Bà Nguyễn Hương, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hạt Điều Vàng (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) cho biết, dù thuộc dạng quy mô vừa và nhỏ, lại đóng chân ở vùng sâu vùng xa, nhưng công ty vẫn đang hướng đến việc chế biến sâu sản phẩm hạt điều và mở rộng thị trường xuất khẩu (XK).
Chuyển tư duy đi theo xu hướng tiêu dùng
Hiện tại, doanh nghiệp (DN) này đang XK hạt điều chế biến sang Australia, Na Uy, Ba Lan, Nhật Bản và dự tính sẽ thâm nhập thị trường Mỹ trong thời gian tới, như một cách cụ thể hoá chiến lược mở rộng thị trường XK.
Đầu tư công nghệ chế biến sâu sẽ giúp nông sản Việt rộng cửa vươn xa đến những thị trường XK lớn. |
Mặc dù tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK, nhưng theo bà Hương, vẫn có những cơ hội cho DN khi thị trường quốc tế hiện nay khá mở, các kênh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển tốt. Điều này giúp cho việc XK sản phẩm nông sản chế biến sâu thâm nhập tốt hơn, nhanh hơn.
“Thế giới biết đến Việt Nam ngày càng nhiều khi kiểm soát tốt dịch Covid-19. Các sản phẩm nông sản chế biến sâu, chất lượng cao ở trong nước cũng hưởng lợi nhờ điều này và được người tiêu dùng quốc tế ưu ái lựa chọn”, bà Hương nói.
Với việc dành 80% sản lượng chế biến phục vụ cho XK, trao đổi với VnBusiness, vị giám đốc kinh doanh này cho biết thêm, công ty đang tiếp tục đầu tư các máy móc, công nghệ để chế biến sâu những sản phẩm hạt điều có giá trị cao hơn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ở từng thị trường. Và công ty cũng rất quan tâm đến các công nghệ thiết kế bao bì theo xu hướng tiêu dùng trên thế giới.
Còn ở góc độ của một nhà XK nước mắm truyền thống được bán chạy nhất trên sàn TMĐT toàn cầu Amazon, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods (sở hữu 2 thương hiệu nước mắm truyền thống là Mami và Hảo Hạng) nhấn mạnh, muốn mở rộng thị trường XK thì DN phải có tư duy đi theo xu hướng tiêu dùng của thế giới.
Nhằm giúp người tiêu dùng quốc tế ngày càng tiện lợi khi sử dụng các sản phẩm nước mắm truyền thống của Việt Nam, DN này đã trải qua hơn 10 lần thay đổi về mẫu mã, bao bì.
Về kinh nghiệm bán hàng trên Amazon, ông Linh lưu ý DN không thể mang hàng lên các sàn TMĐT rồi để đó, "vì chúng không tự chạy", mà đòi hỏi DN cần có chiến lược tiếp thị bài bản, chăm sóc khách hàng thường xuyên.
“Câu chuyện thành công của chúng tôi trên thị trường quốc tế chính là nhờ vào việc kiên trì đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, đảm bảo kiểm soát được an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường”, ông Linh nói.
Chia sẻ thêm về hoạt động mở rộng thị trường XK, vị chủ DN này cho biết, ngoài việc phải thay đổi về ý tưởng (concept) trong bán hàng, cần làm bao bì tinh tế, đơn giản và liên tục cải tiến dựa trên việc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng.
Rộng cửa vươn xa
Trong việc phát triển thị trường XK cho nông sản chế biến hiện nay dưới tác động của dịch Covid-19, giới chuyên gia lưu ý, các đối tác lớn của của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp và khắt khe đối với hàng hóa nông lâm thủy sản nhập khẩu.
Điều này đặt ra thách thức lớn cho hàng Việt Nam đáp ứng hàng rào kỹ thuật ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, sức ép dư cung được dự báo sẽ còn tiếp diễn, kèm theo là sức ép giảm giá nông sản trên thị trường thế giới.
Đặc biệt là xu hướng dư cung và giảm giá của một số mặt hàng nông sản có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới khi mà XK nông sản vẫn còn nặng về XK thô, trong khi dư địa cho sản phẩm thô đang giảm dần sẽ tạo áp lực lớn về đầu ra cho hàng hóa Việt Nam.
Do đó, việc phát triển nông sản chế biến sâu và mở rộng thị trường XK cho những sản phẩm này nhằm đối phó với xu hướng giảm giá, dư cung sản phẩm thô là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.
Như thông tin mới cập nhật từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có trên 7.500 DN chế biến nông lâm thủy sản có gắn với XK, mỗi năm chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông lâm thủy sản.
Tuy vậy, mặc dù công nghệ chế biến nông sản đã có nhiều cải thiện và nhiều DN đã có chuyển biến về mặt nhận thức, nhưng việc đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, tỷ lệ sản phẩm được áp dụng quy trình chế biến đồng bộ, chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phụ phẩm vẫn còn hạn chế.
Và điều mong mỏi trong việc các DN đầu tư chế biến có gắn với XK là nằm ở việc chế biến sâu, chế biến tinh để gia tăng giá trị nhiều hơn cho nông sản. Một khi đã có chế biến sâu thì DN sẽ rộng cửa vươn xa đến những thị trường XK lớn.
Như việc đưa sản phẩm nông sản chế biến sâu của Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ, ông Alexander Tatsis, Tham tán kinh tế thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Tp.HCM nhấn mạnh, nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đang dành chỗ cho những sản phẩm nông sản có chất lượng cao.
“Chính sách mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden là hướng đến những mô hình sản xuất bền vững, và đó cũng chính là cơ hội cho các nhà sản xuất, chế biến nông sản ở Việt Nam với chuỗi cung ứng bền vững”, ông Alexander nói.
Thế Vinh