Trong khi xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Trung Quốc ở các cửa khẩu đường bộ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là hàng nông sản, thì ngược lại hàng hóa nhập khẩu từ nước láng giềng vẫn ùn ùn đổ vào Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 11, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc gần 50,2 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng thêm gần 7 tỷ USD. Đáng lưu ý, các mặt hàng nông, lâm thuỷ sản từ Trung Quốc về Việt Nam tăng mạnh.
Nhập nhằng nguồn gốc, chất lượng
Tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội (Đền Lừ, Hoàng Mai), trung bình mỗi ngày nhập từ 200- 300 tấn rau, củ quả với nhiều chủng loại như nho, táo, quýt, cải bắp, cà chua, cà rốt, khoai tây, hành tây…. từ Trung Quốc. Các loại rau quả này lại được xé lẻ đưa đi tiêu thụ khắp trên địa bàn Hà Nội.
Nho xanh khô Trung Quốc được "đội lốt" nho Ninh Thuận đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng trong dịp cuối năm vì giá rẻ. |
Trao đổi với VnBusiness, chị Trần Thu Hương, một tiểu thương đang kinh doanh tại chợ đầu mối cho biết, mặc dù hiện nay miền Bắc đang vào vụ bắp cải, cà rốt, khoai tây, cà chua… Tuy nhiên, hàng chục loại nông sản Trung Quốc giá rẻ vẫn đang được nhập về chợ này với sản lượng lớn như bắp cải tím (10.000 đồng/kg), bông cải trắng và bông cải xanh (50.000 - 60.000 đồng/kg), cà rốt (14.000 đồng/kg), khoai tây vàng (10.000 đồng/kg), tỏi (25.000 đồng/kg), cà chua (20.000 đồng/kg)...
Thường xuyên mua hàng tại chợ đầu mối, chị Tú, chủ cửa hàng rau củ (chợ HH - Linh Đàm) thừa nhận khoảng 80% cà rốt, khoai tây, hành tây (hành trắng), cà chua... chị đang bán là hàng Trung Quốc nhưng khi giới thiệu với người mua phải nói hàng Đà Lạt.
"Mùi vị thường không khác biệt nhiều nhưng do tâm lý người dân e ngại hàng Trung Quốc nên khi bán mình phải giới thiệu hàng Việt", chị Việt nói.
Không chỉ có các loại rau củ Trung Quốc ồ ạt về Việt Nam dịp cuối năm, các mặt hàng trái cây, mứt như hồng sấy, táo, nho tươi, nho sấy Trung Quốc xuất hiện tràn ngập thị trường với số lượng lớn, trong đó, nho xanh không hạt và nho sấy khô đang "phủ sóng" do nhu cầu mua tặng, biếu dịp cuối năm.
Theo quảng cáo của chị Hương Thuỷ, chủ cửa hàng trái cây trên đường Linh Đường (Hà Nội), các sản phẩm nho khô Ninh Thuận đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì giá rẻ và chất lượng cao. "Nho này không có hạt và cam kết nho Ninh Thuận 100%, có nhãn mác rõ ràng", người bán khẳng định và cho biết thêm, mỗi ngày cửa hàng chị bán từ 20 - 30kg nho sấy khô. Đặc biệt, gần Tết số lượng khách hàng mua đi biếu càng tăng.
Dù được quảng cáo là “hàng chất lượng cao” song sản phẩm lại có giá tương đối rẻ. Người bán cho biết khách hàng mua sỉ từ 3kg sẽ có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Phải tăng chế tài đối với người bán
Ông Nguyễn Khắc Đượng, người trồng nho tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết, hầu hết nho trồng tại Ninh Thuận là giống có hạt, vị thường hơi chua chứ không có vị ngọt gắt, vỏ mỏng và không hạt như nho xanh Trung Quốc
Đặc biệt, giá nho xanh đang bán tại vườn cho thương lái cũng từ 50.000-70.000 đồng/kg; nho đỏ Red Cardinal có giá dao động từ 30.000-45.000 đồng/kg, nho ba màu NH 01-152 có giá 120.000-140.000 đồng/kg. Trong khi đó, cần 5-8kg nho tươi loại đẹp mới cho ra 1kg nho sấy khô.
"Do đó, nho xanh Ninh Thuận sấy khô luôn có giá từ 200.000 đồng/kg trở lên, còn nho không hạt sấy khô giá rẻ nhiều khả năng là hàng Trung Quốc", ông Đượng nhận định.
Theo các chuyên gia, giá hàng nông sản trong nước thường tăng cao vào cuối năm nên nhiều người bán nông sản đã nhập hàng Trung Quốc giá rẻ, sau đó gắn mác hàng Việt để dễ tiêu thụ nhằm thu lợi nhờ sự chênh lệch giá mua và bán một trời một vực.
Chẳng hạn, nhiều mặt hàng như hồng sấy cũng được giới thiệu là hàng Việt với giá chỉ 60.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại nhưng các doanh nghiệp cho rằng hồng sấy Đà Lạt thường có giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/kg.
Chia sẻ với VnBusiness, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý thật nặng hành vi vi phạm cũng như tiếp tay cho gian lận. Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc công ty TNHH nông sản Xuân Nguyên (Hà Nội) cho rằng: “Mối nguy đủ đường khi hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để tiêu thụ, thậm chí xuất khẩu đi các nước nhưng một số doanh nghiệp vẫn nhắm mắt tiếp tay cho hành vi gian lận. Cơ quan quản lý cần có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng này. Đừng để các doanh nghiệp Việt mất dần thị phần ngay trên “sân nhà” mới vào cuộc thì quá muộn”.
Bên cạnh đó việc xử lý nghiêm khi phát hiện, ông Nguyên cho rằng cơ quan quản lý phải rà soát lại các quy phạm pháp luật liên quan tới vấn đề này, nếu còn hở thì phải bổ sung đầy đủ, không để cho các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn bất chính lợi dụng để trục lợi, gây tổn hại uy tín của hàng Việt Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao kiến nghị, cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn quy định về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm và hóa mỹ phẩm bán trên thị trường, tại các chợ đầu mối, dân sinh và trên cả các sàn thương mại điện tử vì tình trạng người bán lách quy định bằng cách đăng ký sai lệch thông tin sản phẩm, ngành hàng... vẫn tràn lan trên các "chợ mạng".
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Ban chỉ đạo 389 cho biết, cuối năm nhu cầu các sản phẩm phục vụ cho Tết như bánh kẹo, thực phẩm, rượu bia… cũng được làm giả và nhái rất nhiều. Để ngăn chặn giảm thiểu tình trạng hàng giả hàng nhái, Tổng cục Quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận hàng giả đặc biệt dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Kế hoạch năm nay có những điểm mới so với những năm trước đó là nhấn mạnh vào hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng chức năng vừa tham gia chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái nhưng cũng đảm bảo chống dịch; tập trung vào các mặt hàng về trang thiết bị y tế, dược phẩm; xử lý hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh… |
Thanh Hoa