Theo phản ánh mới đây, nhà máy chế biến thịt thỏ ở xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có vốn đầu tư 6 tỷ đồng đã bỏ hoang trong 2 năm qua vì thiếu nguyên liệu và bấp bênh đầu ra.
Nghịch lý từ nhà máy... nửa vời
Tìm hiểu kỹ hơn thì thấy một nghịch lý là, trong khi nhà máy này dừng hoạt động, những người nuôi thỏ tại địa phương nhiều năm nay lại loay hoay tìm đầu ra.
Bài học về mối liên kết lỏng lẻo vẫn là nỗi lo trong hoạt động chế biến nông sản. |
Nguyên nhân là vì phía nhà máy (do CTCP thương mại sản xuất thực phẩm Hà Nội làm chủ đầu tư) được đầu tư chỉ chế biến thịt từ giống thỏ Newzealand.
Ban đầu, vùng nguyên liệu để phục vụ nhà máy này rất lớn với khoảng 12.000 con thỏ giống Newzealand được thả nuôi tại 1.100 hộ trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng, do giống thỏ này khi đưa về đây nuôi lại có sức đề kháng kém, dịch bệnh nhiều, khó phát triển, bị bệnh hay chết dần. Vì vậy, các nông dân địa phương chỉ nuôi thỏ cỏ, dẫn đến nguồn nguyên liệu tại chỗ như yêu cầu của nhà máy là không thể đáp ứng được.
Không chỉ thế, như phản ánh của chủ đầu tư nhà máy, các hộ nuôi thỏ ở địa phương đã bán thỏ ra thị trường bên ngoài vào thời điểm có giá cao thay vì nhập cho công ty, khiến nhà máy không có nguyên liệu sản xuất, phải nhập từ miền Bắc vào làm cầm chừng.
Cho nên, từ năm 2016, sau khi đi vào hoạt động được khoảng một năm thì tình hình nhà máy chế biến thịt thỏ trở nên khó khăn khi thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ. Cộng với đầu ra thiếu ổn định dẫn đến nhà máy chế biến này bị thua lỗ và chính thức “đắp chiếu” từ năm 2020 cho đến nay.
Quanh chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng bài toán về nguyên liệu đầu vào và đầu ra chưa được chủ đầu tư tính toán kỹ lưỡng, có phải vì đây là dự án được đầu tư nửa vời?
Từ đây cũng rất cần rút ra bài học về tính liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân vẫn còn khá lỏng lẻo, dẫn đến khó tránh khỏi chuyện “đắp chiếu” nhà máy chế biến.
Thực ra, đó cũng là tình trạng chung ở nhiều nơi khi liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản dù đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát. Đặc biệt là các DN chưa liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ để làm chủ thị trường.
Không những thế, do đa phần là các DN nhỏ và vừa, sử dụng công nghệ máy móc, thiết bị lạc hậu để sản xuất, sơ chế, chế biến, năng suất thấp, không có sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất đến tiêu thụ, thiếu nguồn vốn để đầu tư trang bị máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất nên sản phẩm có giá trị thấp, lợi thế cạnh tranh không cao.
Mối lo liên kết lỏng lẻo
Trong câu chuyện nhà máy chế biến thịt thỏ “đắp chiếu”, có thể thấy cả DN và nông dân đều thua thiệt vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là giống thỏ ngoại không thích nghi được với môi trường địa phương như dự tính ban đầu. Còn chủ quan là ở chỗ phía DN không lường trước được khó khăn về đầu ra cho sản phẩm chế biến, trong khi nông dân lại bán thỏ ngoại giá cao cho thương lái bên ngoài và nuôi giống thỏ cỏ (không như thoả thuận ban đầu).
Chính từ những nguyên nhân như vậy đã làm cho mối liên kết giữa DN với nông dân bị phá vỡ. Đây cũng bài học cho các địa phương vốn đang chú trọng phát triển các nhà máy chế biến nông sản nhưng chưa thật sự đề cao tính liên kết chặt chẽ giữa DN với nông dân.
Thực tế, ở nhiều địa phương, việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa DN chế biến và nông dân là có, nhưng chưa được thực hiện một cách toàn diện. Chính điều này làm cho tỷ lệ hàng hóa tiêu thụ nông sản qua liên kết còn thấp.
Theo giới chuyên gia, dù phát triển công nghiệp chế biến nông sản mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhưng thời gian qua vẫn có nhiều nhà máy chế biến nông sản gặp khó khăn vì thiếu tính liên kết với nông dân...
Đứng ở góc độ DN khi bàn về chuyện liên kết, trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc CTCP xuất nhập khẩu Vina T&T Group, cho biết điều mong mỏi của phía DN với các hợp tác xã (HTX) hay nông dân chính là cần minh bạch vùng trồng, cũng như minh bạch sự hợp tác, bảo đảm được uy tín.
Bởi lẽ, như lưu ý của ông Tùng, khi giá thị trường bên ngoài khá cao thì sản lượng nông sản cung cấp cho DN hầu như không đủ. Còn khi giá thị trường bên ngoài khá thấp thì lại chuyển rất nhiều về phía DN. Điều này rất khó cho các DN.
Vị tổng giám đốc của công ty xuất khẩu rau quả hàng đầu Việt Nam cho rằng mối liên kết giữa DN với các HTX và nông dân càng chặt chẽ bao nhiêu thì sẽ càng giảm được rủi ro cho các bên bấy nhiêu.
“Chúng ta đã qua cái thời cứ trông mong khi sản xuất ra nông sản lại sợ liên kết với DN, rồi khi giá lên lại sợ lãi không được nhiều. Trong khi đó, tại sao lại chấp nhận chuyện hên xui khi giá xuống chấp nhận lỗ, còn giá lên chấp nhận lời, như vậy sẽ rất là manh mún và không ổn định”, ông Tùng nói.
Thế Vinh