Theo ban tổ chức, giải báo chí lần này sẽ tập trung viết về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 19-NQ/TW và chương trình, kế hoạch hành động tại Nghị quyết 26/NQ-CP.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. |
Trong đó, trọng tâm là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; Viết về các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu như hợp tác xã, tổ hợp tác... trong nông nghiệp, các mô hình làm nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết đa giá trị, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, áp dụng chuyển đổi số trong các khâu từ sản xuất đến sơ chế, chế biến.
Đặc biệt trong lần đầu phát động này, ưu tiên các bài/tác phẩm viết về các mô hình phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, hữu cơ mang lại hiệu quả thực tế cao trong sản xuất, ứng dụng và có khả năng nhân rộng; về gương những nông dân điển hình, năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai; những phong trào, cách tổ chức thực hiện trong xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh.
Theo bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" là ba thành tố có vai trò, vị trí rất quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết.
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn", bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết.
Trước bối cảnh đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc…
Thy Lê