Ở góc độ một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành hàng đồ uống chịu nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua, trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết trước đây sản phẩm của công ty xuất khẩu (XK) đi 14 quốc gia trên thế giới, nhưng bây giờ chỉ có thể xuất đi Nhật Bản và Singapore.
Chờ sự trưởng thành ở khối nội
Theo ông Hiến, thị trường được kỳ vọng rất lớn như EU, dù đã thiết lập tới giai đoạn thoả thuận xong, nhưng tình hình dịch bệnh buộc công ty phải tạm ngưng XK.
Các DN sản xuất đồ uống cần tập trung khai thác những xu hướng đang thịnh hành dưới thời Covid-19. |
“Tôi nghĩ rằng các DN khác vẫn có thể XK được hoặc cũng gặp khó khăn như công ty của mình. Và tôi hy vọng trong năm 2022, tình hình XK sẽ cải thiện trở lại khi toàn thế giới có những định hướng mới và chính sách an toàn hơn khi sống chung với dịch Covid-19”, ông Hiến nói.
Tổng giám đốc Bidrico lưu ý trong giai đoạn hiện nay, cơ hội XK trở lại như cũ là không thể làm ngay được, nhất là những khó khăn kéo dài trong vận tải biển đã làm giảm đi các chuyến hàng XK.
Không chỉ trong vấn đề XK, bài toán "sống còn" đang là thách thức rất lớn cho mảng sản xuất đồ uống của các DN Việt trước ảnh hưởng tiêu cực trong 2 năm liền của đại dịch. Thậm chí, như giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch Covid-19 lần 4 đã dẫn tới tỷ lệ DN trong ngành hàng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng lên tới hơn 91%.
Trong suốt 2 năm nay, với tác động kéo dài của đại dịch khiến cho nhiều DN lớn trong mảng sản xuất đồ uống sụt giảm doanh thu. Trong khi đó, bộ phận DN nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn với rào cản kỹ thuật từ thị trường, khối lượng hàng hóa nhỏ, chi phí logistics cao làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa.
Nhìn về năm 2022 sắp tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng những cơ hội giúp DN Việt trong ngành sản xuất đồ uống phục hồi phát triển sản xuất trong bối cảnh mới là đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cùng những hỗ trợ từ Chính phủ và sự nỗ lực từ nội tại của DN.
Theo ông Dũng, nền tảng để phát triển bền vững ngành hàng này dựa trên các điều kiện khung như chiến lược của Nhà nước, tận dụng tối đa cơ hội đến từ các FTA và đầu tư vào những công nghệ mới có tính tự động hoá, cũng như sự “trưởng thành của lực lượng sản xuất nội địa”.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và tác động tiêu cực từ dịch Covid -19 đòi hỏi các DN ngành hàng đồ uống phải xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới trong năm tới.
Giới chuyên gia nhấn mạnh cơ hội cho các DN ngành đồ uống là phải biết nắm bắt tâm lý tiêu dùng của khách hàng để có thể thay đổi phù hợp. Đặc biệt, theo khảo sát gần đây của một số công ty nghiên cứu thị trường, bên cạnh tính đa dạng và sẵn có của sản phẩm, uy tín thương hiệu là yếu tố mà người tiêu dùng ưu tiên xem xét khi lựa chọn sản phẩm đồ uống.
Khai thác xu hướng đang thịnh hành
Theo giới chuyên gia, các DN Việt có thể tập trung khai thác xu hướng đang thịnh hành dưới thời Covid-19 hiện nay là tiêu dùng các sản phẩm đồ uống theo “phong cách Zen” mang tính thuận tự nhiên, gần gũi, hướng về thiên nhiên, đặc biệt là các loại nước uống từ trái cây, thảo dược tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.
“Bắt nhịp” với xu hướng Zen, phải nhắc đến một “ông lớn” nội địa trong ngành sản xuất đồ uống là Nutifood mới đây đã “chào sân” dòng sản phẩm thảo dược, thảo mộc mang thương hiệu NutiZen nhằm khai mở xu hướng mới cực “hot” này.
Trong đó, có thể kể sản phẩm mới trà cây Kế Sữa được xem là “độc lạ” và duy nhất trên thị trường đồ uống hiện nay, được sản xuất từ cây Kế sữa, loại thảo mộc được mệnh danh là “thần dược của gan”.
Việc này không chỉ giúp DN sản xuất đồ uống “bắt nhịp” nhanh chóng với xu hướng mới, mà qua đó còn góp phần gia tăng giá trị cho các loại thảo dược, thảo mộc, trái cây Việt Nam.
Bàn về xu hướng tiêu dùng mới cho ngành hàng đồ uống, Ts. Huỳnh Thanh Điền - nhà tư vấn chiến lược cho DN, cho biết người tiêu dùng ưa chuộng và gia tăng tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, hữu cơ, thành phần dinh dưỡng lành mạnh, đóng gói bao bì hiện đại, tiện dụng.
Theo đó, các DN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đặt hàng và kiểm soát chất lượng từ xa dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ số để kết nối và tăng tương tác với người tiêu dùng cả trong quá trình sản xuất và giao thương.
Để có lời giải cho bài toán "sống còn" của DN sản xuất đồ uống giữa đại dịch, ông Điền nhấn mạnh các DN càn lựa chọn chiến lược và triết lý (tâm pháp) kinh doanh phù hợp với môi trường vĩ mô xung quanh DN và môi trường vi mô nội tại DN cũng là chìa khóa giúp DN dễ dàng thích ứng với tình hình mới.
Cuối cùng, các DN sản xuất đồ uống nên xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thông minh, dễ hiểu, dễ tiếp cận để có thể dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh trong năm tới.
Thế Vinh