Nói về việc chọn Việt Nam là điểm đến tìm nguồn cung ứng, ông Herman Xu, Tổng giám đốc Phụ trách Chất lượng, Tập đoàn Miniso (một thương hiệu chuỗi cửa hàng bách hóa hàng đầu của Trung Quốc), cho biết quyết định chiến lược này được đưa ra dựa trên một số yếu tố then chốt.
Lợi thế của chuỗi cung ứng Việt
Theo đó, sự khác biệt về thuế quan đóng vai trò quan trọng. Việt Nam được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của tập đoàn phân phối này khi thâm nhập các thị trường mục tiêu.
Đại diện một nhà phân phối lớn ở châu Âu quan tâm đến nguồn cung nông sản của Việt Nam. |
Hơn nữa, trong bối cảnh rủi ro chính trị toàn cầu như hiện nay, môi trường chính trị tại Việt Nam tương đối ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn cung sản phẩm ổn định cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Song song đó, theo ông Herman Xu, yếu tố then chốt còn nằm ở lợi thế trong chuỗi cung ứng của Việt Nam. Đó là lợi thế về thị trường, lợi thế về địa lý, lợi thế quốc gia, lợi thế sản phẩm.
Chia sẻ tại Diễn đàn Xuất khẩu 2024 với chủ đề ““Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 6/6, vị phó tổng giám đốc của Miniso đã cam kết không chỉ cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng toàn cầu mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của các ngành thông qua hợp tác với chuỗi cung ứng của Việt Nam.
“Chắc chắn, chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức về cạnh tranh với chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lực sản phẩm, đảm bảo chất lượng, năng lực cung ứng, năng lực dịch vụ thương mại. Hướng tới sự phát triển lâu dài, chúng tôi luôn đồng hành phát triển với các đối tác của mình, sẽ hợp tác với chuỗi cung ứng của Việt Nam để vượt qua những thách thức này”, ông Herman Xu nhấn mạnh.
Còn theo chia sẻ của bà Jennifer Yuriko Patton Inukai, Giám đốc Thu mua khu vực châu Á, Tập đoàn Coppel (nhà bán lẻ hàng đầu của Mexico), dự kiến tập đoàn sẽ mở rộng hoạt động ở châu Á bằng cách tìm hiểu thêm về nguồn cung ứng của Việt Nam cũng như những tiềm năng to lớn tại đây.
“Động thái chiến lược này khẳng định tâm huyết cho khu vực và sự nhiệt tình của chúng tôi trong việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển mới tại thị trường năng động như Việt Nam”, bà Inukai nói.
Chính vì vậy, vị giám đốc thu mua khu vực châu Á của Coppel bày tỏ điều mong muốn là được gặp gỡ các nhà cung cấp của Việt Nam nhằm xây dựng những mối quan hệ đối tác mới và đặt nền tảng cho hoạt động hợp tác lâu dài. Và điều hy vọng là các nhà cung cấp Việt hãy tận dụng cơ hội này để hợp tác và cùng nhau phát triển.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Coppel đang đặc biệt quan tâm đến các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam như quần áo thời trang, giày dép, phụ kiện công nghệ, đồ nội thất gia dụng để đa dạng hóa nguồn cung ứng cho hơn 1.600 chi nhánh tại Mexico và 27 cửa hàng tại Argentina.
Tận dụng cơ hội như thế nào?
Không riêng gì tập đoàn phân phối nêu trên, các đại siêu thị hàng đầu tại khu vực Nam Mỹ cũng đang ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam để tìm kiếm các nhà cung ứng. Chẳng hạn như Falabella (hiện là hãng bán lẻ lớn nhất tại khu vực Nam Mỹ với hệ thống 577 cửa hàng và trung tâm thương mại) đang đặt kỳ vọng mở rộng thu mua ở Việt Nam sang các lĩnh vực từ dệt may, da giày, đồ thể thao đến đồ điện gia dụng, đồ dùng gia đình.
Hoặc như Tập đoàn Latiquim C.A (là “ông lớn” có thị phần áp đảo tại thị trường Venezuela trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm hóa chất phục vụ cho công nghiệp thực phẩm và đồ uống) mong muốn tìm kiếm đối tác bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất axit sulfonic và axit photphoric.
Giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ các nhà phân phối lớn của Nam Mỹ chú tâm đến nguồn cung ứng Việt Nam là vì các tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu vào thị trường này phần lớn không quá khắt khe, phù hợp với nhiều chủng loại hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Hơn nữa, các nhà cung ứng của Việt Nam lại có thế mạnh trong các lĩnh vực mà thị trường Nam Mỹ cần như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…
Riêng với góc độ của một nhà phân phối hàng đầu ở khu vực Bắc Mỹ, ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam, khẳng định Việt Nam hiện đang là thị trường cung ứng quan trọng của Walmart và vai trò này sẽ tiếp tục được nâng cao trong tương lai.
“Chúng tôi đánh giá cao những hỗ trợ của người dân, người lao động, doanh nghiệp (DN) cũng như nguồn lực của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu đối với các sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm và liên tục trên toàn cầu”, vị tổng giám đốc này nói.
Có thể thấy những chia sẻ, động thái có tính tích cực từ các nhà phân phối lớn trên toàn cầu đối với nguồn cung ứng của Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Điều này được hy vọng sẽ là động lực, là cơ hội để các DN Việt tận dụng, khai thác tốt hơn khi tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.
Tuy nhiên, để thành công trên bước đường trở thành mắt xích cung ứng quan trọng của những nhà phân phối quốc tế thì các DN Việt cũng cần chú ý nhiều hơn đến mặt hạn chế của mình để khắc phục và phát huy tốt các lợi thế vốn có.
Chẳng hạn như việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà phân phối lớn ở Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận thấy các DN Việt còn nhiều yếu tố mà họ cần lưu tâm. Đơn cử như bảo vệ thương hiệu sản phẩm, nổi bật về giá cả, chất lượng và các vấn đề pháp lý khi tham gia cùng các nhà phân phối tại thị trường này.
Ngoài ra, như lưu ý của ông Lý Tứ Xuyên, đại diện Vinamit tại Trung Quốc, các DN Việt cần chú trọng đến chiến lược hợp tác. Nhất là cần tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà phân phối địa phương của Trung Quốc để cùng phát triển thị trường, thiết lập các kênh bán hàng và hệ thống chuỗi cung ứng ổn định.
Nói một cách công bằng, một khi các nhà phân phối lớn trên toàn cầu ngày càng chú tâm đến nguồn cung ứng hàng Việt thì các DN Việt cũng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để không phụ lòng tin của họ. Về phía các địa phương và cơ quan quản lý có liên quan sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh các cuộc kết nối giao thương giữa những kênh phân phối và thu mua hàng đầu thế giới với các DN trong nước.
Để giao thương hiệu quả với các tập đoàn phân phối lớn, lẽ đương nhiên các DN Việt cần đạt các chứng chỉ quốc tế, có sản phẩm chất lượng cao ở các ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh.
Thế Vinh