2023 được đánh giá là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động của các yếu tố từ cả bên trong và bên ngoài. Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức, đơn hàng suy giảm rõ rệt. Khó khăn này thể hiện ở con số của Tổng cục Thống kê khi 5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường là 88 nghìn DN, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17,6 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Phản ánh kịp thời vướng mắc chính sách
Trong bối cảnh khó chồng khó, vai trò của báo chí trong việc đồng hành, chia sẻ những khó khăn, tháo gỡ những nút thắt về chính sách lại càng trở lên quan trọng hơn bao giờ hết.
Điển hình, thông tin hàng nghìn tỷ đồng tại các dự án "mắc kẹt" bởi quy định phòng cháy chữa cháy đã được đăng tải trên khắp các mặt báo những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2023. Ngay sau khi báo chí vào cuộc, ngày 5/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Lăng kính báo chí ghi lại mọi hoạt động của doanh nghiệp, "hơi thở" của nền kinh tế. |
Cũng liên quan đến vấn đề chính sách, câu chuyện chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các DN ngành dệt may, cao su, sắn, gỗ,… cũng được báo chí vào cuộc trong suốt hơn một năm qua. Lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng DN, ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 470/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, DN. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế VAT một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, DN,…
Bên cạnh đó, những chương trình đối thoại chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà DN gặp phải đều được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương phản ánh kịp thời. Từ đó, nhiều thủ tục hành chính đã được bãi bỏ, thêm vào đó là các hỗ trợ như giảm lãi suất, giảm thuế…
Có thể thấy, báo chí đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của DN, doanh nhân; những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho DN vững tin kinh doanh sản xuất.
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho biết, tiếp cận thông tin báo chí về chính sách giảm thuế VAT hay giảm lãi suất…, DN đã chủ động điều chỉnh giảm báo giá đầu ra, xây dựng bảng giá cạnh tranh và điều chỉnh sản xuất kinh doanh linh hoạt.
Theo ông Tuấn, các chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước khi mới được ban hành cần chuyển tải kịp thời đến xã hội. Tuy nhiên, các chỉ đạo này nếu không được thông tin một cách đầy đủ thì vẫn có thể bị "bóp méo", nhưng khi các cơ quan báo chí chính thống nhập cuộc và diễn giải rõ ràng, phân tích thông tin đa chiều sẽ giúp chuyển tải chính sách đến gần với người tiếp nhận, giảm áp lực xã hội lên chính sách.
Để mối quan hệ vững chắc
Tương tự, đại diện một DN bày tỏ: “Có quan điểm cho rằng, hiện nay, nhiều DN "sợ" báo chí nhưng tôi nghĩ điều này không chính xác. Việc báo chí phản ánh trung thực hoạt động, đánh giá tồn tại của đơn vị... giúp DN nhìn nhận, khắc phục và hoàn thiện ngày càng tốt hơn. Đây là mối quan hệ gắn bó, cần tiếp tục phát huy. Cùng với đó, DN cần lựa chọn kỹ lưỡng hơn nữa các kênh thông tin để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá".
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Thị Minh Thanh cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của cộng đồng DN, báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Những sự tư vấn kịp thời về truyền thông để DN phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, cũng như xử lý tốt nhất những rắc rối trong khuôn khổ pháp luật là việc mà DN rất cần hiện nay.
Nhấn mạnh vai trò của báo chí truyền thông, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, báo chí có những bước phát triển mới, linh hoạt hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, ở thời đại nào, trong bối cảnh nào thì báo chí vẫn phải xây dựng được 2 nền tảng. Truyền thông chính thống là phải bảo vệ được quyền và nghĩa vụ chính đáng của Nhân dân, là kênh tin cậy để Nhân dân gửi gắm và có những tiếng nói phản biện, đóng góp tích cực cho đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội; Ngoài bảo vệ Nhân dân, báo chí cũng cần tuyên truyền tích cực và góp ý về những hạn chế để xây dựng một chính quyền phục vụ, phục vụ ở đây là phục vụ Nhân dân, phục vụ DN.
Theo ông Hùng, những sự tư vấn kịp thời về truyền thông để DN phát triển thương hiệu, sản phẩm của mình, những cách “đứng bên cạnh” và tìm giải pháp hợp lý giúp DN xử lý tốt nhất những khó khăn khi thực hiện khuôn khổ pháp luật là việc mà cộng đồng DN rất cần trong công tác truyền thông hiện nay.
Để mối quan hệ báo chí – DN được vững chắc, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng là DN chủ động cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí và báo chí cần minh bạch hơn trong việc xử lý thông tin để trở thành người bạn đồng hành cùng DN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Trong chiến tranh hay hòa bình, báo chí đều thể hiện vai trò quan trọng. Báo chí đi tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách; Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả… Chính phủ mong muốn báo chí phát huy hơn nữa tinh thần báo chí cách mạng để tiếp tục truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến nhân dân và phản ánh nguyện vọng, ý chí của nhân dân, nhất là những chính sách tác động lớn như Luật Đất đai, chủ trương đổi mới trong lĩnh vực kinh tế… Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh DN mong muốn cơ quan báo chí cần tăng tính kết nối, lan tỏa giá trị tích cực. Theo đó, cần tạo quan hệ gắn kết đồng hành hơn nữa với cộng đồng DN. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, không ngừng xây dựng lòng tin, luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hoạt động phát triển DN, doanh nhân. Đồng thời, báo chí phải không ngừng xây dựng quy tắc chuẩn mực phóng viên, chuẩn mực đạo đức văn hóa nghề báo. Hạn chế tối đa những thông tin lệch lạc, không đúng thực tế, bởi thực tế cho thấy chỉ cần một bài báo thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nhân, DN. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải Các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Bộ Công Thương với dư luận, kịp thời tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, các giải pháp của Chính phủ, của Bộ Công Thương đang thực hiện hàng ngày, từ đó giúp người dân, DN có được thông tin chính xác, kịp thời về những hoạt động của ngành. Theo đó, công tác thông tin, báo chí là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương trong giai đoạn này. Dù đã có nhiều thành tựu trong thời gian qua song còn nhiều nhiệm vụ khó khăn, đặt ra áp lực nặng nề với ngành, với Bộ Công Thương trong thời gian tới. Theo đó, sự đồng hành, sẻ chia của các cơ quan báo chí sẽ góp phần giúp Bộ Công Thương hoàn thành mục tiêu này. |
Nhật Linh