Trước kiến nghị của 36 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp gửi tới Thủ tướng về việc khắc phục bất cập trong cơ chế giá phát điện, Bộ Công Thương đã có phản hồi.
Bộ Công Thương khẳng định việc xây dựng dự thảo và ban hành quyết định khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là hoàn toàn đúng quy định. |
Đơn kiến nghị của các nhà đầu tư cho rằng việc giao cho đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm công tác xác định giá, sử dụng kết quả mà chưa tham vấn với bên tư vấn độc lập (lấy căn cứ là Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2) là chưa đảm bảo tính khách quan.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định Hội đồng đã có vai trò trong việc thẩm định, tính toán các thông số để xác định khung giá. Các thông số cũng được tính toán dựa trên số liệu từ các tổ chức tư vấn quốc tế, Viện Năng lượng, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1, 2, 3, 4 và Tổ chức tư vấn GIZ cung cấp.
Theo đó, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh thời gian qua. Vì vậy, căn cứ báo cáo kết quả tính toán khung giá của EVN, suất đầu tư được thẩm định, các bên tư vấn đã lựa chọn trên cơ sở suất đầu tư các dự án giảm trừ 10% cho 1MWp điện mặt trời, 1MW điện gió.
Bộ Công Thương cho biết nghiên cứu của tư vấn quốc tế, bức xạ mặt trời tại Việt Nam được chia làm 3 vùng. Với 164 dự án điện mặt trời đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN, có 134 dự án thuộc vùng 3.
Bức xạ mặt trời để tính toán sản lượng bình quân nhiều năm được lấy theo bức xạ của tỉnh Bình Thuận. Đây là địa điểm thuộc vùng 3 và xây dựng Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 - vốn được khuyến nghị theo nghiên cứu của tổ chức tư vấn quốc tế là 5,23 kWh/m2/ngày (tương đương 1.908,95 kWh/m2/năm).
Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định theo ý kiến của Hội đồng tư vấn, để phù hợp với các quy định về khung giá, cơ sở tính toán khung giá đã không thực hiện trên cơ sở thông số của Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2.
"Việc lựa chọn thông số là dựa vào suất đầu tư, bức xạ mặt trời tại vùng 3 và các thông số khác được thu thập từ các nhà máy điện mặt trời mặt đất đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời điểm giá bán điện ưu đãi hết hiệu lực" , Bộ Công Thương nêu.
Vì thế, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu. Việc thay đổi giá bán lẻ điện bình quân không chỉ xem xét chi phí phát điện (bao gồm chi phí mua điện từ nhà máy điện mặt trời, điện gió) mà bao gồm nhiều khâu khác.
Trước đó, 36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Việt Nam và hiệp hội doanh nghiệp đã có đơn gửi tới Thủ tướng, phản ánh những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
36 nhà đầu tư này phản ánh việc giao cho EVN/EPTC làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp thực tiễn.
Hậu quả, kết quả tính toán giá phát điện đề xuất của EVN không đảm bảo được nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12% cho các nhà đầu tư, mối tương quan giữa giá phát điện của dự án điện gió và thực tế giá bán lẻ điện bình quân của EVN gần đây đã tăng lên.
Theo đó, các nhà đầu tư đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu tính toán lại khung giá điện, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển đổi, cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng…
Thy Lê