Ông Huỳnh Nguyễn Khang Duy, Giám đốc xuất nhập khẩu CTCP Thực phẩm Phạm Nghĩa (Cần Thơ) – chuyên sản xuất chế biến cá thác lác có giá trị cao, cho biết: Từ khi thành lập doanh nghiệp (DN) năm 2015 đến nay, sản phẩm cá thác lác chế biến của công ty đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước. Và đây là thời điểm cần xuất ngoại, đem mặt hàng của công ty giới thiệu đến mạng lưới bán lẻ ở nước ngoài.
"Tự đi" sẽ rất khó
"Mặt hàng cá thác lác này trên thế giới không nhiều nước sản xuất. Trong khu vực ASEAN có Việt Nam, Thái Lan và một số nơi của Indonesia làm. Nhưng loại cá thác lác của các nơi này cũng khác nhau. Việt Nam đang xuất khẩu (XK) ra nước ngoài đa phần là cá tra, ba sa fillet, nhưng loại này có giá trị không quá cao, trong khi cá thác lác thuộc loại cao cấp hơn…", ông Duy nói.
Khi "trình làng" tại một hội chợ thương mại quốc tế về thực phẩm gần đây ở Thái Lan, theo ông Duy, sản phẩm cá thác lác kim sa bên trong cá có nhân trứng vịt muối của công ty được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao.
"Tỷ phú Soofeen Hu (Hồng Kông) đánh giá cao sản phẩm này. Một số khách hàng ở Úc, Nhật, Thái Lan, Malaysia cũng muốn báo giá và tìm hiểu về sản phẩm", ông Duy hồ hởi chia sẻ thêm.
Cũng theo kỳ vọng của vị giám đốc này, sản phẩm cá thác lác rút xương, chả cá nguyên chất của công ty còn có thể vào được mạng lưới bán lẻ tại thị trường Thái Lan, Hồng Kông, Nhật Bản và cả Trung Đông.
Ông Huy cho biết: "Công ty CP (Thái Lan) muốn phân phối sản phẩm của chúng tôi tại thị trường Thái. Tôi nghĩ nếu muốn đưa sản phẩm mình đến thế giới hay khu vực rất cần những đối tác, bạn hàng mạnh, đủ uy tín, tiềm năng, chứ mình "tự đi" sẽ rất khó".
Nhân chuyện này, khi tiếp xúc với đại diện Tập đoàn CP Foods Thái Lan, nhiều DN thực phẩm Việt đã đặt câu hỏi tập đoàn bán lẻ này cần thêm những tiêu chí, tiêu chuẩn nào của sản phẩm để đưa những sản phẩm đó vào cửa hàng, vào hệ thống bán lẻ của CP Foods? Ông Norachai Ratanabanchuen, Trợ lý Phó Giám đốc Tập đoàn CP Foods, cho rằng những tiêu chí đó phụ thuộc một phần vào các nhà máy, vào những cơ sở sản xuất và tiêu chuẩn HACCP (một tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng giúp DN kiểm soát giới hạn các mối nguy trong thực phẩm).
Ngoài ra, theo ông Norachai, cũng cần có thêm những bằng chứng nhận như hệ thống ISO để đảm bảo rằng sản phẩm mà họ mua thực sự tốt cho người tiêu dùng.
Cần chính sách khuyến khích nhà bán lẻ ngoại phân phối hàng Việt |
Không ít việc phải làm
"Thực ra, hầu hết những nhà cung cấp Việt Nam đã có những sản phẩm tốt rồi, nên vấn đề chính là sự nhấn mạnh của sản phẩm mà thôi. Nếu giữ được chất lượng tốt nhất, tiêu chuẩn tốt, giá cả phải chăng thì các bạn có thể cạnh tranh với những nhà cung cấp của Thái Lan", ông Norachai chia sẻ thêm.
Cuối tuần qua, trong buổi gặp mặt giữa các tân Đại sứ, Tổng lãnh sự với giới DN tại Tp.HCM, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp.HCM (ITPC), cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối hàng Việt vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài.
Để thúc đẩy hàng Việt tham gia vào hệ thống của các tập đoàn bán lẻ quốc tế, theo ông Hòa, thời gian qua, ITPC đã ký kết hợp tác với Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản), Emart (Hàn Quốc) và giới thiệu hàng trăm DN đưa hàng hóa với giá trị ước tính vài trăm triệu USD vào hệ thống siêu thị của các tập đoàn này tại Tp.HCM và nước ngoài.
"Điều đó có ý nghĩa lớn, vì đó được xem như giấy thông hành để DN Việt Nam nói chung và DN ở Tp.HCM nói riêng đưa hàng hóa trải rộng theo mạng lưới bán lẻ của các tập đoàn này trên thế giới", ông Hòa bày tỏ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ tại Thái Lan hay Nhật Bản, Hàn Quốc, vì đòi hỏi cần phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu từ các nhà phân phối.
Vì vậy, theo ông Hòa, rất cần sự hỗ trợ của các tân Đại sứ, Tổng lãnh sự tại các nước nhằm hỗ trợ DN XK Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng, nhất là hỗ trợ ITPC tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư thực sự mang lại hiệu quả cho DN.
Được biết, trong Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa XK của Việt Nam được XK trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Để làm được điều đó đòi hỏi cần tăng cường hoạt động của các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ các DN tìm hiểu, kết nối và XK trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
Hơn nữa, rất cần có chính sách khuyến khích các tập đoàn phân phối nước ngoài hiện diện tại Việt Nam hợp tác đưa hàng hóa XK của Việt Nam, nhất là hàng Việt có thương hiệu, vào hệ thống phân phối của họ tại các nước.
Thế Vinh