Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây.
Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.
Cao nhất 10 năm
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá tăng trưởng này có được là do chỉ đạo của Chính phủ ngay từ ngày đầu, tháng đầu rất cụ thể. Tất cả các bộ ngành đã vào cuộc, cộng đồng DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP quý I năm nay là nối tiếp đà tăng trưởng của quý III và quý IV/2017. “Chúng ta đều nhớ quý III, IV/2017, nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững. Nối tiếp đà đó, quý I năm nay tiếp tục tăng trưởng”, ông Lâm cho biết.
Thường quý I những năm trước, yếu tố mùa vụ cao, đặc biệt quý I/2017, nền kinh tế tăng trưởng thấp do yếu tố của nông nghiệp 2017 tăng thấp và công nghiệp khai khoáng 2017 giảm.
Tuy nhiên, năm nay, công nghiệp khai khoáng tăng nhẹ sau 2 năm liên tục giảm, nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong vòng những năm qua, với kết quả 3,76%. Ngoài ra, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, khu vực dịch vụ cũng tăng cao so với quý I hàng năm.
Ông Lâm khẳng định: “Đây là sự tăng trưởng lý tưởng, có cơ sở của sản xuất kinh doanh và tạo dựng của Nhà nước trong điều hành”.
Tuy nhiên, dù đạt được kết quả tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng ông Lâm cũng cho rằng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đặt ra cho cả năm là 6,5 – 6,7% vẫn còn thách thức lớn.
“Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay không còn quý sau hơn quý trước nữa. Tăng trưởng quý III, IV sẽ chững lại. Nếu không có giải pháp thúc đẩy thì mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt 6,7% sẽ là thách thức”, ông Lâm nhấn mạnh.
Thách thức phải kể tới là độ mở của nền kinh tế Việt Nam gấp đôi các nước khác nên tăng trưởng phụ thuộc cầu của kinh tế thế giới. Thực tế hiện nay, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ đánh thuế như cá tra, thép, máy giặt…
Đồng thời, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào công nghiệp chế biến, chế tạo (đóng góp chủ yếu là do khối DN FDI).
Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), cho biết ngành này có sự tăng trưởng nhanh: nếu năm 2010 mới chỉ góp 9,9% giá trị tăng thêm vào công nghiệp, đến năm 2015 góp tới 17,8% (gấp đôi so với 2010), chủ yếu đóng góp từ Samsung.
Ước tính năm 2018, giá trị sản xuất của Samsung sẽ tăng khoảng 18% so với năm 2017. Trong quý II, tăng trưởng của Samsung sẽ tiếp đà của quý I, song tỷ lệ tăng dự kiến giảm trong quý III và quý IV.
Trước đó, phân tích tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2017, Gs.Ts. Ngô Thắng Lợi, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá đằng sau những thành quả đạt được là những “khoảng tối” đang chi phối khá đậm nét bức tranh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu “cậy nhờ” khối ngoại
Vẫn “nhờ cậy” FDI
Tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2011-2017 vẫn mang nặng tính chất tăng trưởng nhờ gia công. Một điểm đáng nói hơn là các hoạt động gia công đó lại được diễn ra chủ yếu ở các DN gần như 100% vốn FDI.
Bình quân giai đoạn 2011-2017, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% nhưng khu vực FDI đã đóng góp khoảng 2/3 vào thành quả này.
Năm 2017, tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo đạt 14,5%, đóng góp 9,4 điểm phần trăm tăng trưởng ngành công nghiệp, trong đó, Samsung và Formosa chiếm 4,02 điểm phần trăm (42,7%), theo tính toán từ các số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê.
Một điều đáng quan tâm hơn nữa, các DN FDI chủ yếu hoạt động dưới dạng tạm nhập tái xuất và các lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu kiểu này đóng vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng được chi phối chính bởi các DN FDI là do các DN trong nước, nhất là khu vực tư nhân có nhiều hạn chế về năng lực sản xuất kinh doanh, lại luôn gặp khó khăn trong quá trình hoạt động và sự liên kết, hỗ trợ của các DN FDI chưa tốt.
Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, năm 2017 vẫn có hơn 12.000 DN tuyên bố giải thể và hơn 60.000 DN làm thủ tục giải thể (xấp xỉ với năm 2016).
Trong số các DN hoạt động, có 55,2% luôn gặp khó khăn hoặc là sản xuất không thay đổi, trong đó 61% cho rằng khó cạnh tranh, 32,7% vì vấn đề tài chính, 32% không tuyển được lao động.
Năm 2017, có 126.859 DN thành lập mới nhưng chỉ có 16.200 DN chế biến chế tạo (chiếm 12,8%, thấp hơn năm 2016 chiếm 18%).
Ngoài ra, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (tính theo hệ số ICOR) đang có xu hướng tăng dần, hệ số ICOR của năm 2017 đạt mức tương đương với 3 năm gần đây và thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2011-2017 (5,2).
Tuy nhiên, nếu xét hiệu quả sử dụng vốn, so với các nước ở vào cùng thời kỳ tăng trưởng nhanh và trình độ công nghệ tương xứng với Việt Nam thì con số 5,2 (trung bình giai đoạn 2011- 2017) và 4,9 của năm 2017 còn qua thấp (tức là ICOR còn quá cao).
Như Nhật Bản những năm 1970, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) những năm 1980 cũng với mục tiêu tăng trưởng nhanh và trình độ công nghệ như Việt Nam hiện nay nhưng hệ số ICOR chỉ là 2,5-3 (tức là chỉ bằng 1/2 của Việt Nam).
Nguyên nhân của hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp xuất phát từ nhiều nhân tố, trong đó đáng quan tâm nhất là phân bổ vốn đầu tư chưa hợp lý, chưa có “điểm rơi” hướng tới những ngành hay vùng động lực…
Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng năm 2018 và những năm tiếp theo, các chuyên gia khuyến nghị cần hướng tới khắc phục các nguyên nhân của những rào cản tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Giải pháp này hướng tới việc nâng cao vai trò của DN trong nước trong tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp cho các DN trong nước phải xuất phát từ những quan điểm giải quyết khó khăn của DN trong quá trình hoạt động.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương đã được “phân vai” với các nhiệm vụ cụ thể, từ rà soát để loại bỏ các rào cản pháp lý, thủ tục hành chính còn rườm rà, mang nặng tư tưởng “xin – cho”, đến việc xây dựng các cơ chế tài chính, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ cho DN…
Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi từ công nghiệp gia công sang chế biến chế tạo bằng chính sách tiếp tục xem FDI là động lực tăng trưởng nhưng cần có giải pháp gắn kết với các DN trong nước.
Lê Thúy
Gs.Ts. Ngô Thắng Lợi - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Nghiên cứu và thông qua các chính sách về thuế, phí… để tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp cho các DN cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu, cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng được sản lượng sản xuất. Ts. Bùi Trinh - Chuyên gia kinh tế Tăng trưởng của Việt Nam thực chất chỉ là tăng trưởng bề nổi, hầu như mọi cấu trúc kinh tế như cấu trúc nội ngành, cấu trúc của cầu đến cấu trúc của giá trị gia tăng đều có vấn đề. Điều này dẫn đến những tiềm ẩn về bất ổn vĩ mô như nợ nần, bội chi ngân sách, hiểm họa về môi trường và người dân không cảm nhận được tác động của việc tăng trưởng GDP. Như vậy, ai được hưởng lợi tăng trưởng GDP vẫn còn là một câu hỏi lớn. Ts. Nguyễn Hồ Phi Hà - Học viện Tài chính
Trên thực tế, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI, một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu… dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, và sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; hàng dệt may; giày dép… mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị thấp, dẫn tới hiệu quả cho nền kinh tế không cao. |