Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, chuyên gia phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cho biết qua những dữ liệu thu thập được gần đây thì thấy rằng, ngành hàng FMCG đang đối mặt với sự sụt giảm ở các thị trường Tp.HCM, miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ.
Biết cách vượt khó
Tuy vậy, theo bà Dung, vẫn có những doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng này tăng trưởng dương khi biết cách vượt qua những vấn đề khó khăn trong đại dịch Covid-19 như năm 2021.
Các doanh nghiệp FMCG cần hiểu rõ khách hàng để đưa ra quyết định chính xác hơn, nhanh chóng thích ứng với thay đổi trong năm 2022 sắp tới. |
“Vẫn ghi nhận có những thương hiệu đạt được tăng trưởng rất cao trong giai đoạn này. Có thể đâu đó các DN tìm được cơ hội trong quá trình rủi ro của dịch bệnh”, bà Dung nói.
Chia sẻ tại hội thảo Việt Nam Business Outlook 2022 tổ chức ở Tp.HCM mới đây, vị chuyên gia của Nielsen lưu ý, trong thời gian qua với việc kênh thị trường truyền thống (TT) chịu rất nhiều sự sụt giảm và đó cũng là khó khăn chung của các công ty sản xuất trong ngành hàng FMCG.
Trong khi đó, các DN bám theo kênh phân phối hiện đại (MT) vẫn tỏ rõ khả năng trụ vững tốt hơn so với kênh TT giữa đại dịch này. Tính đến thời điểm tháng 10/2021 cả nước đã có 8.539 cửa hàng trong kênh MT, đang cho thấy có sức tăng trưởng mạnh ở một số chuỗi cửa hàng.
Ở một số mô hình cửa hàng trọng điểm như kênh siêu thị và đại siêu thị vẫn đang tăng trưởng tốt, đơn cử như Coop mart, Vinmart, Bách Hoá Xanh…
Và một trong những chuỗi cửa hàng tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua phải kể đến chuỗi cửa hàng liên quan đến dược phẩm. Như hệ thống nhà thuốc Pharmacity tăng 151 cửa hàng so với năm 2020.
Điều này không quá ngạc nhiên, nhưng tăng số lượng cửa hàng như vậy là điều để các DN trong ngành FMCG lưu tâm về những cơ hội mà mình cần nắm bắt nhằm duy trì đà tăng trưởng.
Hoặc như các chuỗi cửa hàng “mẹ và bé” (chuyên bán nhu yếu phẩm cho mẹ và bé), hay các chuỗi liên quan bán lẻ tiện dụng 24/7… vẫn trụ được và có mục tiêu tăng trưởng về mặt số lượng để tạo độ phủ trên thị trường.
Với năm 2022 sắp tới, nhiều ý kiến cho rằng sẽ là một năm vừa cơ hội, vừa thách thức đối với ngành FMCG. Việc chuẩn bị nền tảng là vô cùng quan trọng để DN Việt sẵn sàng bứt phá trong năm tới.
Và một trong những yêu cầu là DN phải hiểu hơn về khách hàng của mình nhằm hoạch định những cách tiếp cận chính xác hơn. Qua các cuộc khảo sát người tiêu dùng gần đây của Nielsen thấy rằng, 85% người tiêu dùng ở châu Á bắt đầu quan tâm đến vấn đề chi phí thay đổi hình thức mua sắm, tiêu dùng.
Tiếp tục chuyển mình, hiểu rõ khách hàng
Câu hỏi đặt ra là các nhà sản xuất cần thay đổi như thế nào, có chiến lược gì để tìm hiểu về 85% nhóm người tiêu dùng tương đối mới mẻ của mình?
Riêng với thị trường Việt Nam, qua khảo sát của Nielsen, đang có mức độ tăng dần số lượng người tiêu dùng trở nên nhạy cảm về mặt giá cả.
Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất FMCG phải tăng khuyến mãi, kèm 1 tặng 1, thay vì đóng gói sản phẩm nhỏ thì phải đóng gói to hơn nhằm khuyến khích người mua giảm chi phí.
Theo giới chuyên gia, bản thân các DN trong ngành hàng FMCG đang có sự chuyển mình khi người mua nhạy cảm về giá cả cũng như dựa trên tình hình dịch bệnh. Nhất là các nhà sản xuất bắt đầu gia tăng tiếp cận khách hàng bằng việc mở kênh bán hàng trực tuyến (online) hoặc bắt đầu có các dịch vụ trực tuyến.
Bản thân người mua sắm online quan tâm nhiều hơn đến mua sắm các mặt hàng nội địa với chi phí hợp lý hơn. Đại dịch khiến hoạt động cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, do đó, người tiêu dùng đang ưu tiên cho những sản phẩm hợp tác với các thương hiệu tại địa phương.
Một kết quả thăm dò mới nhất cho thấy 64% người tiêu dùng cho biết họ sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên sau giai đoạn “đỉnh” dịch Covid-19 khi thấy sự tiện lợi đối với họ. Hơn nữa, có đến 63% người tiêu dùng trong thời gian tới mong muốn tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn thay vì đi siêu thị.
Với kênh bán lẻ trong ngành FMCG, nhiều ý kiến nhận định trong năm 2022 sẽ còn đặt ra nhiều thách thức trong việc vận hành, chuỗi cung ứng. Theo đó, việc tối ưu kho bãi, tối ưu tốc độ giao hàng, điều chuyển hàng nội bộ, đảm bảo đóng gói, quy trình giao hàng chặt chẽ, chi phí hợp lý với khách hàng... đòi hỏi mọi thứ cần được thiết lập khoa học trước guồng quay hàng hoá quá lớn.
Nhiều nhà bán lẻ FMCG lớn cho biết, cần phải nhận ra nhóm khách hàng mục tiêu, chia nhỏ thành nhiều nhóm và truyền tải những thông điệp khác biệt, triển khai những chiến dịch khác nhau tới từng nhóm.
Với khả năng social listening (phương tiện quản lý truyền thông lắng nghe và theo dõi người dùng), các DN trong ngành FMCG có thể đưa ra quyết định chính xác hơn, nhanh chóng thích ứng với thay đổi.
Giới chuyên gia có lời khuyên, các DN sẽ buộc phải nắm được những nguy cơ, am hiểu người tiêu dùng để đón đầu tương lai của ngành hàng FMCG. Nhất là thị trường đang đối mặt với những thay đổi rất phức tạp. Các kênh bán hàng mới như thương mại điện tử đang thay đổi cục diện toàn ngành FMCG.
Các thương hiệu đang cần phải đối mặt rất nhiều thách thức để chuyển mình trong tương lai. Thị trường FMCG đang đứng ở điểm giao thoa giữa bán lẻ truyền thống và sự hội tụ kênh online – offline (ngoại tuyến), đó là khi bên bán cần hiểu rõ khách hàng để thích ứng với tốc độ thay đổi chóng mặt của thị trường trong năm 2022.
Thế Vinh