Số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong 7 tháng đầu năm nay đã sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có mặt hàng giảm đều cả sản lượng lẫn kim ngạch, hoặc có mặt hàng tuy tăng về sản lượng nhưng lại giảm về giá trị.
Lúng túng với chính ngạch
Đơn cử như rau quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 0,3%; cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 18,7% (lượng giảm 7,6%). Trong khi đó, hạt điều đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 11% về giá trị nhưng sản lượng lại tăng 13,8%. Hoặc như mặt hàng gạo đạt 1,7 tỷ USD, giảm đến 14% trong khi sản lượng tăng 0,8%.
Về kim ngạch XK rau quả sụt giảm trong thời gian qua, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết một phần nguyên nhân đến từ việc nhiều doanh nghiệp (DN) còn lúng túng về mặt giấy tờ khi phía Trung Quốc có những quy định mới khắt khe hơn đối với việc nhập khẩu trái cây chính ngạch.
Từ nay đến cuối năm, theo ông Nguyên, XK rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt không ít khó khăn, nhất là phải chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Hơn nữa, việc XK vào thị trường chủ lực Trung Quốc theo đường chính ngạch, DN còn chưa quen với việc phải xin giấy phép (như mã vùng, mã vạch, mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc).
“Tuy nhiên, hy vọng là mọi việc sẽ tiến triển nhanh. Từ nay đến cuối năm còn nhiều dịp để bán trái cây vào Trung Quốc, chẳng hạn như tháng Bảy âm lịch họ cần mua nhiều trái cây để cúng kiếng, hoặc những tháng cuối năm với những lễ hội thì nhu cầu tiêu thụ trái cây Việt sẽ tăng”, ông Nguyên chia sẻ.
Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ trên thị trường XK, nhưng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả, vẫn có hy vọng để XK rau quả đạt ở mức kim ngạch 4 tỷ USD trong năm nay.
Điều này đến từ nhiều yếu tố mới thuận lợi. Chẳng hạn, sau khi Bộ NN&PTNT làm việc với phía Trung Quốc thì họ đã chấp thuận cho xuất chính ngạch thêm mặt hàng trái măng cụt từ tháng 4/2019 (ngoài 8 loại trái cây đã được phép xuất chính ngạch trước đó). Bộ NN&PTNT cũng đang tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để XK chính ngạch mặt hàng trái sầu riêng, bưởi.
Với thị trường EU, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết cần chờ đến năm tới sẽ XK được nhiều hơn.
Riêng với thị trường Mỹ, trong năm 2019 đã chấp nhận cho Việt Nam XK trái xoài. Theo thông tin mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tính đến thời điểm này, Việt Nam đã XK sang thị trường Mỹ được 108 lô xoài, với khối lượng gần 200 tấn. Các địa phương có xoài XK sang Mỹ gồm: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Sơn La.
DN còn lúng túng với XK chính ngạch trước nhà thu mua Trung Quốc |
Nên “bỏ ăn đong”
Trong vấn đề tồn tại của XK nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc công ty Vina T&T, đưa ra dẫn chứng như thị trường Mỹ, các DN XK Việt Nam chưa nắm rõ hệ thống quy định về pháp luật của nước này thường cảm thấy khó xuất hàng.
Cũng theo ông Tùng, mặc dù DN XK nắm rõ được các thông tin về tiêu chuẩn nông sản của từng thị trường nhập khẩu riêng biệt, nhưng do thiếu sự phối hợp đồng bộ với nguồn cung là người nông dân, những chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho nông dân và các DN còn hạn chế, nên sản phẩm nông sản sau khi thu mua từ nông dân thường không đạt chuẩn tiêu chuẩn về chất lượng cũng như quy cách sản phẩm để XK sang những thị trường khó tính.
Riêng với XK gạo sụt giảm về mặt giá trị như hiện nay, giới phân tích cho rằng từ tháng 6/2019, nông sản Việt Nam XK sang Trung Quốc phải bằng đường chính ngạch cũng như tuân thủ các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, việc XK gạo vào thị trường này không thể là ngoại lệ nên chịu ảnh hưởng ít nhiều (đã sụt giảm hơn 20% kim ngạch).
Tuy vậy, theo Ts. Trần Hữu Hiệp, XK gạo nên “bỏ ăn đong”, thích ứng với điều chỉnh chính sách nhập khẩu chính ngạch và cần nỗ lực đưa gạo Việt vào những thị trường XK có giá trị cao hơn.
Đối với XK cà phê, sau khoảng thời gian sụt giảm trong 6 tháng, số liệu nửa đầu tháng 7 cho thấy có chút tín hiệu tích cực khi tăng 4,7% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với nửa đầu tháng 6.
Mặc dù vậy, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo do cung vượt cầu nên thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới sẽ vẫn gặp khó khăn. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã phần nào gây bất lợi lên giá mặt hàng cà phê.
Về việc XK hạt điều sụt giảm về giá trị nhưng lại gia tăng về sản lượng trong 7 tháng qua, giới chuyên gia lý giải là do giá XK bình quân chỉ đạt mức 7.613 USD/tấn, giảm 21,5% so với cùng kỳ.
Các DN ngành điều vẫn đang hy vọng có sự phục hồi về giá trong các tháng còn lại của năm nay nhằm đồng điệu với nhu cầu gia tăng về sản lượng XK khi các thị trường XK chủ lực sẽ đẩy mạnh mua vào.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng khuyến cáo các DN XK không nên ký bán điều nhân trước, khi không có lãi hoặc chưa có nguyên liệu vì giá nhân có thể sẽ còn tăng do mức tiêu thụ trong thời gian tới sẽ tốt.
Thế Vinh