Có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu (XK) thực phẩm Việt ra thị trường quốc tế, nhưng khi được hỏi doanh nghiệp (DN) của mình hiện có mở rộng thị trường XK vào các nước trong CPTPP hay không, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Giám đốc marketing công ty thực phẩm Infoma (một DN thuần Việt ở Tp.HCM), cho biết công ty chưa có một chiến lược cụ thể vào những thị trường này.
Không dễ nắm cơ hội
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những bước chuẩn bị để trong thời gian tới có thể thâm nhập thị trường các nước CPTPP", bà Trúc chia sẻ. Câu trả lời của vị giám đốc này phần nào cho thấy thị trường CPTPP vẫn đang thuộc diện "thăm dò" của DN.
Nhiều DN xuất nhập khẩu trong các cuộc thăm dò gần đây về CPTPP cho thấy có tâm lý quan tâm đến những thị trường quen thuộc, còn với những thị trường mới lại ngần ngại vì thiếu thông tin, hoặc cho là thị trường xa, không cần thiết, khối lượng giao dịch nhỏ nên không cần.
Trao đổi bên lề Hội thảo "CPTPP – cơ hội từ một hiệp định thế hệ mới – chất lượng cao" diễn ra tại Tp.HCM ngày 26/3, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cơ hội sẽ mở ra cho DN Việt ở ba thị trường mới mở cửa lần đầu với Việt Nam là Canada, Mexico và Peru bởi các nước này có cơ cấu sản xuất cũng như XK không trùng với Việt Nam.
Đối với những thành viên khác trong CPTPP đã có mở cửa thị trường với Việt Nam trong các hiệp định thương mại trước đây, theo bà Trang, các DN Việt cũng đã làm quen với các thị trường này.
Thực tế cũng đã chứng minh là các DN trong nước đang điều chỉnh rất tốt, đang cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác trong Hiệp định trên chính thị trường Việt Nam.
"Chính vì thế, chúng tôi cho rằng thách thức cạnh tranh là có, nhưng không phải quá mức như chúng ta quá lo ngại. Trong khi đó, cơ hội mà CPTPP mở ra là rất lớn, chẳng hạn như với ba thị trường mới, cũng như việc các nước trong CPTPP cam kết xoá bỏ ngay thuế quan cho sản phẩm Việt Nam khoảng 78% – 92% số dòng thuế", bà Trang cho biết.
Thế nhưng, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cũng lưu ý là trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà trước đây Việt Nam đã ký kết, tỷ lệ mà DN Việt tận dụng được cơ hội về mặt thuế quan cho đến hiện tại mới chỉ ngoài 30% và có sự không đồng đều trong việc tận dụng giữa các FTA.
DN Việt vẫn khó tận dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP |
Tránh tâm lý chủ quan
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), để thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, DN cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất để khai thác hiệu quả các ưu đãi về thuế quan, không chỉ CPTPP mà còn trong tất cả các FTA đang và sắp có hiệu lực.
Chẳng hạn với ngành da giầy, Cục Công nghiệp đánh giá mặc dù có được ưu đãi về thuế thì giá trị thật sự mà các DN da giầy của Việt Nam nhận được là không nhiều vì hầu hết đang gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Trong khi đó, các thị trường mới như Mexico, Canada từ trước đến nay đã quen sử dụng các thương hiệu da giầy đến từ các quốc gia khác và chưa có nhiều thông tin về sản phẩm da giầy của Việt Nam.
Hay như ngành dệt may, lợi thế nổi bật mà dệt may Việt Nam có được từ CPTPP là mức thuế quan được cắt giảm sâu và nhanh, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, việc khai thác ưu đãi thuế là không dễ, bởi muốn được ưu đãi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như nguyên tắc xuất xứ rất khắt khe.
Cục Công nghiệp đánh giá với năng lực, trình độ may hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề lớn của DN dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ, vì Việt Nam hiện nay đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP.
Theo chuyên gia Phạm Thanh Nga, thành viên Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), với CPTPP, lợi ích XK sẽ có, trước hết từ các thị trường chưa có FTA với Việt Nam như Canada, Mexico, Peru, thậm chí từ các thị trường đã có FTA như Nhật Bản. Điều này sẽ tạo động lực tăng trưởng XK từ các DN tiếp tục đầu tư để sản xuất hàng XK.
Tuy nhiên, DN Việt cần cẩn trọng với "bẫy" của các FTA mới như CPTPP, đó là hàng rào thuế quan giảm rất sâu, nhiều mặt hàng ngay lập tức ở mức 0%, có thể gây tâm lý chủ quan cho DN không cần cố gắng, không cần phải "vận nội công" nâng cao năng lực nội sinh mà vẫn có thể XK hàng hóa.
Thế Vinh