Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp (DN) FDI có xu hướng nhỏ đi, cả về vốn chủ sở hữu và quy mô lao động. Nhận định này tiếp tục được khẳng định trong dữ liệu điều tra năm 2018.
Tỷ trọng DN nhỏ tăng mạnh
Cụ thể, tỷ lệ DN FDI quy mô nhỏ hơn tăng rõ rệt: 9,4% DN được hỏi cho biết có chưa đến 5 lao động, 11% có quy mô 5 – 9 lao động và 32% có quy mô lao động nhỏ hơn 50. Tỷ lệ tương ứng trong năm 2017 lần lượt là 7,4%, 10,9% và 31%.
Trong khi đó, số DN tham gia điều tra có sử dụng 1.000 lao động trở lên giảm từ 6,4% trong năm 2017 xuống chỉ còn 4% năm 2018. Chỉ 5,4% DN có quy mô thuộc nhóm lớn thứ hai (500 – 999 lao động), so với mức 5,8% trong năm 2017.
Sự thu hẹp quy mô lao động của các DN FDI song hành với sự sụt giảm tương ứng về quy mô vốn. Năm 2018 có sự gia tăng tỷ lệ DN nằm trong các nhóm quy mô nhỏ – dưới 0,5 tỷ đồng, từ 0,5 đến dưới 1 tỷ đồng và từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng, với tỷ lệ lần lượt là 10,8%, 6,6% và 20,3% DN tham gia điều tra PCI-FDI. Những con số tương ứng trong điều tra năm 2017 là 7,9%, 5,7% và 16,7%.
Tỷ lệ các DN thuộc 4 nhóm lớn nhất đều giảm trong điều tra PCI-FDI năm nay. Đáng chú ý, 5,9% số DN được hỏi cho biết vốn chủ sở hữu trên 500 tỷ đồng trong năm 2017, nhưng năm nay chỉ còn chiếm 3,9%.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/3/2019, cả nước có 785 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 3,82 tỷ USD. Như vậy, số vốn trung bình của một dự án FDI chỉ gần 5 triệu USD.
Hơn nữa, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, cho biết thời gian qua, một số nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tận dụng các nguồn vốn của chính nước sở tại để phát triển. Thực tế, tổng vốn cam kết của phía nước ngoài đưa vào thực hiện là hạn chế, còn lại họ có thể sử dụng đất đai thế chấp vay tiền ngân hàng tại Việt Nam, sử dụng vốn của người mua nhà, căn hộ… thu tiền nội tệ chuyển ra nước ngoài bằng ngoại tệ, làm tăng nhập siêu, đây chính là hình thức tận dụng tiền tệ nước sở tại, còn được gọi là "dự án ngoại nhưng vốn nội".
Bên cạnh các nhà đầu tư, DN chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật còn có các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thực hiện dự án đầu tư nhưng không triển khai, bỏ địa chỉ kinh doanh, không có thông tin hoạt động hay đứng tên đại diện pháp luật cho các công ty nhưng không ở Việt Nam.
Cũng có một số ít trường hợp các nhà đầu tư bỏ trốn, DN không hoạt động tại địa điểm đăng ký, không làm thủ tục đăng ký thuế… dẫn đến tỷ lệ vốn góp, vốn thực hiện trên thực tế thấp.
Đặc biệt, lãnh đạo Tp.Hà Nội cũng cho biết, số lượng các dự án công nghệ cao, có khả năng mang lại giá trị gia tăng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, vẫn chưa thu hút được công nghệ nguồn.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đến từ các nước phát triển, có nền khoa học công nghệ hiện đại như Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Mỹ, Canada, Nga… còn khá khiêm tốn, mà chủ yếu đến từ châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Ngoại trừ các đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, còn lại về cơ bản có trình độ công nghệ trung bình, hàm lượng công nghệ cao còn ít, hiệu quả thấp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, ít công nghệ nguồn. Nguồn vốn FDI chỉ tập trung ở các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ sử dụng nhiều lao động, vốn lớn nhưng mức độ lan tỏa công nghệ thấp.
Tạo lập chuỗi cung ứng
Trước thực trạng trên, một số chuyên gia cảnh báo rằng nhiều DN FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm "vệ tinh" – nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn. Những DN FDI như vậy có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây là một trong những khó khăn mà DN trong nước đang gặp phải. Thống kê cho thấy nhiều DN FDI vẫn chuộng việc lựa chọn nhà cung ứng là các DN FDI từ nước xuất xứ của nhà đầu tư và nhà cung cấp từ nước thứ ba.
Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ, các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện một số cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, giám sát hiệu quả thực hiện dự án sau cấp phép.
Chẳng hạn, bổ sung các quy định về tỷ lệ vốn góp thực hiện dự án trên tổng vốn đầu tư đăng ký để đảm bảo tính khả thi của dự án. Bổ sung quy định về tỷ lệ vốn góp tối thiểu phải đáp ứng của nhà đầu tư nước ngoài đối với mỗi lĩnh vực đầu tư để phát huy thế mạnh, tiềm năng khai thác vốn đầu tư.
Bổ sung quy định tiêu chí và yêu cầu cụ thể đối với việc xem xét về năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính của nhà đầu tư trong các lĩnh vực pháp luật có yêu cầu để đảm bảo tính minh bạch và thu hút được các dự án hoạt động hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng thời gian tới, Việt Nam nên lựa chọn các DN lớn, tập đoàn có tiềm lực thực sự về vốn, công nghệ và thị trường để thu hút đầu tư sản xuất, chế biến và XK đến các thị trường của DN trên toàn thế giới thay vì thu hút các DN FDI quy mô nhỏ như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận khi thu hút FDI để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Định hướng và chính sách mới về FDI nên coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Việc tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới Samsung chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất điện thoại di động, smartphone, máy tính bảng đã chứng minh tính hấp dẫn của Việt Nam.
Về phần mình, Bộ KH&ĐT cho biết thời gian tới sẽ tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, DN đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn quốc gia liên kết với DN trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết theo từng chuỗi giá trị.
Việc thu hút đầu tư nước ngoài từ các DN nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị phát triển toàn cầu.
Lê Thúy
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI Một trong những hạn chế của thu hút FDI là bên cạnh tập đoàn lớn với quy mô hàng đầu thế giới, chúng tôi thấy xu hướng DN FDI quy mô nhỏ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Điều này một mặt phản ánh môi trường kinh doanh Việt Nam năng động nhưng mặt khác tạo áp lực lớn cho DN tư nhân trong nước như khó hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và hưởng lợi từ sự lan tỏa của công nghệ và quản trị. Ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Việt Nam cần định hướng đối tác thu hút FDI như chú trọng thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia. Các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc…, đồng thời hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu và Mỹ. Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Những ngành công nghệ tương lai chủ yếu nằm trong tay các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới của các nước OECD, chủ yếu là G7. Tuy vậy, Việt Nam mới thu hút được khoảng 100/500 tập đoàn hàng đầu thế giới. Nhiều nước dẫn đầu về FDI như Mỹ, Anh, Đức có rất ít dự án đầu tư ở Việt Nam. Đó là nhược điểm cần phải khắc phục bằng việc tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới như xúc tiến đầu tư hướng vào từng tập đoàn trên cơ sở tiếp cận chiến lược thương mại và đầu tư toàn cầu của họ, cung cấp kịp thời thông tin theo yêu cầu của nhà đầu tư, thiết lập mối quan hệ hai chiều để xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình hình thành và phát triển dự án. |