Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, trong tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Úc qua kiểm soát và xác định những lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào nước này phát hiện một trường hợp vi phạm trong lô hàng từ Việt Nam.
Theo đó, khi kiểm tra hoá chất, chất gây ô nhiễm và độc tố toxin với các sản phẩm thực phẩm nhập thấy trong lô hàng từ Việt Nam có chứa chất cấm là Aflatoxin trong sản phẩm đậu phộng rang muối.
Vướng "cửa ải" kiểm tra khắt khe
Với lô hàng vi phạm này, theo quy tắc sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.
Có thể thấy các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… ở thị trường Úc rất chặt chẽ và việc kiểm soát lượng hàng hoá nhập từ Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Theo chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Thị Phương Nga, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), thách thức lớn với các loại nông sản thực phẩm Việt khi xuất khẩu (XK) vào thị trường Úc chính là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng như vấn đề kiểm dịch khá khắt khe so với những thị trường khác.
Bà Nga nhấn mạnh nếu hàng hoá Việt Nam vào được thị trường Úc thì xem như có thể vào được thị trường Mỹ hay EU. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay mà các doanh nghiệp (DN) Việt thường gặp phải khi XK vào thị trường này chính là việc khó tiếp cận hệ thống kênh phân phối. Điều quan trọng là các DN Việt cần tìm đúng đối tác để đưa sản phẩm của mình vào khi mà các nhà nhập khẩu ở Úc rất chuyên môn hoá.
Mặt khác, Thương vụ Việt Nam tại Úc nhận định kim ngạch XK từ Việt Nam sang Úc đang bị suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh thương mại quốc tế chịu nhiều tác động khó lường và nền kinh tế Úc đang đối diện với nhiều thách thức.
Thương vụ hiện đang phối hợp, trao đổi với các hiệp hội, DN tại Úc và Việt Nam để bàn các giải pháp thúc đẩy XK từ Việt Nam sang Úc trong năm nay và các năm tiếp theo. Thương vụ đặc biệt khuyến khích các DN có ý định XK các mặt hàng mới, có tiềm năng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, XK của Việt Nam sang Úc (không kể dầu thô) chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt gần 1,33 tỷ USD, tăng đến 37%.
Nhà nhập khẩu Úc quan tâm đến độ sạch của rau quả Việt |
Cần chiến lược dài hơi
Một số mặt hàng từ Việt Nam xuất sang Úc đã giảm đáng kể như cà phê (giảm 13%); hạt tiêu (giảm 26%), gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 12%), sản phẩm từ sắt thép (giảm 13%), sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (giảm 15%), túi xách, ví, vali, mũ, ô (giảm 36%), nguyên phụ liệu dệt may, da giày (giảm 13%)…
Việc XK rau quả và thuỷ sản vào thị trường Úc hiện nay được cho là mang lại nhiều cơ hội mới cho các DN Việt. Tuy nhiên, để gia tăng kim ngạch XK các mặt hàng này (vốn dĩ còn khiêm tốn) không phải là điều dễ dàng trước vấn đề về kiểm dịch.
Gợi ý cho một số sản phẩm thuỷ sản Việt vào thị trường Úc, ông Norman Grant, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu thuỷ sản của Úc, cho rằng để bắt đầu quá trình quảng bá, điều đầu tiên là các DN Việt cần tìm hiểu xem liệu sản phẩm của mình có phù hợp với thị trường Úc hay không.
"Nếu xác định sản phẩm của mình phù hợp thì nên xem lại nền tảng của DN mình tại Việt Nam, nhất là vấn đề môi trường. DN cần xem môi trường đó có chứa đựng loại chất nào có thể gây ra vấn đề sau này hay không, nhất là hoá chất, kháng sinh, thuốc trừ sâu, kim loại nặng…", ông Norman Grant lưu ý.
Theo ông Norman Grant, phía Úc luôn kiểm dịch các loại cá khi cập bến biên giới Úc, vì vậy các DN XK thuỷ sản của Việt Nam phải nắm được rằng liệu môi trường để nuôi loài cá XK có sạch hay không và nên có những chứng nhận về vấn đề này.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng Úc đặt ra tiêu chuẩn chất lượng rất cao và các tiêu chuẩn này được hỗ trợ bởi một loạt các quy định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang. Vì vậy, các nhà nhập khẩu và các nhà bán lẻ tuân thủ các quy định này và sẽ không chấp nhận các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng.
Chuyên gia Nguyễn Thị Phương Nga nhấn mạnh yếu tố nội tại của các DN Việt là điều quan trọng khi XK. Năng lực sản xuất của DN ở trong nước có thể rất tốt, nhưng khi XK thì lại chưa thể đáp ứng được. Trong khi việc cấp phép kiểm dịch ở trong nước vẫn còn rất hạn chế, dưới góc độ của DN sẽ tốn rất nhiều chi phí cho việc kiểm dịch và so với tiêu chuẩn quốc tế thì lại không đạt được.
Giải pháp đặt ra khi muốn XK sang một thị trường khắt khe như Úc, theo bà Nga, DN nên có chiến lược dài hơi, phải hiểu thị trường này có các yêu cầu gì, quy định gì, quy trình nhập khẩu như thế nào để có thể đáp ứng tốt hơn.
Thế Vinh