Một loạt các tập đoàn phân phối, thu mua lớn trên thế giới đang “đổ bộ” vào Việt Nam nhân tham dự sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing Expo 2024” do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp.HCM từ ngày 6 đến 8/6. Có thể kể đến các tên tuổi như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ); Falabella (Chi-lê); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ điển), LuLu (UAE),...
“Đổ bộ” các nhà thu mua lớn trên thế giới
Riêng ngày 6/6, trong khuôn khổ sự kiện nêu trên, có diễn ra Diễn đàn xuất khẩu 2024. Ắt hẳn các nhà xuất khẩu (XK) của Việt Nam phải quan tâm nhiều đến những vấn đề lớn được đại diện các nhà phân phối, thu mua quốc tế đưa ra.
Các nhà cung ứng nông sản Việt phải luôn ở tâm thế sẵn sàng đáp ứng được những yêu cầu đặt ra từ các nhà thu mua lớn trên thế giới. |
Đơn cử như ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam, nói về vấn đề xu hướng tiêu dùng khu vực Bắc Mỹ, tái cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế và vai trò của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Hay như ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành, Amazon Global Selling tại Việt Nam, nói về thương mại điện tử xuyên biên giới là bệ phóng đưa hàng Việt ra thế giới. Hoặc ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Việt Nam, Lulu Group International, thảo luận về Trung đông – thị trường tiềm năng cho các sản phẩm Halal.
Hoặc như ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Việt Nam, Lulu Group International, bàn về việc khai thác tiềm năng XK sang các thị trường Mỹ La Tinh. Ngoài ra, bà Jennifer Yuriko Patton Inukai, Giám đốc Thu mua khu vực châu Á, Tập đoàn Coppel, đưa ra vấn đề định vị Dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới. Còn ông Akiyama Naoki, Giám đốc Vận hành và Giám đốc Tài chính Uniqlo Việt Nam, chia sẻ về ngành hàng thể thao Việt Nam vượt qua rào cản tại thị trường EU…
Có thể nói việc chia sẻ những vấn đề thiết thực như vậy là rất hữu ích cho DN Việt trước bước đường chinh phục các nhà thu mua quốc tế. Đặc biệt, như chia sẻ của ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế của năm nay diễn ra trong bối cảnh thương mại và xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ.
Như số liệu của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm tháng đầu năm 2024 đạt 305,53 tỷ USD, tăng cao ở mức 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch XK một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 61,2%; cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 34,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 33,4%; chất dẻo nguyên liệu tăng 31,2%; rau, quả tăng 28,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%; chè tăng 20,1%. Kết quả này cho thấy nhu cầu tiêu dùng của thế giới đang dần phục hồi, thúc đẩy sản xuất trong nước thời gian tới.
Khi các nhà phân phối, thu mua quốc tế đến Việt Nam, theo ông Linh, điều quan trọng là cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi để họ gặp gỡ và làm việc trực tiếp với nhà cung ứng chuyên nghiệp, các DN xuất khẩu uy tín của Việt Nam. Để qua đó nhằm trao đổi về cơ hội hợp tác, kinh doanh, khám phá tiềm năng cung ứng những sản phẩm mới, chất lượng cao và có tính cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng và đa dạng hóa nguồn hàng thu mua.
Luôn ở tâm thế sẵn sàng nắm bắt cơ hội
Còn đứng ở góc độ của một nhà thu mua lớn của Nhật Bản, ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, lưu ý tuy các DN Việt sản xuất kinh doanh trong nước rất tốt, nhưng XK thì có nhiều thách thức. Bởi vì mỗi quốc gia có quy định khác nhau về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Cho nên để đáp ứng được các tiêu chuẩn của mỗi nước, thì các DN cần nhiều thời gian, chi phí.
Trong khi đó, như chia sẻ từ đại diện thu mua của Tập đoàn Falabella (hiện là hãng bán lẻ lớn nhất tại khu vực Mỹ La tinh), điều mà họ cần là sự năng động từ các phiên giao thương kết nối giữa nhà mua hàng và các DN cung ứng Việt. Năm nay, tập đoàn này đặt kỳ vọng mở rộng thu mua ở Việt Nam sang các lĩnh vực từ dệt may, da giày, đồ thể thao đến đồ điện gia dụng, đồ dùng gia đình.
Riêng với tập đoàn Walmart của Hoa Kỳ với hàng loạt các siêu thị tại khu vực Mỹ La tinh, cho biết sẽ tập trung thu mua ở Việt Nam với nhóm hàng dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh…để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực này.
Thực tế cho thấy các tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ La tinh phần lớn không quá khắt khe, phù hợp với nhiều chủng loại hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Quan trọng là mức độ năng động của các DN Việt như thế nào để có thể “ghi điểm” khi tiếp xúc với các nhà phân phối quốc tế.
Về việc này, qua trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới của Tập đoàn Walmart (Mỹ) tại Việt Nam, tỏ ra băn khoăn về mức độ chuyên nghiệp của các DN Việt và họ cần nhiều việc phải làm để khắc phục các mặt yếu của mình.
Riêng về vấn đề đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường XK cũng là việc mà các DN Việt cần lưu tâm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ nhà thu mua quốc tế.
Chẳng hạn như tại buổi kết nối các DN nhập khẩu đầu mối của Israel với các đối tác Việt Nam diễn ra tại thành phố Tel Aviv (Israel) hôm 4/6, các DN nhập khẩu Israel có lưu ý sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất và nhà cung cấp của Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về chứng nhận Kosher để phù hợp với tập quán tiêu dùng tôn giáo của người Do Thái. Song song đó, hàng Việt khi XK vào thị trường Israel phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của EU và Hoa Kỳ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không những vậy, các nhà thu mua hàng đầu của Israel có ra điều kiện đối với các sản phẩm lương thực thực phẩm của Việt Nam khi nhập khẩu vào nước của họ. Đó là cần được chế biến thành phẩm và đóng gói trong các bao bì thuận tiện phù hợp (ví dụ như gạo đóng gói theo từng bao loại 2 hoặc 5 hoặc 20kg) để nhập khẩu đưa vào chuỗi các cửa hàng bán lẻ và siêu thị phục vụ cho người tiêu dùng tại Israel có thể mua về sử dụng được ngay (kể cả phải dùng cho việc chế biến nấu nướng).
Nói chung, khi các nhà phân phối, thu mua hàng đầu trên thế giới ngày càng quan tâm nhiều đến các nhà cung ứng của Việt Nam thì điều quan trọng là các DN Việt cần phải nắm bắt được những cơ hội này, luôn ở tâm thế sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu được đặt ra. Có như vậy sẽ góp phần tạo ra bệ phóng để đưa hàng Việt tiến xa hơn trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.
Thế Vinh