Tại họp báo về “Kiểm tra sau thông quan xuất xứ hàng xuất khẩu” vừa qua, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, cho biết cơ quan hải quan đã thống kê sơ bộ được 19 nhóm hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ, từ đó lập danh sách các doanh nghiệp (DN) có rủi ro về gian lận giả mạo xuất xứ để tiến hành kiểm tra.
Xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến
Trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) ưu đãi thuế quan với các nước trên thế giới, trong đó có các FTA quan trọng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Điều này đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng hóa Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh mặt tích cực cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, đó là đảm bảo tạo môi trường thuận lợi để thu hút FDI nhưng phải kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận lợi dụng chính sách thông thoáng của Việt Nam.
Thực tế, trong thời gian qua, tình trạng hàng hóa của nhiều quốc gia đã lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết FTA ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Tiến Lộc cho biết trước đây, cơ quan hải quan chủ yếu tập trung kiểm tra ngăn chặn gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu trong thông quan cũng như sau thông quan.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, trong đó Mỹ đang áp thuế cao lên nhiều dòng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì vậy, cơ quan hải quan đã tập trung nghiên cứu những phương thức, rủi ro về gian lận giả mạo xuất xứ, lấy xuất xứ của Việt Nam để XK hàng hóa vào thị trường Mỹ và EU.
Quá trình tập trung kiểm soát và quản lý hàng hoá từ Việt Nam XK vào Mỹ, cơ quan quản lý đã phát hiện một số DN có kim ngạch XK vào thị trường này tăng đột biến.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy có 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ, từ đó lập danh sách các DN có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để tiến hành kiểm tra.
Kiểm tra 9 DN phát hiện 4 DN, trong đó 3 DN lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và 1 DN lắp ráp mặt hàng sản phẩm gỗ (giá, kệ bếp) có hành vi vi phạm về xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa XK.
Dẫn chứng vụ việc cụ thể, ông Cường nêu: Công ty TNHH xe đạp Excel có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, hoạt động chính lắp ráp xe đạp, xe đạp điện XK. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, hải quan phát hiện 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện được nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm. Sau đó, lấy xuất xứ nguồn gốc từ Việt Nam và XK sang Mỹ để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi do Mỹ dành cho Việt Nam.
Da giày là một trong những nhóm hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo C/O cao |
Ngăn chặn rủi ro
Đáng chú ý, ông Nguyễn Tiến Lộc cũng nêu một số khó khăn trong việc xử lý các DN này. Chẳng hạn, trong quá trình kiểm tra còn phát hiện công ty TNHH xe đạp Excel đã thực hiện các thủ tục gian dối để được cơ quan có thẩm quyền (VCCI chi nhánh Tp.HCM) cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O Form B). Ngày 11/11/2019, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi VCCI chi nhánh Tp.HCM yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận xuất xứ này và VCCI đã thu hồi.
“Từ kết quả xử lý đối với công ty xe đạp Excel, các DN còn lại có biểu hiện co cụm chống đối, lấy nhiều lý do như người phiên dịch dịch chưa rõ nội dung, cần dịch lại; giám đốc bận phải đi công tác nước ngoài gấp, không ủy quyền cho ai để cố tình không ký các biên bản làm việc, biên bản vi phạm hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, tẩu tán tài sản...”, ông Lộc cho biết.
Đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan cũng khẳng định đối với các DN còn lại, đơn vị này đang tiếp tục củng cố, làm rõ các dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, tiếp tục mở rộng kiểm tra một số nhóm hàng như pin năng lượng mặt trời, đèn LED…
Giai đoạn 2, mở rộng kiểm tra, Cục Kiểm tra sau thông quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm tra sau thông quan toàn quốc tiến hành kiểm tra để kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam với hàng hóa XK. Tập trung vào các địa bàn có dấu hiệu rủi ro cao, tập trung nhiều DN mới thành lập từ cuối năm 2018 trở lại đây nhập khẩu hàng hóa là linh kiện, nguyện liệu, phụ tùng từ Trung Quốc và XK hàng hóa vào thị trường Mỹ và EU.
“Cục đã có văn bản giao 9 Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra 24 DN có độ rủi ro cao về xuất xứ hàng hóa XK. Tính đến nay, các đơn vị đã ban hành 19/24 quyết định kiểm tra sau thông quan. Cục Kiểm tra sau thông quan đang đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị sớm hoàn thành kiểm tra để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan”, ông Lộc cho biết.
Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại (USAID), cho biết khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với một số hàng XK từ Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc giảm nhưng lại tăng từ quốc gia thứ 3, trong đó có Việt Nam, như kim ngạch của một số mặt hàng nhựa, dụng cụ quang học...
“EU phát hiện ra hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh sau khi áp thuế CBPG. Bên cạnh đó, công đoạn lắp ráp và XK từ Việt Nam chủ yếu bắt đầu sau khi áp thuế CBPG và thuế chống trợ cấp, thay thế cho hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trước đây”, ông Claudio Dordi nói.
Thanh Hoa
Bà Trịnh Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Các DN sản xuất trong nước cần nắm vững quy tắc xuất xứ để tận dụng được ưu đãi từ thuế quan từ các FTA. Đặc biệt, đối với các trường hợp cộng gộp xuất xứ của hai bên gồm Việt Nam và 28 nước thành viên EU, và với các nước ASEAN còn cho phép cộng gộp xuất xứ mở rộng như: thỏa mãn các yêu cầu về quy trình sản xuất. Nếu nguyên liệu này thuộc danh sách được liệt kê theo quy định. Nguyên liệu có xuất xứ từ các nước ASEAN có cam kết tuân thủ các quy định tại Nghị định thư này và có hợp tác hành chính cần thiết với EU để bảo đảm việc thực thi đầy đủ Nghị định thư này với EU và giữa họ với nhau. Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trước nguy cơ bị “mượn đường” và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để XK sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên nhằm hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp ngăn chặn. Cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ngay tại cửa khẩu, kiểm tra sau thông quan các lô hàng, các DN XNK có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh năng lực sản xuất của DN. Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) Có nhiều mặt hàng được VCCI cảnh báo vào diện quản lý rủi ro (hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào sản xuất và phân loại vào luồng đỏ vàng) như: ốc vít, bu lông… và đã tiến hành kiểm tra nguồn nguyên liệu ngay từ khâu nhập khẩu để tránh trường hợp DN nhập khẩu về bán thành phẩm, thậm chí thành phẩm mà vẫn kê là nguyên liệu - sắt thép. Tuy nhiên, cái khó của VCCI là thiếu cơ sở thông tin để biết DN thành lập lúc nào, sản xuất cái gì, chỉ khi hoàn thiện sản phẩm và có nhu cầu cấp C/O thì DN mới làm thủ tục. Do đó, các cơ quan liên quan tăng cường trao đổi kịp thời số liệu, dữ liệu của DN. |