Trong bối cảnh nhiều loại nông sản trên cả nước chưa tìm được đầu ra ổn định thì HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Vũ An (Thái Bình) đã tìm được hướng giải quyết thông qua việc ký kết hợp đồng với nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Nhờ vậy, nông dân và thành viên HTX sản xuất có tính định hướng theo nhu cầu thị trường, yên tâm đón nhận cây trồng mới.
Liên kết chưa bền vững
Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX Vũ An cho biết, việc liên kết với các doanh nghiệp khác nhau giúp HTX có thể trồng đa dạng các loại cây. Hợp đồng liên kết với doanh nghiệp còn tạo nên chu trình khép kín trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu.
Có thể thấy, khi tham gia chuỗi liên kết thông qua hợp đồng tiêu thụ, lợi ích của các bên sẽ được hài hòa hơn, hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn. Cụ thể là HTX, người nông dân có đầu ra ổn định, còn các doanh nghiệp, nhà máy chế biến có đủ nguyên liệu, ổn định được sản xuất và thị trường tiêu thụ nên có nhiều cơ hội đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Mang lại lợi ích thiết thực là vậy, nhưng theo Bộ NN&PTNT, mới có khoảng 15-20% nông sản của người dân, HTX được bán ra thị trường theo hình thức ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 18.327 HTX nông nghiệp và mới có khoảng 4.000 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Con số này tuy đã tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2019 nhưng thực tế mới chỉ chiếm 22% tổng số các HTX nông nghiệp hiện nay.
Hợp đồng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp cần có những quy định rõ ràng nhằm hạn chế sự tranh chấp không đáng có. |
Chia sẻ về vấn đề tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng còn hạn chế, ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Lan (Hà Nội) cho biết, do những rủi ro trong nông nghiệp, những quy định về vốn, đất đai chưa thuận lợi nên số lượng doanh nghiệp tham gia tiêu thụ rau an toàn cho người dân còn ít. Cụ thể là nếu tính lượng rau của HTX và bà con địa phương mỗi ngày lên đến vài chục tấn, nhưng bán cho doanh nghiệp qua hợp đồng chỉ chiếm trung bình 10-15%.
Không chỉ khiêm tốn về số lượng, hiện còn có tình trạng hợp đồng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp tuy được ký kết nhưng vẫn còn lỏng lẻo khiến tình trạng đứt gãy, vỡ hợp đồng xảy ra.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trang này đến từ cả hai phía. Về phía HTX, có trường hợp khi ký kết hợp đồng tiêu thụ tuy được công ty cung ứng giống, thức ăn, tư vấn kỹ thuật và cam kết thu mua sản phẩm đạt chất lượng,... nhưng thành viên HTX nếu chưa có kinh nghiệm thì khó có thể đạt được yêu cầu về chất lượng, số lượng sản phẩm đã ký kết trong hợp đồng.
Ngoài ra, HTX cần phải có vốn lớn để chủ động đầu tư các loại máy móc như máy phát điện dự phòng, nâng cấp cơ sở hạ tầng bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật,... Tuy nhiên, phần lớn các HTX còn có quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn nên việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, nhất là các HTX ở khu vực miền núi có tập quán sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu là làm theo kinh nghiệm...
Thế nhưng thực tế cho thấy, việc đứt gãy hợp đồng cũng không phải hoàn toàn do phía HTX. Có những doanh nghiệp đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, HTX hoặc hoạt động chưa bài bản nên chưa coi trọng mối liên kết với các mô hình kinh tế tập thể.
Chẳng hạn như HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (Đồng Nai) đã từng thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ bưởi VietGAP. Nhưng sau một thời gian, doanh nghiệp lặng lẽ rút lui, HTX cũng không thể liên lạc được với doanh nghiệp và cũng không biết đến đâu để giải quyết.
Cần sự thiện chí
Ts Võ Thị Kim Sa (Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2) cho biết việc phá vỡ hợp đồng ngoài do ý thức của từng bên thì còn có sự tác động từ yếu tố khách quan.
Bà Sa dẫn chứng, đã có trường hợp HTX và doanh nghiệp có hợp đồng, nhưng vào mùa thu hoạch lúa rộ, doanh nghiệp không kịp thu mua thì thành viên HTX bán cho thương lái. Theo lý giải của HTX, lúa và một số loại cây trồng chỉ có giá trị cao khi thu hoạch vào thời gian nhất định. Bên cạnh đó, thu hoạch đúng thời gian còn là cách bảo đảm sản xuất theo mùa vụ. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp lại cho rằng HTX vi phạm hợp đồng.
Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Ninh Hùng, chuyên gia HTX và phát triển sản phẩm OCOP đánh giá quy định pháp luật vẫn chưa phù hợp thực tiễn nên chưa bảo đảm được tính pháp lý của hợp đồng liên kết. Cụ thể là theo Khoản 4 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định chỉ khi các bên có thỏa thuận cụ thể thì mới được tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của bên còn lại như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Quy định như vậy là chưa hợp lý. TS Nguyễn Ninh Hùng nêu ví dụ: Giả sử HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất một loại cây trồng nhưng phía doanh nghiệp yêu cầu HTX phải sửng dụng phân bón của một nước mà doanh nghiệp quy định cụ thể, nếu không sử dụng loại phân bón này thì HTX sẽ bị phạt theo thỏa thuận. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, nước cần nhập phân bón đóng cửa biên giới, HTX không thể mua được phân bón theo hợp đồng...
“Rõ ràng, đây là tình thế oái ăm. Nếu HTX bị phạt theo hợp đồng này là chưa hợp lý, vì đây là nguyên nhân khách quan và HTX cũng hoàn toàn không hề biết trước nên cũng không thể đưa vào hợp đồng ký kết”, ông Hùng chỉ rõ.
Chính vì vậy, để bảo đảm quyền lợi và tính pháp lý cho hợp đồng liên kết, các chuyên gia cho rằng, luật cần có những quy định rõ ràng các trường hợp ngoại lệ và có các chủ thể có thẩm quyền để có thể giải quyết tranh chấp như: chính quyền địa phương, Tòa án hoặc Trọng tài thương mại…
Ngoài ra, cần có các biện pháp giải quyết khẩn cấp tạm thời khi xảy ra tranh chấp giữa các bên. Chẳng hạn như phía doanh nghiệp cố ý không thực hiện theo thỏa thuận để thu lợi riêng mà không quan tâm đến sự khó khăn của HTX, thì HTX có quyền yêu cầu cơ quan pháp luật giải quyết tranh chấp áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, căn cứ vào tình hình thực tế đang diễn ra.
Tuy nhiên, để giải quyết được các tranh chấp hoặc thực hiện được hợp đồng một cách hiệu quả, các chuyên gia cho rằng “tính thiện chí” là điều cần thiết. Bởi nếu không thiện chí, không hợp tác trên tinh thần hai bên cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro thì bên bị ảnh hưởng có yêu cầu thế nào đi chăng nữa, quá trình đàm phán cũng sẽ không thành công.
“Khi ký kết hợp đồng, HTX cần sự tham gia và có mặt của chính quyền địa phương nhằm tạo sự ràng buộc hoặc đối ứng để hạn chế tình trạng vi phạm hợp đồng thuận lợi hơn nếu chẳng may doanh nghiệp tự ý rút lui”, TS Võ Thị Kim Sa khuyến cáo.
Để dễ dàng cho quá trình thực hiện, TS Nguyễn Ninh Hùng cho rằng, cả HTX và doanh nghiệp nên định nghĩa rõ ràng về hoàn cảnh thay đổi cơ bản, ghi rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của các bên phải thực hiện khi xảy ra sự thay đổi trong từng hoàn cảnh đó. Đặc biệt, HTX nên xin sự tư vấn của các tổ chức, cơ quan luật để khi chẳng may xảy ra tranh chấp cũng sẽ giải quyết thuận lợi hơn.
Huyền Trang