Đó là nhận định của ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực XIII, tại hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” được tổ chức ngày 9/5, nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý thuế.
Ưu đãi thuế quá rộng
Số liệu từ KTNN cho biết, hàng năm tổng số tiền mà ngân sách nhà nước đã ưu đãi cho các DN tương đương khoảng 5,5 - 6% tổng thu ngân sách, trong đó ưu đãi về thuế chiếm tỷ trọng trên 80%.
Tuy nhiên, theo Kiểm toán trưởng khu vực XIII, chính sách ưu đãi thuế suất của Việt Nam có phạm vi ưu đãi khá rộng và dàn trải.
Đại diện KTNN dẫn Luật Đầu tư năm 2014 cho thấy, chính sách ưu đãi thuế áp dụng đối với 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư, 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư như: công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, điện tử, cơ khí...
Thống kê của đại diện KTNN cho thấy việc ưu đãi còn được áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc 53/63 tỉnh, thành phố và hơn 300 khu CNC, KKT, KCN và KCX.
Việc ưu đãi quá rộng, theo ông Khương, đã làm mất tính hấp dẫn của các ưu đãi đầu tư. Chưa kể, chính chính sách ưu đãi thuế đã góp phần tạo cơ hội cho các DN chuyển giá để trốn thuế. Bằng chứng là nhiều DN thành lập thêm các công ty con, công ty liên kết tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Sau đó, DN áp dụng các thủ đoạn chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các công ty này, nhằm hưởng mức ưu đãi thuế thấp.
Trong một nghiên cứu của Oxfam đã chỉ ra, rằng mỗi năm, các nước phát triển (bao gồm cả Việt Nam) bị thất thu 100 tỷ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Khoản tiền này có thể giúp 124 triệu trẻ em đang phải bỏ học được đến trường và cứu sống 6 triệu trẻ.
Theo ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng KTNN, thời gian qua, ngành thuế đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính từ khâu đăng ký thuế đến kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế. Tuy vậy, lãnh đạo ngành kiểm toán cũng thẳng thắn cho rằng kiểm tra thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của DN.
Hầu hết các đơn vị thuế chưa đạt tỷ lệ kiểm tra tối thiểu 20% DN tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định |
Bỏ sót nhiều sai phạm của DN
“Số tiền thuế thất thu còn lớn mà nguyên nhân chủ yếu là từ tình trạng trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi”, ông nói.
Hiện số tiền KTNN kiến nghị truy thu thuế TNDN chiếm tới gần 50% tổng số tiền kiến nghị đối với các DNNN giai đoạn 3 năm 2015 - 2017, tương đương khoảng 2.600 tỷ đồng.
Bàn về nguyên nhân, ông Doãn Anh Thơ - Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực IV, chỉ ra rằng hầu hết các đơn vị thuế chưa đạt tỷ lệ kiểm tra tối thiểu 20% DN tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.
“Hệ thống bộ tiêu chí rủi ro chưa thực sự hiệu quả, hệ thống dữ liệu không xác định được ngành nghề kinh doanh chính của DN dẫn đến việc phân tích, đánh giá, so sánh kết quả hoạt động kinh doanh giữa các DN cùng ngành nghề gặp nhiều khó khăn…”, ông Doãn Anh Thơ nhận định.
Nhiều sai phạm về thuế tài nguyên, thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế nhà đất… hay thực trạng hoàn thuế, xóa nợ và miễn giảm thuế cũng được KTNN chỉ ra.
Để nâng cao chất lượng của công tác thanh tra kiểm tra thuế, theo PGs.Ts. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), hàng năm, sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra theo danh mục được lựa chọn từ phần mềm, ngành Thuế cần tổng kết đánh giá xem lựa chọn đó có đúng đắn hay không.
“Chẳng hạn, phần mềm gợi ý kiểm tra DN nào đó do cảnh báo có khả năng gian lận cao nhưng trên thực tế kiểm tra thì lại thấy không có gian lận hoặc gian lận ít thì phải kiểm tra xem tại sao lại như vậy. Đây là lỗi của nguồn thông tin về cơ sở kinh doanh không chính xác hay do lỗi nào khác”, ông Trường nói.
Thanh Hoa