ứng nội dung quy định.
"Vì những lý do nêu trên, nên hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV chưa đủ điều kiện xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án", Bộ NN&PTNT cho biết.
Nhật Linh