Thực tế, mỗi lần giá nông sản bị rớt, nhiều ý kiến cho rằng, thương lái ép giá, hay chuyện ùn ứ nông sản đang xảy ra - một số luồng quan điểm đã xuất hiện như chúng ta đang hỗ trợ giải cứu nông sản của nông dân Việt Nam hay giải cứu thương lái nước ngoài...
Giao thương với Trung Quốc thông qua thương lái
Liên quan tới câu chuyện này, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc công ty Vinamit dẫn ví dụ từ mặt hàng quả mít của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu mít sang Trung đạt 124 triệu USD, trong đó có 113 thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu và 110 thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu. Số lượng là vậy, nhưng thực tế chỉ tập trung 5 thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu và 3 cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc tham gia nhập khẩu chủ yếu.
![]() |
Cần cho thương lái một vai trong chuỗi giá trị nông sản. |
Ông Viên nhìn nhận, trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu của Việt Nam thì có 4 là cá nhân, còn một doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu của Cao Bằng. Điều này cho thấy không xuất hiện doanh nghiệp thực thụ để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo Tổng giám đốc Vinamit, buôn bán bằng tiểu ngạch sang Trung Quốc là cuộc chơi của các thương lái Trung Quốc và Việt Nam, vì vậy buộc phải đi con đường biên mậu. "Quan trọng hơn, để nắm bắt tình hình, tìm kiếm thông tin thị trường thì chúng ta phải gặp gỡ được họ. Chúng ta đừng bỏ sót họ trong việc kết nối thông tin giữa sản xuất và thị trường", ông Viên chia sẻ.
Hơn nữa, Tổng Giám đốc Vinamit chia sẻ: Chúng ta luôn nói cần phải đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang chính ngạch, nhưng thực tế xét về lợi ích lại không hề dễ dàng để các nhà nhập khẩu Trung Quốc từ bỏ con đường biên mậu. Xuất khẩu chính ngạch bị thuế VAT 17%, trong khi biên mậu thì không thuế VAT. Vì vậy, các thương nhân Trung Quốc thường đi tìm các thương lái, cá nhân ở Việt Nam để mua bán hàng hóa, xuất khẩu tiểu ngạch, chứ không tìm doanh nghiệp của Việt Nam.
"Câu chuyện cạnh tranh nội địa ở thị trường Trung Quốc thì những người làm chính ngạch rất khó khăn, thậm chí thất bại trước thị trường biên mậu. Nếu phía Trung Quốc đóng hẳn con đường biên mậu hoặc sử dụng biên mậu như nhập khẩu chính ngạch thì mới giải tỏa được vấn đề", ông Viên nêu vấn đề.
Đồng thời, Tổng Giám đốc Vinamit cũng kiến nghị, cần có đầu mối để kết nối thông tin với thị trường Trung Quốc ở mỗi địa phương thông qua thành lập các trung tâm. Trung tâm này tiếp nhận và phân bổ thông tin cho vùng trồng, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ bảo quản, sơ chế tại các địa phương. Đây là điều cần thiết, nếu để các doanh nghiệp lẻ tẻ tự làm thì cuối cùng rơi vào tình thế là một nhóm thương nhân đang trao đổi hợp đồng mua bán qua đường biên mậu. Chính quyền cũng không thể biết họ là ai, họ đang ở đâu?
"Không chỉ ngành hàng mít, ngay cả trái thanh long hay các mặt hàng khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Vì vậy, chúng ta nên quan tâm dữ liệu thông tin, đối tượng thương nhân này để tiếp cận và tìm lời giải", ông Viên khuyến nghị.
Cần cho thương lái một vai trong chuỗi sản xuất nông nghiệp
Thực tế, những tranh cãi về thương lái trong năm 2021 cũng xảy ra ở nhiều thời điểm như đợt giảm giá lợn hơi hay trước đó là hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, khi giá lợn hơi giảm sâu, nhiều người đã hỏi ông về việc có hay không thương lái ép giá.
"Tôi về suy nghĩ và sau đó đã xuống mấy hợp tác xã chăn nuôi lợn để nắm bắt thông tin. Sau đó nhận định tình hình trên là do khâu vận chuyển, tiêu thụ bị đứt gãy, nhu cầu suy giảm chứ không phải thương lái", Bộ trưởng NN&PTNT cho hay.
"Gỡ được vấn đề trên, vài ngày sau giá lợn hơi tăng lên 55.000 đồng/kg. Nếu thương lái có quyền ép giá, tại sao họ không mua như thế mà phải mua 55.000 đồng/kg", Bộ trưởng Hoan nêu quan điểm, ông bức xúc khi ai nói thương lái ép giá. Trên cương vị lãnh đạo ngành nông nghiệp, ông muốn xây dựng hệ sinh thái từ người sản xuất tới doanh nghiệp thông qua thương lái để trở thành chuỗi ngành hàng, tạo niềm tin với nhau. Thương lái đóng vai trò trung gian để kéo gần người sản xuất và doanh nghiệp lại với nhau, để hai đối tượng này không phải là hai chiến tuyến, mùa này anh này ép, mùa kia anh kia lại ép, đó mới là bi kịch.
Quay trở lại câu chuyện giá lợn hơi, sở dĩ nhận định nguyên nhân giảm không phải là do thương lái, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giải thích: Một ông thương lái, mỗi ngày trong điều kiện bình thường mua 2 con lợn về mổ bán. Nhưng đùng một cái, cung tăng lên 10 con, thì ông thương lái phải suy nghĩ xem có mua được không, hoặc mua thì phải mua giá thấp vì trong thời gian này họ cũng đâu có tiêu thụ được ngay mà phải để trong chuồng, tốn công chăm sóc, tốn tiền thức ăn...
Hay thu mua lúa gạo trong Đồng bằng Sông Cửu Long, không một doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến nào có thể xuống tận mảnh rộng ở Đồng Tháp để mua mà thường phải qua thương lái - họ chở vật tư vào vùng sản xuất sau đó chở lúa về, vòng quay này rất năng động, nhằm kéo giảm chi phí xuống.
Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, trong nền sản xuất nhỏ lẻ này, vai trò thương lái quan trọng lắm. Kinh tế chia sẻ, kho nằm ở thương lái, nhà vườn. Hệ thống cứ chạy như vậy. Do vậy, chúng ta muốn xây dựng những chuỗi ngành hàng, phải có niềm tin lẫn nhau. Thương lái họ cũng đa phần là nông dân, chí thú làm ăn, bắt đầu từ việc bán nông sản của nhà họ, bán được thì họ bán thêm cả nông sản của bà con.
Ông Hoan nhấn mạnh: Chúng ta cần đưa họ vào các tổ chức như xây dựng câu lạc bộ thương lái chẳng hạn. Làm sao để nông dân thương thương lái, doanh nghiệp thương nông dân. Và đó là tư duy kinh tế nông nghiệp. Nền kinh tế vận hành như mạch máu, đứt mạch máu nào cũng "chết".
Chia sẻ với VnBusiness, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá không có thương lái thì nông dân không thể tiêu thụ được nông sản. Đâu là truyền thống bao đời nay trong sản xuất nông nghiệp, muốn thay vai trò của thương lái thì phải thay đổi phương thức tiêu thụ, phương thức sản xuất. Doanh nghiệp mà tự sản xuất thì không cần thương lái nhưng trong nông nghiệp thì không thể không có thương lái.
1.000 xe ùn ứ, Lào Cai tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở trái cây UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản hỏa tốc thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở trái cây tươi đến Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Trung Quốc) để xuất khẩu sang Trung Quốc từ 0 giờ ngày 18/1/2022 cho đến khi có thông báo mới. Văn bản nêu rõ, từ ngày 12/01/2022, phía tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã khôi phục lại hoạt động nhập khẩu đối với các mặt hàng trái cây tươi qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Trung Quốc). Tuy nhiên, do công tác phòng chống dịch bệnh COVID- 19 của phía Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu được triển khai rất nghiêm ngặt (số lao động bốc xếp, lái xe trung chuyển đối với mặt hàng trái cây tươi ít; thời gian thực hiện quy trình kiểm soát phòng chống dịch tăng…) nên năng lực thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Trung Quốc) đối với các mặt hàng trái cây tươi còn rất hạn chế. Tính từ ngày 12/01/2022 đến hết ngày 15/01/2022 mới chỉ thông quan được 60 xe chở mặt hàng trái cây tươi (trung bình chỉ đạt từ 15-20 xe/ngày). Mặt khác, đến thời điểm hiện tại lượng phương tiện vận chuyển mặt hàng trái cây tươi (thanh long, xoài, dưa hấu, mít) xuất khẩu đang tồn tại cửa khẩu Lào Cai đã lên đến gần 1.000 xe và vẫn đang tiếp tục được đưa lên từ các tỉnh với số lượng trên dưới 100 xe/ngày. Với tình hình hiện tại, năng lực đáp ứng của các kho, bãi tập kết hàng hóa của Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) đã quá tải và không thể tiếp nhận được thêm phương tiện đến tập kết, chờ xuất khẩu. Vì vậy, tránh việc phương tiện đưa lên cửa khẩu bị ùn tắc, giảm thiểu rủi ro hàng hóa xuất khẩu phải lưu bãi dài ngày trong điều kiện không đảm bảo, phát sinh thêm chi phí, gây thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh Lào Cai tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hoá trái cây tươi lên Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Trung Quốc) để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai phối hợp thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân… về việc tạm thời dừng đưa mặt hàng trái cây tươi lên các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân... |
Lê Thúy