Theo thống kê từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe nông sản xuất sang Trung Quốc tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 20/12/2021 là 4.598 xe.
Hàng nghìn xe ùn ứ, nông sản hư hỏng
So với 4.903 xe tồn tại thời điểm sáng ngày 19/12/2021, sau một ngày lượng tồn đã giảm 305 xe. Nguyên nhân chính do thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng nên các doanh nghiệp (DN), chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí.
Tổng lượng xe nông sản tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 20/12/2021 là 4.598 xe. |
Tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, năng lực thông quan xuất khẩu (XK) khoảng 150 - 200 xe/ngày, xe tồn là 1.403 xe; mặt hàng tồn chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử.
Cửa khẩu chính Chi Ma, năng lực thông quan XK khoảng 35-40 xe/ngày, tồn 620 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, sa nhân...
Theo Sở Công Thương tỉnh lạng Sơn, từ ngày 8/12/2021 phía Trung Quốc đã thực hiện tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm do nghi phát hiện 3 ca nhiễm COVID-19 tại thị trấn Ái Điểm. Ngày 10/12/2021, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã gửi thư công tác số 28 đề nghị phía huyện Ninh Minh (Trung Quốc) khôi phục lại cặp cửa khẩu này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Với cửa khẩu Tân Thanh, năng lực thông quan XK khoảng 180 - 200 xe/ngày. Tồn tại khu vực cửa khẩu là 2.575 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long (tỉnh Bình Định), chuối xanh (Tiền Giang), mít (tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang), xoài (tỉnh Bình Định).
Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, một trong những nguyên nhân khiến lượng xe ùn ứ ở cửa khẩu tăng mạnh là do phía Trung Quốc gặp trục trặc về hệ thống mạng - lỗi kỹ thuật, trong khi đó xe hàng từ các tỉnh vẫn đổ dồn về Lạng Sơn.
Hàng nghìn container nông sản ùn ứ khiến nhiều tài xế, chủ hàng như ngồi trên "đống lửa", mắc kẹt tại bãi xe gần cả tháng. Anh Nguyễn Văn Đạt, lái xe chở thanh long từ Bình Định ra từ đầu tháng 12, song đến nay vẫn chưa được thông quan. Hàng ngày, mọi khâu ăn uống, sinh hoạt đều diễn ra tạm bợ tại bãi xe. "Tôi không biết khi nào mới giao được hàng để quay về, hơn nửa tháng trời mắc kẹt tại đây, khổ lắm", anh nói.
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Lạng Sơn chiều ngày 20/12, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác, phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu trên địa bàn khẩn trương nắm bắt tình hình cũng như làm rõ các nguyên nhân, từ đó khẩn trương có các giải pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố.
"Một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe nhiễm COVID-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản. Trung Quốc thực hiện kiểm soát rất kỹ, thậm chí kiểm dịch cả hàng hóa. Do đó, tôi rất mong các doanh nghiệp thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung", Thứ trưởng Nam cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ trực 24/7 để tìm mọi biện pháp phù hợp, tăng cường giải phóng hàng ùn ứ.
Theo ông Nam, một vấn đề phát sinh nữa, phía Trung Quốc thông báo là 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2022, Cơ quan quản lý cửa khẩu của Trung Quốc sẽ không thực hiện thủ tục thông quan đối với hàng bảo quản lạnh, để cán bộ, công chức làm việc tại cửa khẩu cách ly và về quê ăn Tết, tạo sức ép phải hoàn thành đơn hàng trước thời điểm tạm dừng trên.
Chính vì vậy, hiện nay lượng xe hàng từ các địa phương tiếp tục chuyển lên các cửa khẩu Lạng Sơn hàng ngày đã vượt qua năng lực thông quan của phía bạn.
Tìm cách thích ứng
Trước tình trạng ùn ứ nông sản trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình hình trên. Trong đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc, để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, qua đó tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và XK hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An), cho biết lường trước tình trạng trên, HTX đã chuyển hướng XK thông qua cảng biển thay vì tập trung đường bộ.
Ông An cho biết: "Trước khi chốt đơn hàng, HTX phải chốt phương án XK trước rồi mới đóng hàng. Chúng tôi không lựa chọn phương thức XK tiểu ngạch bằng đường bộ. Hơn nữa, XK qua cảng biển chi phí rẻ hơn, tuỳ từng điểm đến gần hay xa khoảng 6-15 ngày là tới".
Là đơn vị XK lâu năm qua thị trường Trung Quốc, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu đánh giá thị trường này đang ngày càng khó tính. Hiện nay, việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, siết chặt thủ tục nhập khẩu với lý do kiểm soát COVID-19, vì vậy nếu không cẩn trọng rủi ro hàng nông sản bị trả về sẽ không nhỏ.
Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu, chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ đánh giá Trung Quốc là thị trường dễ tính". Bà cho biết mấy năm trước được tiếp đoàn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang kiểm tra đóng gói măng cụt xuất sang Trung Quốc. "Nhà đóng gói của chúng tôi đạt tiêu chuẩn xuất sang Mỹ nhưng qua thực tế kiểm tra vẫn có một số nội dung Trung Quốc yêu cầu cập nhật, làm chuẩn chỉnh. Do vậy, tôi chưa bao giờ xem thị trường này là dễ tính".
Theo đó, bà Vy khuyến nghị, cơ quan chức năng cùng phối hợp với DN để thay đổi nhận thức của nông dân trong việc làm hàng XK. Chúng ta đừng nghĩ rằng cứ làm đi rồi khắc có Trung Quốc mua, đồng thời cần đẩy mạnh khâu quản lý vùng nguyên liệu.
Trước câu hỏi có lo lắng khi Trung Quốc thay đổi quy định nhập khẩu nông sản từ Việt Nam hay không? bà Vy cho biết có sợ nhưng với kinh nghiệm XK qua Mỹ, Nhật Bản... Chánh Thu có thể chủ động để ứng biến. Song để phát triển ngành nông nghiệp thì tính đồng bộ rất quan trọng, từ chất lượng tới tiêu chuẩn cần phải nâng cao hơn nữa.
"Làm sao để chúng ta phải sẵn sàng bước vào thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Thẳng thắn mà nói trước giờ, chúng ta vẫn đứng ở hành lang. Hầu hết nông sản bán tại thị trường Việt Nam thông qua các đầu nậu hoặc các DN làm dịch vụ thông quan tại cửa khẩu nên ít DN làm trực tiếp, hiểu rõ tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng của thị trường Trung Quốc", bà Vy chia sẻ.
Theo "Vua chuối" Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - đơn vị XK nông sản sang Trung Quốc, hiện chúng ta vẫn đang làm "tầng ngọn" là DN chế biến, XK sang Trung Quốc, sắp tới cần đẩy mạnh làm khâu gốc là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân.
Mặt khác, ông Huy cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai thị trường trao đổi nông sản có qua có lại. Trái bưởi của họ có thời điểm đẩy mạnh xuất sang Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh để đạt được thỏa thuận XK các mặt hàng như sầu riêng, bưởi, khoai lang sang Trung Quốc.
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Chúng ta không phải một mình một chợ ở thị trường Trung Quốc mà còn có nhiều nước bán hàng sang thị trường này. Do vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi lịch mùa vụ, không để mình thu hoạch thanh long, thì Trung Quốc cũng thu hoạch. Điều này tránh cho nông sản Việt Nam không bị hiệu ứng kép là dư thừa trong nước và thu hẹp thị trường XK. Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu xây dựng đề án XK nông sản bền vững gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu nông sản. Bà Nguyễn Lan Hương Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt Chúng ta cần có chiến lược cụ thể để làm thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu từ quản lý chất lượng nông sản, từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển. Các cơ quan Nhà nước cần thành lập Trung tâm, Tổ công tác để hướng dẫn các DN, HTX, cơ quan chuyên trách của địa phương thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để được hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Ông Hồ Tiến Thiệu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên những tháng gần đây Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch làm tốc độ thông quan chậm lại. Từ đó, lượng phương tiện hàng ngày xuất sang Trung Quốc để trao đổi hàng hóa giảm đi rất nhiều. Bên cạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Lạng Sơn khuyến cáo các tỉnh hạn chế đưa hàng hóa, nhất là nông sản dễ hư hỏng lên khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, tránh ùn ứ nghiêm trọng. |
Lê Thúy