Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi sản xuất, tiêu thụ bị đứt gãy, HTX thương mại, dịch vụ và chế biến nông sản Ninh Bình (HTX Ninh Bình CO.OP) được xúc tiến thành lập. Với một nền tảng vững vàng, HTX được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những “ngòi nổ” trong tiêu thụ nông sản trên vùng đất Cố Đô.
Lễ cắt băng khai trương cửa hàng tiêu thụ nông sản của HTX Ninh Bình CO.OP ngày 31/12/2021. |
Kỳ vọng một “đầu kéo”
Chia sẻ tại buổi lễ khai trương cửa hàng tiêu thụ nông sản của HTX Ninh Bình CO.OP ngày 31/12/2021, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định thị trường là vấn đề sống còn của mọi ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trong đó có nông nghiệp.
“Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, vấn đề tiêu thụ lại càng trở nên cần thiết. Tình trạng ùn ứ hàng nghìn container nông sản tại cửa khẩu những ngày qua cho thấy việc tự chủ tiêu thụ tại thị trường trong nước là vô cùng quan trọng. Vì vậy, sự ra đời của HTX Ninh Bình CO.OP có ý nghĩa rất lớn”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh khẳng định tầm quan trọng của các HTX thương mại, dịch vụ và chế biến trong việc cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. |
Dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 3 tháng nhưng Ninh Bình CO.OP nhận được nhiều kỳ vọng, bởi đây là một trong những đơn vị điển hình được thành lập nằm trong chiến lược cân bằng giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong khối các HTX trên địa bàn toàn tỉnh của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình.
Đến nay, HTX đang hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị, với 20 thành viên chính thức và hơn 50 thành viên liên kết là các HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thương mại. Tổng vốn điều lệ của HTX là 3 tỷ đồng, tập trung vào các mảng chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với hệ thống cửa hàng buôn bán truyền thống tại chỗ, HTX đang ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử. Công nghệ thông tin cũng được HTX triển khai trên toàn bộ hệ thống các thành viên liên kết nhằm giám sát quá trình sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Có nền tảng vững chắc, nhận được nhiều sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, để phát triển bền vững, Ninh Bình CO.OP cần đảm bảo 4 yếu tố then chốt.
Thứ nhất là hoạt động theo hướng đa giá trị, lấy lợi ích cộng đồng và thành viên làm trọng. Bởi, thành viên là tế bào của HTX, HTX muốn vững vàng thì tế bào phải khỏe mạnh. Mặt khác, không một đơn vị sản xuất, kinh doanh nào có thể hoạt động tốt nếu không có sự ủng hộ của cộng đồng.
Thứ hai là chú trọng xây dựng thương hiệu, không chỉ dừng lại ở thị trường trong tỉnh mà cần hướng tới các tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu.
Thứ ba là giữ chữ tín, phải nhất quán đảm bảo chất lượng hàng hóa để có được niềm tin của khách hàng, đối tác. Cuối cùng là phát triển công nghệ trong chế biến và tiếp cận thị trường, đồng thời mở rộng liên kết để gia tăng sức cạnh tranh.
Hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro là chìa khóa thành công bền vững của các HTX trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều tổn thương. |
“Chìa khóa của sự phát triển bền vững là hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây không chỉ là bài học dành riêng cho HTX Ninh Bình CO.OP, mà là vấn đề chung cho cả cộng đồng HTX, doanh nghiệp trên cả nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho hay.
Ứng dụng chuyển đổi số
Thực tế, vấn đề cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ đã được các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chú trọng trong vài năm qua. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình Lê Thị Tâm cho biết đến nay, toàn tỉnh có 215 HTX dịch vụ nông nghiệp và 114 HTX chuyên ngành nông nghiệp (HTX ngành hàng với chỉ một hoặc hai mặt hàng thế mạnh).
Để giúp các HTX nắm được những vấn đề cơ bản khi tham gia thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX, giúp các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững.
Đơn cử, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt (xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp) đang nuôi tảo xoắn Spirulina với diện tích 1.000m2 ở 40 bể nuôi. Hàng tháng HTX thu về gần 800kg tảo tươi.
Để đảm bảo thị trường, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Đặc biệt, thông qua internet, HTX đã tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu, đảm bảo không có hàng tồn kho.
Chuyển đổi số là một trong những yếu tố được các HTX ở Ninh Bình chú trọng nhằm đa dạng thị trường tiêu thụ. |
Dù đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, thực tế tại nhiều HTX nông nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai. Nguyên nhân do đa số thành viên HTX nông nghiệp xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên các HTX với hình thức "cầm tay chỉ việc". Xây dựng các điển hình nhằm tạo sức lan tỏa trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, các HTX cũng cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, tăng khả năng kết nối thì mới có thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ liên quan.
Hưng Nguyên