Bà Trần Yến Phương, giám đốc một công ty may mặc ở Tp.HCM, cho biết công ty có khoảng gần 1.000 công nhân đang làm việc nhưng trong tháng 3 này đã phải cho nghỉ việc vài trăm công nhân may vì hàng hoá không xuất đi được từ sau Tết Nguyên đán.
Thụ động với giải pháp
Trong khi hàng hoá không xuất đi được, nguồn thu không có, hàng ngày công ty vẫn phải xoay sở trả chi phí thuê nhà xưởng và kho hàng, cùng một số chi phí khác.
Các DN Việt cần giữ “mức độ an toàn” giữa mùa dịch Covid-19 |
Còn theo ông Nguyễn Hữu Hưng, chủ một công ty dịch vụ vận tải ở Bình Dương chuyên đưa đón học sinh đi học, cho biết 20 xe đưa đón đang phải nằm bãi từ lúc học sinh nghỉ Tết, rồi nghỉ học vì dịch bệnh cho đến nay. Dù không có nguồn thu vì xe “đắp chiếu”, công ty vẫn phải đều đặn chi trả các chi phí từ lương cho nhân viên, đến tiền thuê bến bãi, chi phí khấu hao...
Tại Đồng Nai, số liệu của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh cho thấy trong 2 tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, kim ngạch xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp bị sụt giảm.
Ảnh hưởng nặng nề nhất là những DN thuộc các nhóm ngành dệt may, da giày, điện tử, xe có động cơ, sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) sử dụng nguyên liệu từ nhà cung ứng/công ty mẹ tại Trung Quốc hoặc xuất khẩu sản phẩm cho công ty tại Trung Quốc.
Kết quả khảo sát từ một tổ chức nghiên cứu kinh tế cho thấy do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng…, nên 74% DN cho biết họ sẽ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài đến nửa năm.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh về “sức khoẻ” của các DN nội địa giữa mùa dịch Covid như hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng thời điểm này vừa là phép thử vừa là thách thức lớn với các DN Việt trong cuộc khủng hoảng có tính toàn diện và hoàn toàn khác với những cuộc khủng hoảng trước đây mà DN từng gặp phải.
Trước kia, có những cuộc khủng hoảng mà DN có thể dự báo, lường trước rủi ro và chuẩn bị sẵn nguồn lực vật chất để khống chế. Điều này giúp không ít DN vẫn phát triển tích cực ngay cả khi khủng hoảng xảy ra vì đã có giải pháp, có kịch bản để đối phó. Còn với đại dịch như Covid-19, hầu như các DN đều hoàn toàn thụ động về mặt giải pháp.
Theo ông Dũng, nhìn vào tình hình khó khăn của các DN Việt giữa mùa dịch này có thể thấy điểm yếu cơ bản khi mà DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm đại đa số. Ý thức và tính kỷ luật của họ còn thấp, khi có khủng hoảng, khó khăn thì rất chậm trong việc ứng phó và dường như không có giải pháp thay thế.
Giải bài toán chi phí
“Nhiều DN nội đang yếu về mặt nhận thức, nguồn lực tài chính, hạ tầng nội tại của DN và nhiều vấn đề khác liên quan đến năng lực cạnh tranh”, ông Dũng nói rõ.
Quan sát tình hình của các DN Việt hiện nay sẽ thấy nhiều DN đang gặp bế tắc trong đường lối chiến lược giữa khủng hoảng dịch Covid-19, nhất là những DN vốn quen lấy ngắn nuôi dài, đoản kỳ (tức dựa vào những hợp đồng ngắn hạn).
Cho nên, khi những hợp đồng ngắn hạn bị cắt do tác động từ thị trường vì ảnh hưởng của dịch bệnh, những mục tiêu dài hạn của DN cũng đổ vỡ theo trong bối cảnh mà tư duy của các chủ DN đang có sự bối rối thụ động.
Liên quan đến nguồn lực tài chính của DN nội hiện nay, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng trong khi nhiều DN không có nguồn thu đáng kể trong mùa dịch thì họ lại bị âm về các khoản mặt bằng, chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động và các chi phí gián tiếp tối thiểu vẫn phải duy trì.
Điều này có thể thấy rõ ở “ngành du lịch và những DN hỗ trợ cho du lịch như bất động sản nghỉ dưỡng, lĩnh vực nhà hàng quán ăn, dịch vụ ăn uống (F&B) hoặc ngành giải trí... đang bị thất thu và “thất thủ” trước dịch Covid-19. Bên cạnh đó, còn có những DN trong nhiều ngành nghề đang đứng trước cuộc khủng hoảng thừa sản phẩm đã lỡ sản xuất nhưng thiếu người mua.
Với kinh nghiệm đã từng vượt qua không ít cuộc khủng hoảng, chia sẻ với giới DN ở Tp.HCM gần đây, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, có lời khuyên: DN không nên chỉ quan tâm đến vấn đề về lợi nhuận, mà phải tập trung đẩy mạnh doanh số, cân đối thu - chi. Đặc biệt là phải có cách thức quản trị tốt, hướng đến việc bảo tồn vốn, tạo ra nhiều chương trình khuyến mãi thu hút và tạo thói quen cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm.
Và thay vì quá hoang mang lo lắng trước giai đoạn tuột dốc này, các DN Việt nên “tuột” ở một mức độ an toàn để bảo toàn sức lực, rồi tạo đà vươn lên sau mùa dịch.
Vẫn còn quá sớm để “bắt mạch” đầy đủ tình hình khó khăn hiện tại của các DN nội, nhưng nhìn vào áp lực chi phí thì có thể thấy việc tụt dốc ở “mức độ an toàn” cho DN là cả một thách thức lớn.
Riêng vấn đề cắt giảm chi phí, giới chuyên gia khuyên các DN cần sớm rà soát lại các loại chi phí lớn và cắt giảm những gì có thể để tồn tại. Chẳng hạn chi phí thuê mặt bằng kinh doanh, văn phòng đòi hỏi DN phải đàm phán giảm giá ngay hoặc có thể chuyển sang làm việc và kinh doanh trực tuyến để cắt chi phí đắt đỏ giữa mùa dịch này.
Thế Vinh