Tốc độ tăng trưởng về giá trị của thị trường săm lốp Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2018-2020, cao gấp hai lần so với mức bình quân của thế giới, đồng thời cũng cao hơn mức bình quân 6% của nhóm thị trường đang phát triển.
Kết thúc năm 2017, số lượng các loại lốp xe của Việt Nam xuất khẩu (XK) ra thị trường quốc tế là 22,8 triệu chiếc, cao gấp hai lần so với lượng nhập khẩu. Kim ngạch XK đạt 596,9 triệu USD, tăng 23,6% so với năm 2016.
Thị trường màu mỡ
Ông Trần Minh, Trưởng ban Công nghiệp, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), cho biết nhu cầu phương tiện đi lại ngày càng tăng theo đà tăng trưởng kinh tế và mức sống người dân cùng với quyết tâm của Chính phủ với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô và các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ tạo nên tiềm năng tăng trưởng mạnh cho phân khúc săm lốp Việt Nam.
Theo báo cáo của công ty CP Chứng khoán Asean, trong bối cảnh thị trường săm lốp trong nước gặp khó khăn, việc mở rộng thị trường XK và đầu tư cho ra đời các sản phẩm mới là hướng đi được nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn, trong đó mặt hàng lốp Radial kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các DN săm lốp.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng lốp Radial cho ôtô ước đạt 50 - 60%. Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, nhu cầu sử dụng các dòng lốp Radial trong tương lai dự báo sẽ tăng.
Tuy nhiên, có thể nói, bức tranh về ngành săm, lốp Việt Nam năm 2017 hình thành hai thái cực cạnh tranh gay gắt với nhau: một bên là các DN sản xuất săm, lốp xe nội địa, một bên là các DN sản xuất săm, lốp xe có vốn FDI.
Tính đến năm 2017, Việt Nam có trên 830 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất săm, lốp xe. Lợi thế là một trong những quốc gia có sản lượng cao su tự nhiên dồi dào, nguồn lao động giá rẻ, đặc biệt là nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông gia tăng mạnh mẽ đã thu hút nhiều “đại gia” ngành săm, lốp trên thế giới đến Việt Nam khiến thị trường săm, lốp xe trong nước trở nên sôi động và cạnh tranh gay gắt, tạo động lực cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, các sản phẩm lốp xe Việt Nam còn phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm lốp xe từ Trung Quốc có giá thấp hơn khoảng 20% so với nhà sản xuất khác, không những khiến giá đầu ra của DN nội địa không thể điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng của nguyên liệu đầu vào mà còn phải tăng mức chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ…
Thực tế, người dùng dễ dàng nhận ra sự khiêm tốn của các DN sản xuất săm, lốp Việt Nam khi đứng bên cạnh các DN có vốn FDI, từ dây chuyền và công suất sản xuất, thị trường tiêu thụ, các chiến lược quảng bá thương hiệu…
So với doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về quy mô, thương hiệu |
Vẫn lo “cá lớn nuốt cá bé”
Các DN FDI được thừa hưởng dây chuyền sản xuất của công ty mẹ có thương hiệu nổi tiếng thế giới như Kumho với công nghệ Hàn Quốc, Bridgestone hay Michelin sử dụng công nghệ Âu – Mỹ, trong khi hầu như các DN Việt Nam sử dụng máy móc, thiết bị kém chất lượng nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, không xây dựng được thương hiệu, công suất kém; chỉ có công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM) hoạt động dựa trên công nghệ châu Âu, công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) dựa trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản, châu Âu.
Bên cạnh đó, công suất sản xuất lốp Radial của các DN FDI như: Sailun Việt Nam đạt 12 triệu lốp/năm; Kumho Việt Nam đạt 6,3 triệu lốp/năm; Bidgestone Việt Nam đạt 17 triệu lốp/năm… Trong khi DN đầu ngành của ngành cao su Việt Nam là CSM có công suất sản xuất lốp Radial lớn nhất trong khối DN nội địa cũng chỉ đạt 1 triệu lốp/năm. Vì vậy, các sản phẩm lốp xe Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ trong nước.
Sự cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc lại khiến các DN nội địa một phen lao đao. Đồng thời, với tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam như hiện nay, cùng với cam kết WTO, AFTA, ATIGA và Hiệp định CPTPP, sản phẩm lốp Radial của nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam với mức giá ngày càng hấp dẫn.
So với DN trong nước, các DN nước ngoài có lợi thế về quy mô, về thương hiệu cũng như kinh nghiệm sản xuất lốp Radial với chất lượng cao và chi phí giá thành thấp nhờ quy mô sản xuất lớn.
Một điểm đáng lưu ý là phân khúc săm, lốp dành cho xe du lịch, các DN trong nước gần như nhường “sân chơi” này cho các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, với phân khúc lốp xe được đánh giá là mức độ cạnh tranh chưa quá gay gắt sẽ là mảnh đất màu mỡ giúp các DN Việt Nam như DRC và CSM có thể cạnh tranh sòng phẳng cả về giá cả và chất lượng. Do vậy, XK là giải pháp được nhiều DN hướng đến để duy trì sự tăng trưởng.
Dự báo, đến năm 2020, nguồn cung trong nước sẽ chỉ đáp ứng khoảng 65-67% nhu cầu nội địa về lốp Radial, do đó dư địa để các DN phát triển trong phân khúc này là rất lớn. Đây là cơ sở để phân khúc lốp Radial tăng trưởng mạnh trong thời gian tới và tạo động lực cho sự tăng trưởng chung của ngành săm lốp xe Việt Nam.
Tuy nhiên, liệu sự cạnh tranh giữa các DN Việt Nam và DN FDI có tạo động lực cho sự phát triển. Liệu các DN khối nội có bắt tay với các DN khối ngoại để cùng nhau phát triển, hay tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” sẽ tiếp tục diễn ra và các DN nội địa sẽ mất dần thị phần ngay trên “sân nhà”. Đây là vấn đề được hầu hết các DN nội quan tâm.
Thy Lê