Nắm bắt được nhu cầu thị trường thực phẩm hiện nay, nhất là thực phẩm sạch an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP ngày càng tăng, HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến (Đồng Rui, Tiên Yên, Quảng Ninh) đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ thành viên.
Liên kết đầu vào và đầu ra
Qua gần 3 năm xây dựng và phát triển, HTX đã hình thành được chuỗi giá trị cung cấp ra thị trường. Đến nay, sản phẩm của HTX vào được nhiều hệ thống siêu thị lớn trên cả nước. Trung bình mỗi năm, sản lượng trứng vịt biển HTX tiêu thụ được là 2.500.000 quả, doanh thu trung bình đạt từ 4-5 tỷ đồng/năm. HTX không chỉ lo tốt thu nhập cho thành viên mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân trong xã.
Đại diện HTX cho biết, để thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm, Ban quản trị HTX xác định sản xuất là khâu quan trọng nhất, mọi chiến lược phát triển thương hiệu có thành bại đều bắt đầu từ đây.
![]() |
Liên kết, hợp tác sẽ giúp nông sản Việt đi xa. |
Tuy nhiên, dù nỗ lực, cố gắng, HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến cho hay, việc liên doanh, liên kết trong sản xuất chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Để HTX phát huy được vai trò là người liên kết trong sản xuất chăn nuôi đòi hỏi có sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp (DN), HTX và người dân.
Không chỉ HTX gặp khó khăn trong việc giải bài toán liên kết, mà nhiều DN nhỏ cũng vậy. Đơn cử, sản phẩm nước mắm lú lâu năm của Công ty TNHH hải sản Phan Thiết đạt công nhận OCOP 4 sao, nhưng Giám đốc Nguyễn Quang Chiến cho biết, để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước thông qua hệ thống siêu thị hiện đại còn rất khó khăn.
Một trong những lý do được ông Chiến đưa ra là sản lượng của sản phẩm chưa lớn, năng lực một năm chỉ sản xuất được 1 container - tương ứng với 30-40 ngàn lít nước mắm. Trong khi đó, để đưa sản phẩm vào siêu thị thì không đáp ứng được dòng tiền, nguồn vốn do công nợ dài ngày, yêu cầu chiết khấu cao...
“Thông thường, nhiều siêu thị yêu cầu các chương trình như sinh nhật, ngày lễ… thì nhà sản xuất đều có chương trình khuyến mãi, tính ra chi phí này chiếm 30 - 40% giá thành của sản phẩm”, ông Chiến chia sẻ.
Theo đó, Công ty Hải sản Phan Thiết đang chọn cách tiếp cận với người tiêu dùng trong nước thông qua kênh online hoặc phân phối, quảng bá hình ảnh qua các hội chợ xúc tiến thương mại.
Không ai thành công nếu không biết hợp tác
Thống kê cho thấy đến hết năm 2021, cả nước có 6.925 chuỗi liên kết nông nghiệp, là con số còn khiêm tốn so với thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay. Theo ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam, mặc dù đã bước vào kỷ nguyên chăn nuôi công nghệ 4.0, tuy nhiên thực trạng ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam vẫn chủ yếu là theo hộ gia đình, trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Cuộc khủng hoảng giá heo năm 2017 và đầu năm 2018 là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bấp bênh đầu ra của người chăn nuôi.
Theo đó, De Heus nhấn mạnh hình thức liên kết chăn nuôi heo theo chuỗi giá trị giúp các thành phần tham gia chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo cho việc điều tiết cung cầu thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là giải pháp phù hợp với xu thế và định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp), cho hay mới đây 3 tấn xoài Cát Chu Cao Lãnh do HTX sản xuất và kết hợp cùng một DN trong tỉnh xuất sang thị trường châu Âu. Mức giá xuất khẩu xoài là 11-13 EURO/kg, còn mức giá bán xoài tại các siêu thị châu Âu là 18 EURO/kg. Qua lần liên kết xuất khẩu này, HTX tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm đặc trưng của địa phương, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Và đây cũng là định hướng của HTX ngay từ khi thành lập.
Để xuất khẩu được sang châu Âu, HTX Tịnh Thới đã phải thay đổi mô hình sản xuất đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết DN để sản xuất theo chuỗi. HTX cũng xúc tiến, tìm kiếm thị trường để giải quyết đầu ra cho trái xoài.
Để tiếp tục hỗ trợ các thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ, thời gian tới, HTX Tịnh Thới sẽ phối hợp với UBND xã xây dựng thêm nhà sơ chế, đóng gói và trụ sở HTX tạo thuận tiện trong việc liên kết tiêu thụ. Đồng thời, xúc tiến quảng bá hình ảnh HTX và sản phẩm HTX thông qua website của đơn vị; trồng xoài hướng hữu cơ, phối hợp với ngành chức năng thực hiện cấp mã vùng trồng xoài 174ha và chuẩn bị cấp mã số cơ sở đóng gói để tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ. Tiếp tục thỏa thuận ký hợp đồng liên kết tiêu thụ xoài với nhiều DN trên địa bàn.
Từng nhấn mạnh nhiều lần từ "hợp tác", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ khi được Trung ương điều ra Hà Nội đảm nhiệm cương vị mới ở ngành nông nghiệp, ông đã đem theo 6 chữ, giờ nằm trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đó là: "hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh". Sỡ dĩ chữ hợp tác được xếp ở trên vì "sống ở trên đời, không ai thành công nếu không biết hợp tác".
"Nếu không hiểu người nông dân đang nghĩ gì, cần gì thì nông nghiệp của chúng ta cứ chập chờn như vậy", ông Hoan nói chia sẻ, vừa qua khi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, ông đều ra thăm cánh đồng của các HTX và trăn trở một câu hỏi: Tại sao nông nghiệp của họ dù đất đai cằn cỗi hơn mình nhưng lại ở trình độ cao hơn; trái táo, xoài, lê bán được giá hơn chúng ta? Đó là nhờ họ làm tốt sự hợp tác, phát triển HTX".
Theo đó, ông Hoan lưu ý: "Chúng ta không phải đem tiền, máy móc xuống hỗ trợ HTX, mà đôi khi xuống ngồi cùng, chia sẻ với bà con cũng là cách hỗ trợ. Đây là sự sống còn của nền nông nghiệp".
Bà Trần Thị Phương Lan Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Hiện tại, các sản phẩm thiết yếu của Hà Nội sản xuất ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là mặt hàng rau củ quả, lương thực, thực phẩm, và các thực phẩm chế biến khác. Do đó, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tích cực triển khai việc kết nối các sản phẩm từ các địa phương về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất đó là phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các địa điểm này len lỏi trong các khu dân cư của người dân, các vùng nông thôn, từ đó giúp cho người dân toàn Thành phố thuận tiện trong mua sắm sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa về Thủ đô.
Bà Bùi Kim Thùy Cố vấn cao cấp Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ -ASEAN Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nói: “không thể nào có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp nếu như không có người nông dân chuyên nghiệp”. Nhiều ý kiến cho thấy nông dân Việt Nam thiếu 5 thứ đó là: khoa học công nghệ; vốn; con giống vật tư cây trồng tốt; kiến thức; thiếu tính liên kết. Nhưng đối với tôi, quan trọng nhất có lẽ người nông dân đang thiếu một thứ, đó là thiếu tính kết nối một cách chuyên nghiệp. Mọi sự thất bại hay thành công nửa vời là thiếu tính kết nối một cách chuyên nghiệp.
Bà Vũ Thị Hậu Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Để kết nối nông sản, sản phẩm OCOP với các hệ thống bán lẻ thì trước hết người sản xuất phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh sản phẩm đạt yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, người sản xuất giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc giỏi về kinh doanh - một lỗ hổng lớn mà nhà sản xuất cần phải cải thiện. Hơn nữa, việc sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng là rất cần thiết, nhưng việc tạo ra bao bì, tem nhãn thu hút người tiêu dùng cũng quan trọng không kém. Còn với băn khoăn về thời gian thanh toán thì vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được. |
Nhật Linh