Tại Hội thảo “Diễn đàn chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam 2019 – Hướng tới một hệ thống thuế công bằng” ngày 13/11, các chuyên gia ước tính giai đoạn 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam bằng 7% tổng thu ngân sách và luôn cao hơn số tiền mà ngân sách chi cho y tế…
Ưu đãi doanh nghiệp lớn
Theo tính toán của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Tổ chức Oxfam, con số ước tính chi tiêu thuế (các khoản ưu đãi thuế của chính phủ đối với một nhóm người nộp thuế và nằm ngoài mức thuế hoặc hệ thống thuế chuẩn) của thuế TNDN tăng mạnh vào năm 2016.
Chi tiêu thuế của thuế TNDN giai đoạn 2012 - 2016 bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, bằng 30% số thu thuế TNDN, bằng 5% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn chi ngân sách cho y tế.
Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao về Quản trị Oxfam tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam đã mất đi một nguồn lớn ngân sách có thể đầu tư cho lĩnh vực y tế, trong khi số tiền túi mà người dân bỏ ra để khám chữa bệnh chiếm 44,6% (năm 2016) tổng chi tiêu cho ngành y tế. Tức là gánh nặng chịu thuế đã chuyển từ các DN lớn sang cho người dân, thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế”.
Theo OECD, ưu đãi thuế cho các DN nước ngoài tại Việt Nam tương đương với khoản thất thu bằng 1% GDP, tương ứng với khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này có thể xây mới 25 bệnh viện, 1.000 giường bệnh.
Đặc biệt, các chuyên gia Oxfam chỉ ra rằng ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm DN có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến và chế tạo, có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu vực công nghiệp. Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20% thì thuế suất thực nộp của các DN nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%.
Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy ưu đãi thuế TNDN cho các DN nước ngoài ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khoá đáng kể và làm gia tăng hơn nữa khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.
“Nếu cắt giảm các ưu đãi thuế TNDN sẽ giúp gia tăng thu ngân sách 20% trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô”, bà Hương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bình luận về ý kiến này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), cho rằng ưu đãi thuế đem lại những hiệu quả lớn trong thu hút đầu tư: “Nếu 10-20 năm trước không có ưu đãi thuế thì có thu hút được những DN lớn vào Việt Nam hay không? Ví dụ Samsung hiện chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu, thu hút hàng trăm nghìn lao động, ưu đãi dành cho họ là thuế suất 10% trong 15 năm và kéo dài thêm 15 năm. Nếu không có những ưu đãi này thì liệu có những con số trên không, có Samsung không? Rõ ràng nếu so sánh 10% với 20% thì Samsung hưởng ưu đãi thuế nhiều quá, nhưng chúng ta không nên hiểu như vậy”.
Các DN nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi thuế trong thời gian qua |
Bịt chặt kẽ hở
Chia sẻ về công tác quản lý thuế, ông Phụng cho biết Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó yêu cầu phải rà soát ưu đãi thuế để minh bạch hóa, đơn giản hóa thuế. Đây là những việc mà cơ quan thuế đã và đang làm.
Ví dụ, trước đây, theo Luật Đầu tư nước ngoài thì chúng ta ưu đãi DN nước ngoài theo kiểu “nhịn miệng đãi khách”. DN trong nước nộp thuế TNDN 32%, nhưng DN nước ngoài nộp có 25%; miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm, chỉ DN nước ngoài được hưởng. Tuy nhiên, từ năm 2005 có Luật Đầu tư, ưu đãi thuế TNDN cho các DN trong và ngoài nước như nhau.
Đến năm 2008, hoàn toàn bãi bỏ nhiều ưu đãi, DN đầu tư nước ngoài và trong nước chung tiêu chí, chỉ ưu đãi theo ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. “Với Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014, ngành nghề ưu đãi còn rút bớt đi nữa mà chúng ta mở thêm ưu đãi cho DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, do 97% DN có quy mô vừa và nhỏ và đóng góp cho ngân sách khiêm tốn, nên ưu đãi rất lớn nhưng so với số thuế đóng góp của họ lại ít”, đại diện Tổng cục Thuế nói.
Đối với các hoạt động kinh tế chia sẻ, kinh tế số, ông Phụng cho rằng còn nhiều bất cập, trong đó phải đấu tranh giành quyền thu thuế đối với các công ty nước ngoài. Nhiều DN nước ngoài đang kiếm thu nhập từ Việt Nam mà không thực hiện nghĩa vụ thuế, do vậy phải rà soát lại các hiệp định thuế.
“Chẳng hạn, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Hà Lan và Việt Nam là hiệp định “hở” nhất trong tất cả các hiệp định. Hiện, “thiên đường thuế” đều ở Hà Lan, là cái “phễu” để các DN chuyển tiền vào “thiên đường thuế” và sau đó chuyển tiền về Việt Nam…”, ông Phụng nói.
Do đó, theo đại diện cơ quan quản lý thuế, Việt Nam cần nghiên cứu sửa các điều khoản của các hiệp định liên quan đến nhận diện cơ sở, bởi theo quy định hiện tại, Việt Nam chỉ có quyền đánh thuế đối với các công ty nước ngoài nếu họ có hiện diện cơ sở thường trú tại Việt Nam.
“Việt Nam có quy định về thuế nhà thầu nước ngoài, có quyền chặn thuế nhà thầu nước ngoài bằng cách khấu trừ tại nguồn. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia rất “khôn”, họ làm sẵn hợp đồng bắt buộc các DN, cá nhân phía Việt Nam phải ký”, đại diện Tổng cục Thuế nói.
Ông Phụng lấy ví dụ về các DN nước ngoài như Google, YouTube, Facebook... khi làm hợp đồng có quy định nếu hợp tác thì DN phải trả tiền nhưng số tiền này không bao gồm các loại thuế phải nộp tại Việt Nam. Trong khi đó, đa phần người Việt có kiến thức về thuế còn hạn chế, ngoại ngữ kém nên không hiểu hoặc biết ngoại ngữ những không hiểu đúng. Do vậy, về mặt hình thức thì thuế đó đánh vào DN nước ngoài nhưng thực tế DN Việt Nam lại phải chịu.
“Vừa qua, Luật Quản lý thuế sửa đổi có quy định yêu cầu các công ty nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam phải trực tiếp hoặc ủy nhiệm cho người khác khai thuế. Hiện, Tổng cục Thuế cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai và làm chặt vấn đề này”, ông Phụng cho biết.
Thanh Hoa
Ông Jonhan Langerock - Chuyên gia về thuế, Tổ chức Oxfam Tại Việt Nam, việc thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống là một xu hướng đáng lo ngại, đồng nghĩa với việc hệ thống thuế hiện tại đang thất bại trong việc nắm bắt và phân phối lại thu nhập và tài sản của quốc gia. Nguyên nhân chính là do Việt Nam tập trung vào giảm thuế suất TNDN và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế (nguồn thu mất đi do ưu đãi) vẫn duy trì ở mức cao. Do đó, Oxfam tin rằng Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia. Ts. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR Mặc dù đã có nhiều cải cách tích cực, thực trạng hệ thống thuế hiện nay của Việt Nam còn phức tạp, chưa tương đồng với các nước trên thế giới. Một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có; cấu trúc thu ngân sách kém bền vững; tình trạng trốn và tránh thuế còn nhiều phức tạp; chu trình ngân sách kém hiệu quả; thực trạng phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. Ông Hồ Ngọc Tú - Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính Việt Nam có nhiều chính sách về ưu đãi thuế đối với các sắc thuế thu nhập cá nhân, TNDN, thuế xuất khẩu… Nhìn chung, các chính sách này thời gian qua đã có tác động tích cực đối với nền kinh tế trong việc khuyến khích đầu tư của các DN, khuyến khích xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tăng tính công bằng đối với các đối tượng nộp thuế. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có báo cáo về chi tiêu thuế đầy đủ đối với tất cả các sắc thuế, nhằm đánh giá mức độ hụt thu của ngân sách nhà nước đối với các ưu đãi thuế. |