“Bức tranh” tương phản về việc hàng nhập khẩu giá rẻ tràn lan trên thị trường trái ngược với tình cảnh khốn đốn của các doanh nghiệp (DN) Việt có thể nhìn từ một địa phương ở điểm cực Nam của tổ quốc như tỉnh Cà Mau.
“Bức tranh” tương phản
Cụ thể, theo dõi thường xuyên các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa DN với lãnh đạo tỉnh này từ đầu năm 2024 đến nay sẽ thấy vấn đề trọng tâm thường được nêu ra là làm sao tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các DN về thị trường tiêu thụ, trăn trở về việc phát triển các kênh phân phối, nâng cao khả năng cạnh tranh…
Để mở đường sống cho hàng Việt đòi hỏi cần thực thi những giải pháp bịt kín các “kẽ hở” đối với hàng nhập lậu, trốn thuế, miễn thuế (với giá trị nhỏ) được bán tràn lan với giá rẻ qua kênh trực tuyến hoặc bán phá giá trên thị trường. |
Trong khi đó, ở Cà Mau thời gian qua có một chủ shop kinh doanh trực tuyến (online) khá nổi tiếng có tên là Nguyễn Thị Mai, sở hữu “Nguyễn Mai Store Cà Mau”, được cho là khá thành công về mặt kinh doanh. Người phụ nữ này thường bán hàng bằng cách livestream (phát trực tiếp) trên trang fanpage (với 10.000 người theo dõi) và có hội nhóm hàng nghìn thành viên thường xuyên đăng tải sản phẩm và chốt đơn, nên đem về lượng doanh thu khá tốt.
Nhất là khi livestreams trên facebook hàng ngày để bán hàng online thì Nguyễn Thị Mai có thể thu hút cả trăm, cả nghìn người xem, rồi chốt đơn và thu về khoảng 300 triệu đồng/ngày. Đây là con số ao ước của nhiều DN vừa và nhỏ tại địa phương.
Thế nhưng, mọi chuyện vỡ lở khi trong tháng 6/2024, theo Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 10 tấn hàng phục vụ livestream của Nguyễn Thị Mai có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ. Và đó là lý do mà shop trực tuyến này “ăn đứt” hàng hóa ở địa phương, bởi vì là hàng trôi nổi, nhập lậu, hàng nhái nên có giá cả rất rẻ, đánh trúng vào xu hướng mua sắm giá rẻ của người tiêu dùng.
Không riêng gì “bức tranh” tương phản ở Cà Mau, một thực trạng chung ở nhiều địa phương trong cả nước hiện nay là các DN nội địa vẫn đang phải khốn đốn đối mặt với tình trạng kinh doanh online đang “tiếp tay” tiêu thụ hàng giả, hàng lậu với giá rẻ.
Vì thế, để mở đường sống cho hàng Việt là phải ngăn chặn triệt để thực trạng nêu trên, chưa kể là cần siết chặt việc trốn thuế kinh doanh online đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm tạo công bằng cho các DN nội địa làm ăn chân chính. Không chỉ vậy, ngay cả những mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng cần bịt “kẽ hở” bằng cách thực hiện việc thu thuế Giá trị gia tăng (GTGT) để bảo vệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Như dự án luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đang vấp phải sự phản ứng của các đại biểu quốc hội khi bổ sung quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Bởi vì số lượng hàng hoá dưới 1 triệu đồng giao dịch qua các sàn TMĐT, gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, logistics xuyên quốc gia là vô cùng lớn.
Với số hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu này, đồng thời với việc miễn thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi tiêu thụ tại Việt Nam chắc chắn sẽ có mức giá cực kỳ rẻ, từ đó đe dọa trực tiếp các DN trong nước vốn đang sản xuất những mặt hàng tương tự như vậy.
Thực ra, việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế.
Thế nhưng, qua trao đổi với VnBusiness, luật sư Bùi Ngọc Đức (Tp.HCM) cho rằng với sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Và nếu không cân nhắc đánh thuế, sẽ càng đẩy các DN nội địa đi vào chỗ chết vì không thể cạnh tranh nổi với hàng nhập giá rẻ tiêu thụ ào ạt qua kênh trực tuyến.
Ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh
Ngoài “kẽ hở” hàng nhập giá rẻ trong mảng kinh doanh trực tuyến rất cần bịt kín, để bảo vệ hàng Việt thoát cảnh sa sút, theo luật sư Đức, việc kịp thời lập các hàng rào kỹ thuật đối với những hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá là rất quan trọng.
Như hồi trung tuần tháng 6/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu (thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 3/8/2024).
Cũng trong tháng 6 này, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại cho biết về việc xác nhận hồ sơ yêu cầu điều tra đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại đối với yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Có thể thấy những động thái này là rất cần thiết. Nhất là khi “làn sóng” thép nhập khẩu giá rẻ (đặc biệt là từ Trung Quốc) tràn vào Việt Nam khiến các DN nội địa lo lắng dù cho thị trường trong nước đang manh nha những dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng.
Đặc biệt là Trung Quốc càng tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép giá rẻ thì các nhà sản xuất thép Việt Nam càng đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Vì thế, Bộ Công Thương cần kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành thép trong nước.
Như băn khoăn của ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Cho nên, rất cần lập các hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào Việt Nam.
Suy cho cùng, khi đầu ra của hàng Việt gặp khó mà một trong những nguyên do là vì hàng nhập khẩu, thì điều mà các DN nội địa mong đợi là các cơ quan quản lý cần có giải pháp để kịp thời ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bịt kín các “kẽ hở” giúp cho hàng nhập có mức giá rẻ hơn (như nhập lậu, hàng nhái, trốn thuế, bán phá giá, được miễn thuế nhập khẩu vì có giá trị nhỏ…) tràn vào. Có như vậy mới góp phần mở đường sống cho các DN Việt trong bối cảnh mà từ đầu năm 2024 đến nay trung bình mỗi tháng có tới 19,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Thế Vinh