Trong vụ việc nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) diễn ra vào trung tuần tháng 6/2023, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật được tạo dựng từ những thế lực xấu và không loại trừ có “bàn tay” của AI (được điều khiển bởi đối tượng xấu).
Nhìn vào thực tế trong và ngoài nước
Nhất là nhiều thông tin, hình ảnh, video có liên quan đến vụ việc ở Cư Kuin được chỉnh sửa, cắt ghép một cách chóng vánh (liệu có dùng công nghệ AI?) rồi tung ra trên mạng Internet kèm lời bình khiếm nhã nhằm gây ra hoang mang dư luận.
Thậm chí, để lái vụ việc theo ý đồ tiêu cực, đối tượng xấu không chỉ dùng công nghệ để cắt ghép, giật tít đầy tính kích động, và còn sao chụp thông tin, hình ảnh từ một vài bài báo khác có liên quan vấn đề đất đai ở địa phương, rồi đặt những câu hỏi mang tính mỉa mai, miệt thị kiểu “tức nước vỡ bờ”, “khi người dân bị dồn đường cùng”…
![]() |
Báo chí cần "làm chủ cuộc chơi" thay vì để bị thao túng trước mối nguy thông tin giả từ AI (Ảnh minh họa) |
Điều lạ là những thông tin xấu độc như vậy lại lan đi rất nhanh trên mạng xã hội khiến cho dư luận nghi ngờ về sự "giúp sức" của ứng dụng AI.
Đó là ở Việt Nam, còn tại Mỹ, vào giữa tháng 5 vừa qua, một bức ảnh giả được tạo ra từ một ứng dụng AI, chụp cảnh một vụ nổ ở Lầu Năm Góc, đã nhanh chóng được được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội Twitter, khiến các thị trường chứng khoán bị xáo trộn trong 10 phút, trước khi Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng cải chính là Lầu Năm Góc không hề bị tấn công.
AI cũng được cho là đang làm xáo trộn chính trường nước Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Chính trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng để tạo ra bức ảnh chụp cựu tổng thống Trump bị cảnh sát bắt giữ giống như thật, gây xôn xao dư luận trong một thời gian. Hay bịa ra một băng ghi âm ông Trump và ông Biden chửi nhau tơi tả...
Gần đây, giới truyền thông quốc tế đã liên tục cảnh báo về tình trạng báo chí đang bị “vùi dập” bởi tuyên truyền và những trò giả mạo ngày càng tinh vi, được hỗ trợ bởi phần mềm AI và sự thất bại trong việc giám sát của các công ty công nghệ. Đặc biệt là vô số hình thức thông tin sai lệch đang “dìm hàng” những tin tức đáng tin cậy - một vấn đề phức tạp do sự phát triển nhanh chóng của AI.
Điển hình như Chat GPT của công ty OpenAI (một ứng dụng mới từ AI) được cho là có thể lan truyền tin giả mạo với quy mô lớn trên toàn cầu nhờ vào trình độ tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch, bịa đặt của chính ứng dụng này.
Hậu quả sẽ rất “khủng khiếp”
Một số hãng thông tấn quốc tế đã báo động về những nguy cơ của AI với nhân loại, trong đó có vấn đề tin giả. Đặc biệt, cái gọi là AI tạo sinh (Generative AI) có thể tự tạo ra các nội dung: Văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, như con người, thậm chí còn nhanh hơn con người rất nhiều.
Bản thân người sáng chế Chat GPT, Sam Altman đã liên tục cảnh báo AI có thể gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho thế giới, chẳng hạn như qua việc thao túng các cuộc bầu cử bằng thông tin tin giả.
Hoặc như mối lo về tin giả và những nội dung xấu độc trên ứng dụng Tik Tok - vốn đang tích cực phát triển AI, mới đây nhất là từ tháng 5/2023 đã thử nghiệm vào chatbot (một chương trình kết hợp với AI để tương tác với con người) của mình.
Theo Ts. Sam Goundar, Giảng viên cấp cao ngành công nghệ thông tin tại Đại học RMIT Việt Nam, nền tảng Tik Tok thời gian qua đã vấp phải chỉ trích vì khối lượng nội dung không phù hợp hoặc thậm chí gây hại.
Như lưu ý của Ts. Goundar, thuật toán phân phối nội dung của TikTok liên tục phát triển và thay đổi dựa trên hành vi và phản hồi của người dùng. Hầu hết các mạng xã hội khác sử dụng những thuật toán tương tự vì mục đích của họ là tiếp cận lượng người xem tối đa và gia tăng quảng cáo, bởi quảng cáo là cách kiếm tiền của các nền tảng này.
Trước mối lo về tin giả xuất phát từ AI, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng không phủ nhận những giá trị tích cực mà AI mang đến giúp cho nền tri thức nâng lên ở tầm cao, tuy nhiên hiện tại trên thế giới và ở Việt Nam đang có mối nguy cực kỳ lớn từ những thông tin giả, xuyên tạc, phóng đại, hoàn toàn không có thật… được tạo lập ra bởi chính AI.
“Nếu không tỉnh táo khi nhìn vào những thông tin giả do AI tạo ra trên nền tảng đa phương tiện sẽ không khác gì tin thật, thậm chí còn hấp dẫn hơn cả thông tin do báo chí đưa ra, từ cách thức đưa tiêu đề, hình ảnh minh họa, ngôn ngữ rất trau chuốt, chuyên nghiệp và phong phú, âm thanh chất lượng”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, hậu quả của những thông tin giả do AI tạo ra với mức độ lan tỏa rộng trong cả nước như ở Việt Nam và trên toàn cầu có thể sẽ rất “khủng khiếp”. Nó làm cho người dân và doanh nghiệp (DN) tin ngay vào những thông tin đó vốn đã được ngụy trang một cách chặt chẽ, và khi tin rồi lại dẫn dắt qua những kênh thông tin khác (do một thế lực xấu đứng phía sau AI) để làm một hành động gì đó dẫn tới vi phạm pháp luật, làm hại tới cộng đồng.
Nguy hiểm chưa dừng lại ở đó, nhìn ở phương diện của các DN và những người kinh doanh, khi dần dần họ “nhiễm” thông tin giả cho AI tạo ra, trước khó khăn về chuyện làm ăn, vốn liếng, chính sách, xuất khẩu, thị trường… sẽ dễ dàng bị lôi kéo vào những hệ sinh thái mới, từ bỏ ngành nghề kinh doanh cũ để lao vào các lĩnh vực kinh doanh mới đầy rủi ro trên nền tảng số (chẳng hạn như đầu tư vào tiền ảo, đầu tư chứng khoán ảo, vay tiền qua app…).
Xác lập chiến lược ứng phó riêng
Nói về thách thức khi sử dụng thông tin do AI tạo đối với các DN, Giáo sư Kok-Leong Ong, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thuộc một trường đại học quốc tế tại Việt Nam, cho rằng các DN hoặc bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng khai thác các khả năng và tùy chỉnh AI cho mục đích riêng.
Theo vị giáo sư này, các DN Việt cần phải hiểu rõ hơn về khả năng của AI. Việc sử dụng công nghệ tương đối dễ dàng, điều khó khăn hơn nhiều là việc tích hợp chính sách kinh doanh và yêu cầu pháp lý từ chính quyền địa phương.
![]() |
Để báo chí Việt Nam không “ngủ gật trên vai người khổng lồ AI" đang đòi hỏi cần sớm xác lập chiến lược ứng phó riêng, có những giải pháp mạnh mẽ và sự nhanh nhạy hơn nữa. |
Hay như những thông tin trên Tik Tok, Ts. Goundar lưu ý đã có một số ý kiến chỉ trích thuật toán phân phối nội dung của nền tảng số này, chủ yếu liên quan đến các vấn đề về tính minh bạch và công bằng. Một số vấn đề thường được nêu ra là: Thiếu minh bạch (thuật toán độc quyền và không được công khai), nội dung chưa được phân phối công bằng và hàm chứa thiên kiến, thiên vị trong thuật toán (các nghiên cứu cho thấy có thiên kiến chống lại một số nhóm nhất định) và “bong bóng lọc” – filter bubble (người dùng chỉ tiếp xúc với nội dung phù hợp với sở thích và tín ngưỡng của họ, dẫn đến sự thiếu đa dạng về quan điểm và ý kiến).
“Có trường hợp thuật toán của TikTok thậm chí đã quảng bá nội dung độc hại hoặc không phù hợp, chẳng hạn như video cổ xúy cho chứng rối loạn ăn uống hoặc tự ngược đãi bản thân. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về tính hiệu quả của thuật toán trong việc xác định và xóa nội dung có hại khỏi nền tảng”, Ts. Goundar chỉ rõ.
Nói chung, nhìn vào mối nguy về thông tin giả như đã nêu trên đang đòi hỏi các cơ quan quản lý, khâu chính sách và ngành báo chí ở Việt Nam cần sớm có những giải pháp mạnh mẽ để không “ngủ gật trên vai người khổng lồ AI".
Trong chuyện này, theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, các cơ quan quản lý trong nước nên tham khảo, nghiên cứu sâu về hệ lụy từ sự lũng đoạn, thao túng, bành trướng của những thông tin giả do AI tạo ra đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và chính trị ở nhiều quốc gia trên thế giới và cách xử lý của chính phủ ở các quốc gia đó như thế nào. Để từ đó, Việt Nam xác lập chiến lược ứng phó riêng cho mình và bổ sung những chính sách nắn chỉnh phù hợp.
Về phía các cơ quan báo chí và các nhà báo, ông Dũng nhấn mạnh, bên cạnh việc khai thác mặt tích cực của AI thì phải chủ động nhận diện được các tác hại quanh thông tin giả từ AI nhằm có chiến lược số thích ứng để không phải bị “vùi dập”. Và trong “cuộc đua” chống lại mối nguy tin giả này đang đòi hỏi các nhà báo sẽ ngày càng phải nhanh nhạy hơn nữa nếu không muốn AI “chiếm sóng” thông tin.
Thế Vinh