Bàn về chuyện số hóa trong doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải nhân việc Bộ GTVT vừa ban hành thông tư mới với các quy định mới về lệnh vận chuyển điện tử, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết đến nay có khoảng trên 500 DN đã thực hiện chuyển đổi số.
“Phép thử” với doanh nghiệp vận tải
Theo ông Quyền, việc chuyển đổi số được thực hiện một cách toàn diện, gồm chuyển đổi số trong phục vụ quản trị DN, trong mối quan hệ với khách hàng (bao gồm chủ hàng, hành khách đi lại thông qua các hình thức bán vé, các hình thức hợp đồng) và trong mối tương tác với cơ quan quản lý nhà nước như với ngành thuế, Sở GTVT, với các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Trước xu hướng số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc là đổi mới để phát triển hoặc là đứng yên để thụt lùi. |
Tuy nhiên, như chia sẻ của vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, theo đánh giá chung thì có khoảng trên 30% số DN trong ngành vận tải đã thực hiện chuyển đổi số thông qua việc ký kết các hợp đồng sử dụng dịch vụ của những đơn vị cung cấp chuyển đổi số trong ngành vận tải.
Như vậy có thể thấy, hiện còn khoảng 70% số đơn vị vận tải chưa thực hiện chuyển đổi số, được cho là do đang gặp khó khăn về tài chính. Điều đáng nói, những quy định mới của Nhà nước như việc sử dụng hoá đơn điện tử hay lệnh vận chuyển điện tử đang buộc các DN ngành này vào tình thế phải đẩy nhanh số hóa.
Cần nhắc thêm là gần đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép lùi thời hạn thực hiện hoá đơn điện tử, áp dụng đối với các bến xe và các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô đến hết ngày 30/6/2023 để các đơn vị có thời gian thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Từ đó cũng cho thấy sự chậm chạp của phần lớn các DN vận tải giữa bài toán "sống còn” trước số hoá. Theo giới chuyên gia, ngoài việc cần đẩy nhanh chuyển đổi số để đáp ứng các quy định về quản lý của Nhà nước, bản thân các DN vận tải cũng nên nhìn nhận với cách làm truyền thống như lâu nay sẽ khiến cho họ khó có khả năng trụ vững lâu dài.
Chẳng hạn như với thị trường vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách đường dài, được cho là đang vận hành khá thủ công. Do chậm đổi mới theo công nghệ số nên nhiều DN dù có đầu tư phương tiện mới cho đến việc điều hành khai thác nhưng vẫn không đạt được kết quả cao, dẫn đến hành khách khi đi xe đường dài phải chịu chi phí cao và chất lượng dịch vụ lại không đồng đều…
Trong khi đó, sức cạnh tranh sẽ được nâng lên rõ rệt nếu các DN vận tải chuyển đổi từ cách làm truyền thống sang việc ứng dụng công nghệ số ở các khâu: Tổng đài đặt vé tự động, phần mềm quản lý bán vé, website bán vé online, ứng dụng đặt vé cho hành khách, ứng dụng đón trả khách cho tài xế và ứng dụng quản lý dành cho chủ DN để nắm bắt các hoạt động kinh doanh vận tải.
Chậm chuyển đổi khó tránh thụt lùi
Đặc biệt, theo giới chuyên gia, có những DN kinh doanh vận tải sau khi ứng dụng việc chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã tiết kiệm đến 20% chi phí vận hành và tăng từ 10 - 30% doanh thu, đồng thời mở rộng không ngừng quy mô nhờ vào việc quản lý vận hành hoàn toàn tự động.
Cho nên, với 70% đơn vị vận tải chưa thực hiện chuyển đổi số, dẫu biết tình hình tài chính còn hạn hẹp, nhưng cũng nên đẩy nhanh việc số hoá thay cho cách làm truyền thống để vừa đáp ứng quy định của Nhà nước vừa vận hành hiệu quả hơn, cạnh tranh tốt hơn.
Ngoài bài toán “sống còn” trong chuyện số hoá của các DN kinh doanh vận tải, nói về mặt hạn chế trong chuyển đổi số của các DN Việt (đặc biệt là các DN nhỏ và vừa), Phó giáo sư Watkins (Đại học RMIT) cho rằng, vấn đề chính họ gặp phải là thiếu lãnh đạo am hiểu quá trình chuyển đổi số.
Đó là vì lãnh đạo DN có chiến lược chuyển đổi số chưa phù hợp, thiếu định hướng, với mức độ tương tác trong DN quanh chuyển đổi số ở mức khá thấp. Họ nhìn nhận có phần tiêu cực về đầu tư cho công nghệ định hướng dữ liệu và nhân viên cũng có nhận thức tương tự về nền tảng kỹ thuật số.
Vị chuyên gia của RMIT cũng có lời khuyên cho các DN Việt về tham vọng “chuyển đổi số” cần vượt xa khỏi số hoá nhằm tạo ra “các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới và làm suy yếu các cách thức cung cấp dịch vụ hiện có”.
“Mục tiêu của chuyển đổi số không phải là cải tiến một lần đối với các quy trình hiện có, cũng không nên mong đợi kết quả tức thì. Thay vào đó, chuyển đổi số thực sự sẽ đổi mới mô hình kinh doanh, sử dụng dữ liệu hoạt động và dữ liệu khách hàng nhằm liên tục tạo ra giá trị mới trong thời gian dài”, Phó giáo sư Watkins lưu ý.
Còn đứng ở góc độ một DN Việt đang có những bước đi khá thành công nhờ chủ động số hoá, ông Nguyễn Văn Đức, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao SIBA, cho rằng phía DN chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc là đổi mới để phát triển hoặc là đứng yên để thụt lùi. Nếu cứ bảo thủ không thay đổi thì sẽ dần thụt lùi lại phía sau, trở nên lạc hậu và cuối cùng là lụi tàn.
Như chia sẻ của ông Đức, việc thực hiện chuyển đổi số cho DN Việt chưa bao giờ là điều dễ dàng. DN đối mặt với rất nhiều vấn đề thách thức như lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp, chi phí đầu tư, mất rất nhiều thời gian triển khai, đào tạo nhân lực thích nghi với công nghệ mới…
“Nhưng chúng tôi tin rằng trong thách thức luôn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi thực hiện chuyển đổi số một cách quyết liệt hơn. Và rõ ràng, sau khi thực hiện chuyển đổi số đã mở ra rất nhiều hướng phát triển mới”, ông Đức nói.
Thế Vinh