Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, Giám đốc CTCP BeBoss Consulting cho rằng, nhờ có báo chí mà các chủ DN nhỏ và vừa dần nhận thức hơn về vai trò văn hoá trong DN giữa lúc khó khăn này.
Lúc khó có báo chí
Và trong những thời điểm đầy âu lo của DN từ tác động của những đợt bùng dịch Covid-19 với đầy rẫy những thông tin đa chiều, ông Tuấn nhấn mạnh, DN rất cần những thông tin chính thống, nhanh nhạy trên báo chí để trở thành điểm tựa nhằm xử lý khủng hoảng một cách hợp lý nhất.
![]() |
Doanh nghiệp rất cần vai trò sát cánh, hỗ trợ, đồng hành của báo chí trong những giai đoạn đầy khó khăn. |
Theo vị luật gia này, nhờ báo chí tuyên truyền mạnh về các giải pháp chuyển đổi số, họp trực tuyến mà DN suy nghĩ nhiều hơn về các giải pháp vừa mang tính nhân văn, vừa kinh tế để giữ chân nhân viên qua các thiết bị thông minh, cũng như áp dụng các giải pháp công nghệ số cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời Covid.
“Chính nhờ báo chí tuyên truyền kịp thời mà những chủ DN như chúng tôi đã suy nghĩ để học hỏi mô hình kinh doanh khác hiệu quả hơn trong những giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Đó là việc sản xuất kinh doanh phải khác biệt với mô hình theo kiểu truyền thống. Kể cả việc tiếp thị, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu của DN qua các cơ quan báo, đài cũng phải thực tế hơn so với trước đây”, ông Tuấn nói.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê về tình hình đăng ký kinh doanh DN trong tháng 5/2021 trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 cho thấy, có 4.892 DN quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Và điểm đáng chú ý là có 3.400 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2020; 4.234 DN chờ làm thủ tục giải thể, tăng 37,3%; 1.279 DN đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 33%.
Rõ ràng là làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với tốc độ lây lan nhanh, phức tạp, đã gây ra những gián đoạn và thách thức đối với DN, nền kinh tế. Nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của DN.
Trong bối cảnh như vậy, các DN lại cần đến sự sát cánh, hỗ trợ hơn nữa về mặt thông tin tuyên truyền từ các cơ quan báo chí chính thống để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đủ sức để “vượt bão” Covid-19.
Ở góc độ một DN có quy mô vừa và nhỏ, bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ tổng hợp Quang Thuận (Tiền Giang) cho biết, điều mà DN cần báo chí trong lúc này là tiếp tục hỗ trợ các thông tin chính thống, kịp thời từ Nhà nước về chính sách hỗ trợ, quy định pháp luật cho DN.
Ngoài ra, theo bà Nương, báo chí cần tiếp tục phổ biến kiến thức, thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia để trong giai đoạn đầy bất trắc do tác động của dịch bệnh, DN hiểu rõ hơn về thách thức cũng như cơ hội nhằm có chiến lược nắm bắt, phát triển.
Cần đáp ứng nhu cầu thông tin
“Chúng tôi cũng mong báo chí tiếp tục phản ánh đúng tình hình kinh tế xã hội để khắc phục những vấn nạn còn tồn tại, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, đồng thời tuyên dương các gương có hành động tốt cho xã hội”, bà Nương chia sẻ.
Mặt khác, theo vị giám đốc đối ngoại này, báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các dự thảo luật hơn nữa để tránh tình trạng người dân, DN không phát huy tốt quyền của mình trong việc đóng góp xây dựng luật, mà lại phản ứng mạnh khi luật đã được ban hành.
Xoay quanh vai trò hỗ trợ, sát cánh của báo chí với DN để vượt qua khó khăn trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý có 3 vấn đề mà DN cần báo chí hỗ trợ trong lúc này.
Thứ nhất là đưa thông tin về diễn biến đại dịch nhanh chóng, kịp thời, dễ hiểu, gần gũi. Các DN rất cần những thông tin chính thống từ báo chí để họ kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội và các thông tin từ nước ngoài.
Thứ hai là DN rất cần các cơ quan báo chí thông tin về các gói hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức khác trong đợt dịch lần thứ 4 này, cùng những điều kiện mà phía DN được hưởng. Đây là thông tin quan trọng mà DN đang quan tâm vì có nhiều DN đã bị “nằm ngoài” những gói hỗ trợ trước đó.
Thứ ba là báo chí cần có những thông tin gợi ý về những chính sách để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Chẳng hạn như các DN nhỏ và vừa cần những chính sách hỗ trợ cụ thể về giảm thuế, tín dụng, đất đai; hoặc từng vùng, khu vực, ngành nghề cũng cần thêm những chính sách hỗ trợ sát thực tế hơn.
Đặc biệt, theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, trong giai đoạn Covid-19 đợt 4 còn diễn biến còn phức tạp, báo chí cần hỗ trợ thông tin cho DN trong việc tìm kiếm thị trường và kênh phân phối. Đây là điều rất quan trọng khi dịch bệnh làm chuỗi cung ứng đứt gãy, việc vận chuyển và đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn.
Không chỉ vậy, chuyên gia này cho rằng, báo chí cũng nên có những hoạt động tư vấn cho DN để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhất là tư vấn cho đầu ra sản phẩm tiêu biểu của địa phương, vùng miền, tư vấn về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu…
Thế Vinh
![]() |