Từ góc độ nhà cung cấp giải pháp công nghệ hỗ trợ mô hình ngân hàng mở (Open Banking), bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh Đông Nam Á của akaBot (một đơn vị tiên phong về công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot - RPA thuộc FPT Software), cho rằng từ mô hình truyền thống đến mô hình “ngân hàng mở”, tất yếu trong ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ diễn ra những thay đổi.
Phải "mở" một cách đồng bộ
Như chia sẻ của bà Thành, ngân hàng có những đặc điểm rất đặc thù về cơ cấu hoạt động, chuyên môn nghiệp vụ, nên công nghệ song hành với chuyển đổi số ngân hàng cũng cần có khả năng đáp ứng những yêu cầu rất đặc thù đó.
Đây là lý do mà một số công ty công nghệ tự định vị mình là giải pháp tự động hoá, tối ưu vận hành có tính chất “may đo” cho các ngân hàng để phát triển "ngân hàng mở".
Chỉ có công nghệ số mới giúp ngân hàng rút ngắn khoảng cách giữa thực tế với nhu cầu của khách hàng hoặc thị trường. |
Theo bà Thành, “ngân hàng mở” nghĩa là các yếu tố đều cần phải mở một cách đồng bộ, từ chiến lược, định vị giá trị, mô hình vận hành, cơ cấu kinh doanh cho tới văn hoá doanh nghiệp.
Trước đây, trong tư duy cũ, quản trị thay đổi là toàn bộ những chiến lược, kế hoạch, phương thức, hành động để phản ứng, thích nghi và giải quyết các vấn đề xung quanh kết quả của một sự thay đổi, cải tiến nào đó.
Tuy nhiên, vị giám đốc kinh doanh của akaBot ở khu vực Đông Nam Á tin rằng đã đến lúc ngân hàng và các tổ chức tài chính cần thay đổi chiến lược quản trị thay đổi. Không chờ thay đổi xuất hiện rồi mới đáp ứng. Không nên bị động trước sự thay đổi, trước xu hướng “mở”.
Đặc biệt là cần chủ động dẫn dắt và quy hoạch mọi sự thay đổi. Đây chính là chiến lược đúng đắn giúp kiến thiết những giá trị nền tảng cho ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số toàn diện.
Thời gian gần đây, mô hình “ngân hàng mở” được cho là đã giúp các nhà băng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích nhất cho khách hàng.
Điển hình, các ngân hàng thương mại đã hiện đại hóa công nghệ đa tiện ích như mobile banking, internet banking, contactless payment, QR code… cho phép kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống như thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến…
Các ngân hàng VietinBank, Agribank, BIDV, VPBank, Vietcombank... đều đã triển khai ngân hàng mở. Ví dụ, VietinBank đã phát triển nền tảng chia sẻ giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) mang tên VietinBank iConnect.
Hiện, VietinBank đã có hơn 127 API được cung cấp trên thị trường với hơn 73 đối tác trên nền tảng iConnect; BIDV đã thúc đẩy và hoàn thiện cổng thanh toán theo hướng ngân hàng mở (BIDV Paygate) kết nối với gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ và các trung gian thanh toán.
Điều này cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, Internet, viễn thông, mua vé máy bay, vé xem phim, học phí, viện phí, nộp thuế và các dịch vụ công không dùng tiền mặt; ứng dụng ngân hàng số Timo Plus kết hợp Bản Việt Bank...
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank đánh giá, việc việc phát triển “ngân hàng mở” giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm giao dịch tài chính, tiết kiệm chi phí qua trung gian và quản lý tài chính tốt hơn. Về phía ngân hàng sẽ thiết lập được hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, đồng thời mở rộng dịch vụ sản phẩm, khai thác được tệp khách hàng mới.
Theo Deloitte, “ngân hàng mở” tạo ra sự “mở cửa” của dữ liệu giao dịch khách hàng. Không chỉ có khách hàng và ngân hàng, mà còn có các nhân tố khác. Những nhân tố mới xuất hiện khiến cho hệ sinh thái này trở nên linh hoạt và sôi động hơn.
Tối ưu vận hành như… pha một ly cà phê
Trong mô hình “ngân hàng mở”, theo Deloitte, dữ liệu khách hàng được chia sẻ, nhiều nhân tố khác tham gia vào mô hình thay vì chỉ có ngân hàng và khách hàng. Lúc này, bản thân các ngân hàng sẽ cần chuyển mình phù hợp với các yếu tố mở: Mở về thông tin, về chiến lược, định vị giá trị, mở về mô hình vận hành, mở về văn hoá, và dĩ nhiên phải mở về công nghệ.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, chỉ có công nghệ số mới giúp ngân hàng rút ngắn khoảng cách giữa thực tế với nhu cầu của khách hàng hoặc thị trường. Một khi tối ưu vận hành, ngân hàng sẽ dồn được nhiều nguồn lực hơn để tập trung cho những mục tiêu hay giá trị cần được ưu tiên cao hơn.
Trong mô hình “ngân hàng mở”, yếu tố an toàn dữ liệu và linh hoạt vận hành luôn đóng vai trò quan trọng. Với việc hướng tới Siêu tự động hoá Hyperautomation (tập hợp một số thành phần của quá trình tự động hóa, tích hợp công cụ và công nghệ), sự kết hợp của các công nghệ lõi này sẽ giúp ngân hàng đảm bảo được hai yếu tố đó.
Khi công nghệ làm tốt vai trò của mình tại từng phòng ban, bộ phận, vận hành doanh nghiệp sẽ đảm bảo đáp ứng được những thay đổi từ việc ứng dụng chiến lược “ngân hàng mở”.
Dưới góc nhìn của một nhà phát triển công nghệ dành cho “ngân hàng mở”, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành đã so sánh việc tối ưu vận hành tương tự với việc pha một ly cà phê. Có rất nhiều biến số trong mô hình “ngân hàng mở”, cũng giống việc có rất nhiều yếu tố để tạo nên một ly cà phê ngon, đúng khẩu vị người dùng.
Do đó, bên cạnh sản phẩm, giải pháp như công cụ tốt nhất để pha cà phê, cần có kỹ năng, kinh nghiệm tốt của đơn vị triển khai, họ cũng giống như những Barista (những người làm công việc pha chế cà phê) am hiểu nghệ thuật pha cà phê, đặc biệt là am hiểu người uống.
“Trong hành trình chuyển đổi số với mô hình “ngân hàng mở”, đúng đối tác công nghệ, ngân hàng sẽ có những bước chuyển thần tốc, ấn tượng và bền vững. Trong một khái niệm mới về “Quản trị thay đổi”, công nghệ đóng vai trò kiến tạo, tối ưu và dẫn lối cho những giá trị mới trong vận hành của ngân hàng”, bà Thành khẳng định.
Thế Vinh