Ông Lê Quốc Hiệp, Giám đốc một doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong lĩnh vực cơ khí ở Tp.HCM, cho biết trong suốt 2 năm chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 và đang trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch như hiện nay thì báo chí chính thống đã đáp ứng rất tốt nhu cầu thông tin cho phía DN.
Lúc doanh nghiệp cùng cực đã có báo chí kề bên
Theo ông Hiệp, thông qua thông tin truyền tải của báo chí đã giúp DN nắm bắt kịp thời các gói hỗ trợ của Chính phủ trong hơn 2 năm nay. Báo chí chính là cầu nối quan trọng, đón nhận và phản ánh kịp thời vào những giai đoạn khó khăn, cùng cực nhất của DN cần đến.
Phụng sự xã hội đã được các nhà báo thể hiện rõ nét trong suốt 2 năm chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. |
“Tôi chỉ biết cảm ơn sự nhiệt tình hết mình của các nhà báo. Nhờ những phản ảnh của họ mà các cơ quan có trách nhiệm đã hiểu rõ hơn tình cảnh thực tế của các DN để từ đó ra các quyết sách phù hợp nhằm giúp chúng tôi tránh khỏi đi vào con đường chết”, ông Hiệp nói.
Đánh giá cao vai trò của báo chí, vị giám đốc này mong muốn báo chí sẽ tiếp tục đồng hành để góp phần giúp các DN vừa và nhỏ khôi phục hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn đầy bất trắc trong thời gian qua.
Bàn về vai trò báo chí với DN trong 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 và đang trong giai đoạn phục hồi như hiện nay, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định vào những thời khắc khó khăn nhất như thời gian vừa qua, hơn 90% DN đã tham khảo những thông tin đắt giá từ các cơ quan báo chí nhằm có cơ sở để xử lý, đưa ra những quyết định quan trọng cho công việc sản xuất kinh doanh của mình.
Như chia sẻ của ông Dũng, các thể loại thông tin của cơ quan báo chí đã làm rất tốt, giúp ích rất nhiều cho phía DN trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch cũng như thời điểm hiện tại.
Thứ nhất là báo chí đã thông tin chi tiết các cơ chế, chính sách về hỗ trợ của Nhà nước với các DN chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Không chỉ thông tin, báo chí còn hướng dẫn để DN có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ một cách phù hợp nhất. Không chỉ là kênh thông tin tham khảo, giúp DN tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ.
Thứ hai là những khó khăn của phía DN đã được báo chí chuyển tải đến các cơ quan có trách nhiệm để họ hiểu và có giải pháp xử lý. Nhất là vào những thời điểm DN “đói” vốn, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, thiếu hụt nguyên vật liệu…
Góp phần giữ vững niềm tin giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước
Có thể nói, báo chí đã trở thành người “bạn thân” của DN. Những khó khăn, giải pháp của DN vượt khó đã được báo chí phản ánh kịp thời, đơn cử như “mô hình ba tại chỗ”.
Thứ ba là báo chí đóng vai trò cầu nối giữa DN với chính quyền và cơ quan quản lý. Nhất là khi các cấp chính quyền và cơ quan quản lý có phản hồi, trả lời, chia sẻ những thông tin mới nhất thì đều được báo chí chuyển tải thông tin đến phía DN nhằm giúp họ có giải pháp để tự cứu mình và phục hồi sau đại dịch.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia, vai trò của báo chí trở nên rất quan trọng đối với các hoạt động trong công cuộc cải cách, phát triển nền kinh tế nói chung và đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng sau đại dịch Covid-19.
Riêng về vai trò của báo chí Việt Nam trong suốt đại dịch Covid-19 cũng như hậu đại dịch như hiện tại, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng nhờ năng lực mạnh mẽ của báo chí, có tính lan toả rộng rãi, vừa đóng vai trò hướng dẫn, giáo dục…đã giúp cho người dân nắm bắt, biết được những câu chuyện mang tính dồn dập, diễn biến nhanh, đột xuất giữa đại dịch, cùng với đó là những quyết sách, giải pháp từ Trung ương cho đến địa phương.
“Đó là cuộc chiến đấu có một không hai của báo chí. Từ những vấn đề nóng về phòng chống dịch bệnh, vắc xin, tiêm chủng…đều cho thấy sự nhanh nhạy rất cao về mặt thông tin đến từ các cơ quan báo chí trong suốt hơn 2 năm qua. Đó là cả sự nỗ lực, tính chuyên nghiệp của báo chí, là cánh tay nối dài truyền tải thông tin phản hồi của người dân đến chính quyền vào những lúc cấp thiết nhất”, ông Dũng nói.
Trách nhiệm của các cơ quan báo chí đã thể hiện trong thời điểm đó. Nếu không có báo chí chính thống thông tin thì người dân có thể sẽ vất vả, bơ vơ trước luồng thông tin đầy bất an từ các kênh phi chính thống và không biết được những thông tin quan trọng dành cho họ.
Hoạt động của báo chí cũng góp phần giữ vững niềm tin giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đó cũng là một trong những lý do giúp người dân tuân thủ tốt hơn các hạn chế liên quan đại dịch và tiến đến đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
Các cơ quan truyền thông báo chí đã dành thời lượng ưu tiên hàng đầu quanh chủ đề về đại dịch Covid-19 từ sáng sớm cho đến tối khuya. Họ đã cố gắng duy trì và xây dựng lòng tin của người dân luôn nỗ lực đưa tin “chính xác, khách quan và kịp thời”.
Những phóng sự, các bài phản ánh đã theo sát mọi diễn biến giữa đại dịch. Đó là sự đầu tư có tính trách nhiệm của các nhà báo bất chấp nguy cơ lây nhiễm. Đây được cho là sự hy sinh lớn lao của nhà báo và các cơ quan báo trong suốt hơn 2 năm qua.
“Rõ ràng đây là kỳ tích với các nhà báo. Đó cũng là công lao của báo chí cách mạng với sự phụng sự xã hội được đặt lên hàng đầu vào những lúc khó khăn nhất như vậy”, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng khẳng định.
Thế Vinh