Theo Bộ Công Thương, năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,79 tỷ USD, tăng 30,4% so với năm trước.
Chiếm 1/3 kim ngạch nhập khẩu
Tương tự, số liệu mới cập nhật từ Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra, năm 2021, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng 25,77 tỷ USD, tương đương tăng 30,5%, lên 109,87 tỷ USD. Trung Quốc chiếm hơn 33% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm vừa qua và cao gấp 2 lần so với thị trường nhập khẩu lớn thứ hai là Hàn Quốc.
Nguyên phụ liệu ngành dệt may vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. |
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam chỉ bằng một nửa, gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm trước. Như vậy, năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 54 tỷ USD, nhiều hơn 18,8 tỷ USD so với năm 2020.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, ngành dệt may đang phải nhập khẩu từ 65-70% nguyên phụ liệu, trong đó phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành dệt may Việt Nam mạnh về sợi, may nhưng hổng về dệt nhuộm.
"Chúng ta xuất sợi sang Trung Quốc, sau đó lại nhập vải về Việt Nam. Quy hoạch mà đề xuất dệt nhuộm thì các địa phương sợ, bởi họ nghĩ ngay tới câu chuyện ô nhiễm môi trường", ông Việt chia sẻ.
Theo Tổng giám đốc May 10, Trung Quốc phát triển công nghiệp đa ngành nghề nhưng họ vẫn giữ ngành may là lõi, hay Ấn Độ cũng vậy. Nếu xử lý nước thải tốt thì không lo ô nhiễm. "Chúng ta cần bỏ tư duy cứ nói đến dệt nhuộm là ô nhiễm môi trường. Nếu lỗ hổng này không được khắc phục thì việc chủ động nguyên phụ liệu để tận dụng các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA sẽ rất khó khăn", ông Việt nhấn mạnh.
Hiệp định CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nhưng muốn có sợi thì cần có bông. Ở Mỹ, một nông dân trồng bông có thể sở hữu vài nghìn ha, còn ở Việt Nam ngay cả doanh nghiệp lớn xin được 1.000 ha cũng rất khó. Do vậy, ngành dệt may trong trong vòng luẩn quẩn là nhập bông về xe sợi, xong bán sợi rồi lại nhập vải.
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, trong năm 2021, nhập khẩu máy móc, thiết bị 117,16 triệu USD, tăng 26,3%, nhưng nhập khẩu da thuộc lên tới 168,2 triệu USD, tăng 33,1% so với năm 2020.
Đáng chú ý, về thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị da giày, Trung Quốc đứng đầu với kim ngạch 72,38 triệu USD, chiếm tỷ trọng 61,8% - tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 58,7%.
Về thị trường nhập khẩu da thuộc, Trung Quốc cũng đứng đầu với kim ngạch đạt 513 triệu USD, chiếm tỷ trọng hơn 30%.
Không chỉ nguyên liệu sản xuất mà hàng hóa tiêu dùng từ Trung Quốc cũng ồ ạt vào Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) chia sẻ, hiện nay hoạt động thương mại điện tử Việt Nam rất sôi động nhưng hàng Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn. Doanh nghiệp, người dân lên Alibaba để mua hàng Trung Quốc, nhập khẩu về Việt Nam thông qua môi trường mạng. Hàng Việt Nam không cạnh tranh nổi. Đây là vấn đề mà cơ quan quản lý cần phải chú ý.
Không dễ tăng nguồn cung nội địa
Lo ngại càng lớn hơn khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Trung Quốc, do vậy Hiệp định RCEP có thêm Trung Quốc sẽ khiến hàng hóa nước này có nhiều cơ hội đổ bộ thị trường Việt Nam hơn.
Để dần tăng mức cung nguyên liệu nội địa, năm 2022, Bộ Công Thương đặt ra yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như: Công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày. Tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thách hiệu quả quá trình hội nhập.
Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ phối hợp với các doanh nghiệp FDI đa quốc gia tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Theo TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã giảm nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để chuyển sang Hàn Quốc hay các nước khác. Tuy vậy, xét về mức độ cạnh tranh về giá thì rõ ràng thị trường Trung Quốc rẻ hơn, do vậy để nói từ bỏ thị trường này trong ngày một ngày hai là không hề dễ dàng.
"Việc phụ thuộc nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc không phải chỉ diễn ra trong năm nay mà trong nhiều năm qua. Nguyên nhân doanh nghiệp Việt Nam vẫn ưa chuộng sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc là giá rẻ, chất lượng cũng đáp ứng được nhiều khách hàng", ông Phương đánh giá.
Chẳng hạn, với một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, dù Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với yêu cầu nguồn gốc xuất xứ rất cao, nhưng để từ bỏ sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc là không dễ dàng. Đơn cử như mặt hàng vải, Trung Quốc đang là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam.
Không chỉ về nguyên liệu, mà Việt Nam còn đang nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất từ Trung Quốc. Theo TS. Lê Quốc Phương, với địa lý gần Việt Nam, chi phí nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm hơn khá nhiều so với thị trường khác.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng, Việt Nam cần có chuẩn bị nguồn nguyên liệu trong nước, theo đó phải có chính sách hỗ trợ mạnh và cụ thể hơn vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, dù cơ chế, chính sách đã có không ít nhưng còn dàn trải, không đủ sức cạnh tranh, không thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Lê Thúy